Bàn tay 'người tí hon' 2 triệu tuổi thay đổi lịch sử loài người?
Hóa thạch bàn tay của Australopithecus sediba và Homo naledi tiết lộ điểm 'chuyển giao thời đại' quan trọng của loài người.
Sự thay đổi của bàn tay là chiếc chìa khóa quan trọng để tổ tiên chúng ta đi từ thế giới loài vượn sang thế giới của loài người thực thụ. Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra các loài khác nhau đã tận dụng chiếc chìa khóa đó theo những cách rất khác biệt.

Lịch sử loài người có thể phức tạp hơn nhiều so với chúng ta nghĩ, điều được thể hiện qua cách 2 loài cổ đại tiến hóa bàn tay - Minh họa AI: Thu Anh
Theo Sci-News, một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi TS Tracy Kivell từ Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck (Đức) và Đại học Witwatersrand (Nam Phi) đã kiểm tra hóa thạch bàn tay của 2 loài người và vượn người cổ đại.
Một là hóa thạch của Australopithecus sediba, có niên đại 2 triệu năm. Đó là một loài thuộc chi Vượn người phương Nam (Australopithecus).
Hóa thạch thứ 2 khoảng 250.000 tuổi, thuộc về Homo naledi, một loài "anh em" cùng chi Homo (chi Người) với loài người hiện đại Homo sapiens.
Điều đặc biệt là cả 2 loài này đều có bàn tay nửa giống người, nửa giống vượn.
Homo naledi biểu hiện các đặc điểm giống con người ở các đốt ngón tay gần với xương bàn tay nhất, trong khi đốt giữa của các ngón tay lại mang đặc điểm của vượn.
Điều này chỉ ra loài này thường sử dụng các công cụ có tay cầm giống những vật dụng của người leo núi ngày nay, được nắm chủ yếu bằng đầu ngón tay và chuyển động đồng thời cả ngón tay để cầm.
Trong khi đó, đốt ngón giữa giúp họ có các ngón tay đủ cong để leo trèo dễ dàng.
Còn Australopithecus sediba, ngón cái và ngón út của họ giống với chúng ta, trong khi các ngón còn lại giống vượn.
Điều này phản ánh họ dùng các công cụ khác với Homo naledi, tận dụng 2 ngón tay ít phải chịu tải khi leo trèo.
Tuy việc Australopithecus sediba có khả năng sử dụng công cụ không đáng ngạc nhiên - một số công cụ 2,2 triệu tuổi từng được khai quật tại Nam Phi - nhưng việc họ sở hữu 2 ngón tay rất giống con người vào thời điểm đó lại là đặc điểm vô cùng thú vị.
Đặc biệt hơn khi 2 loài cách nhau hơn 1,7 triệu tuổi này lại tiến hóa bàn tay theo 2 cách khác nhau để dung hòa việc sử dụng công cụ và leo trèo.
Theo TS Kivell, phát hiện mới là bằng chứng rõ ràng cho thấy lịch sử tiến hóa của nhân loại phức tạp hơn nhiều so với chúng ta nghĩ.
Đó không phải là quá trình chuyển đổi tuyến tính đơn lẻ từ việc đi thẳng đứng sang sử dụng công cụ ngày càng tốt hơn, mà đặc trưng bởi một loạt "thí nghiệm" khác nhau, do các chi, loài khác nhau thực hiện một cách riêng biệt.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.