Những điểm mới của quy chế bầu cử trong Đảng
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Quyết định 190-QĐ/TW về việc ban hành quy chế bầu cử trong Đảng, thay thế quy chế bầu cử trong Đảng được ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Quy chế có 7 chương, 36 điều, gồm quy định chung về đối tượng và phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc bầu cử; hình thức bầu cử; quy định chi tiết về nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập đại hội, các tổ chức điều hành và giúp việc đại hội trong công tác bầu cử; ứng cử, đề cử, bầu cử, danh sách bầu cử, phiếu bầu cử; trình tự, thủ tục bầu cử; tính kết quả và chuẩn y kết quả bầu cử; xử lý vi phạm…
Quy chế được áp dụng đối với việc bầu cử tại đại hội chi bộ, đại hội Đảng bộ các cấp; bầu cử ở hội nghị ban chấp hành, hội nghị ủy ban kiểm tra… Cấp ủy, tổ chức Đảng giới thiệu đảng viên ứng cử các chức danh lãnh đạo Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ được vận dụng theo quy chế này.
Quy chế 190 có những điểm mới, như bổ sung nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập tại đại hội; bổ sung thêm nhiệm vụ của đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội, trưởng ban kiểm phiếu; bổ sung 2 loại tài liệu trong hồ sơ ứng cử; quy định lại việc thảo luận, biểu quyết lập danh sách đối với đại hội (hội nghị)...
Theo đó, trong hồ sơ ứng cử của nhân sự tại đại hội được bổ sung 2 loại tài liệu là kết luận tiêu chuẩn chính trị của cấp ủy có thẩm quyền theo quy định; bản sao các văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị (có xác nhận của cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ hoặc của cấp có thẩm quyền).
Đồng thời, bổ sung thêm trách nhiệm của người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy khi thực hiện thủ tục đề cử, người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy của người mà mình đề cử. Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tùy theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng.
Bên cạnh đó, bổ sung thêm nội dung về số dư và danh sách bầu cử: trường hợp cần bầu lấy số lượng từ 1-6 người, danh sách bầu cử có số dư tối đa 1 người.
Ngoài ra, quy định đã bổ sung 1 trường hợp phiếu không hợp lệ. Phiếu không hợp lệ là phiếu đánh dấu "x" vào cả ô đồng ý và ô không đồng ý của tất cả những người trong danh sách bầu cử có nhiều người.
Đồng thời quy định lại về kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử bí thư, phó bí thư cấp ủy.
Quy định còn bổ sung điểm mới về cách tính kết quả bầu cử trong trường hợp số người đạt số phiếu bầu quá một nửa nhiều hơn số lượng cần bầu
Cụ thể, những người trúng cử là những người có số phiếu cao hơn lấy từ trên xuống cho đến khi đủ số lượng cần bầu.
Nếu cuối danh sách trúng cử có nhiều người bằng phiếu nhau và nhiều hơn số lượng cần bầu, thì chủ tịch hoặc đoàn chủ tịch đại hội (hội nghị) lập danh sách những người ngang phiếu nhau đó để đại hội (hội nghị) bầu lại và lấy người có số phiếu cao hơn, không cần phải quá một nửa.
Trường hợp bầu lại mà số phiếu vẫn bằng nhau, có bầu tiếp hay không do đại hội (hội nghị) quyết định.