Những câu hỏi ông Trump còn bỏ ngỏ từ chuyến thăm Trung Đông

Chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Trump gần đây đã đem lại nhiều thỏa thuận thương mại đáng chú ý, đồng thời cho thấy sự chuyển dịch vai trò của khu vực này trong chính sách đối ngoại Mỹ. Tuy vậy, các vấn đề then chốt như xung đột Gaza hay đàm phán hạt nhân với Iran vẫn chưa có tiến triển rõ rệt.

Chuyến thăm mới đây của Tổng thống Trump đến các quốc gia vùng Vịnh đã mang về cho Washington hàng loạt thỏa thuận thương mại trị giá hàng trăm tỷ USD. Tại Doha, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Qatar đã đặt bút ký thỏa thuận mua bán 210 máy bay Boeing có giá trị lên tới 96 tỷ USD, được xem là cú hích lớn cho ngành công nghiệp hàng không Mỹ. Đổi lại, quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đã mở ra cánh cửa cho dòng vốn nước ngoài đổ vào Syria trong công cuộc tái thiết sau nội chiến, đồng thời cũng tạo cơ hội để các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia, Qatar và cả Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.

Với những cái tên chủ chốt xuất hiện trong chuyến công du lần này của Tổng thống Trump, đây rõ ràng là một chiến thắng "hai chiều" vừa thực chất, vừa mang tính biểu tượng. Về đối nội, đó là những chiến thắng vang dội trên hành trình “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà ông Trump từng cam kết thực hiện trong thời gian vận động tranh cử. Về đối ngoại, Nhà Trắng dường như đã khẳng định mạnh mẽ rằng Trung Đông, đặc biệt là vùng Vịnh, vẫn là một mảnh ghép then chốt trong bàn cờ đối ngoại của Washington.

Tuy nhiên, chuyến công du Trung Đông không chỉ là một chuỗi dài của những thành công. Trong lúc ông chủ Nhà Trắng tập trung vào các cuộc thương lượng, những điềm nóng ngoại giao trong khu vực, từ xung đột Gaza đến vấn đề hạt nhân Iran, dường như đang bị lãng quên.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saud (phải) trao đổi cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saud (phải) trao đổi cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Cuộc xung đột ở Gaza chưa có lời giải

Trong suốt chuyến công du, ông Trump gần như không đề cập đến cuộc chiến đang tiếp diễn giữa Israel và Hamas tại Gaza – một trong những điểm nóng phức tạp nhất trên bàn cờ Trung Đông.

Tổng thống Mỹ vẫn nhấn mạnh mong muốn bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia Arab và Israel – một ý tưởng từng được hiện thực hóa phần nào qua Hiệp định Abraham, với sự tham gia của UAE và ba nước Hồi giáo khác trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Tuy nhiên, sự im lặng về Gaza khiến điều đó càng trở nên ngoài tầm với.

Ông chủ Nhà Trắng từng tin rằng thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, đạt được trước lễ nhậm chức hồi tháng 1/2025, sẽ giữ được hiệu lực. Nhưng khi lệnh ngừng bắn ấy chấm dứt vào tháng 3/2025 và Israel tiếp tục các chiến dịch không kích quy mô lớn vào Dải Gaza, niềm tin ấy dường như đã tan vỡ. Giải pháp hai nhà nước vẫn chỉ xuất hiện trong lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, mà chưa được hiện thực hóa.

Đáng chú ý, Tel Aviv không xuất hiện trong lịch trình lần này của ông Trump. Theo lời một cựu nhà ngoại giao Israel, đó là bằng chứng cho thấy Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã mất dần sức hút đối với Washington. Nhà lãnh đạo Israel giờ đây không còn sở hữu “đòn bẩy” hay bất kỳ thứ gì mà ông Trump cần, khác với những gì Tổng thống Mỹ đang tìm kiếm ở Saudi Arabia, Qatar hay UAE.

Vấn đề hạt nhân của Iran vẫn tắc nghẽn

Đối với Iran, ông Trump mang đến một giọng điệu cứng rắn quen thuộc nhưng thiếu nội dung mới mẻ. Dù bày tỏ mong muốn đạt được một thỏa thuận hạt nhân, ông không đưa ra sáng kiến cụ thể nào ngoài việc lặp lại các tối hậu thư trước đây.

Kể từ đầu tháng 4/2025, đã có ít nhất bốn vòng đàm phán giữa Mỹ và Iran. Dù hai bên thể hiện sự lạc quan nhất định, nội bộ chính quyền Trump lại thiếu sự thống nhất. Đặc phái viên Steve Witkoff và Ngoại trưởng Marco Rubio yêu cầu Tehran từ bỏ hoàn toàn năng lực làm giàu uranium như một biện pháp bảo đảm chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, chính ông Trump, dù kêu gọi “phá hủy hoàn toàn” chương trình hạt nhân, vẫn lưỡng lự khi được hỏi liệu Iran có nên được phép duy trì chương trình hạt nhân dân sự có giám sát hay không.

Đối với Tehran, khả năng làm giàu uranium dưới sự giám sát quốc tế là một ranh giới đỏ không thể vượt qua. Việc Mỹ chưa thể đưa ra câu trả lời cuối cùng chỉ khiến quan điểm đàm phán giữa hai bên càng trở nên xa cách.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi ông Trump tuyên bố Iran là “lực lượng phá hoại lớn nhất Trung Đông”. Tehran lập tức phản ứng. Ngoại trưởng Abbas Araghchi gọi các phát biểu ấy là “lừa dối trắng trợn” và tố cáo chính sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel mới là nguyên nhân gốc rễ gây bất ổn khu vực.

Giữa lúc căng thẳng tại Gaza và Tehran vẫn chưa có lối thoát, những thỏa thuận thương mại hàng tỷ USD vẫn chưa thể đưa nước Mỹ tiến gần hơn đến lời giải cho hai trong số những bài toán địa chính trị nan giải nhất tại Trung Đông hiện nay.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The Conversation, CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhung-cau-hoi-ong-trump-con-bo-ngo-tu-chuyen-tham-trung-dong-post1200514.vov
Zalo