'Tàu mẹ' Cửu Thiên: Bước nhảy công nghệ trong tác chiến không người lái của Trung Quốc

Trung Quốc chuẩn bị cất cánh UAV Jiu Tian – mẫu drone chiến lược có tầm bay 7.000 km, tải trọng 6 tấn, mang theo 100 UAV cảm tử hoặc đạn tuần kích. Đây là bước tiến mới trong năng lực tác chiến bầy đàn của PLA.

Mẫu UAV "tàu mẹ" Cửu Thiên của quân đội Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Mẫu UAV "tàu mẹ" Cửu Thiên của quân đội Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Trung Quốc chuẩn bị đưa vào hoạt động máy bay không người lái (UAV) tầm xa Jiu Tian, có khả năng mang theo tới 100 UAV cảm tử hoặc đạn tuần kích, với tầm bay lên tới 7.000 km.

UAV Jiu Tian (Cửu Thiên) của Trung Quốc sẽ thực hiện chuyến bay nhiệm vụ đầu tiên vào cuối tháng 6 tới, mở đường cho lực lượng không quân nước này mở rộng phạm vi hoạt động không người lái trong các chiến dịch tấn công.

Thông tin được truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố cuối tuần qua và được đài truyền hình trung ương CCTV xác nhận trong hôm 19/5.

Chuyến bay đầu tiên của Jiu Tian sẽ đánh dấu khởi đầu cho chuỗi thử nghiệm trước khi máy bay được chính thức biên chế cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Jiu Tian UAV, tầm xa, độ cao siêu lớn, sử dụng động cơ phản lực, lần đầu ra mắt công chúng tại Triển lãm hàng không Chu Hải vào tháng 11 năm ngoái.

Với tầm bay tối đa 7.000 km và trần bay lên tới 15.000 mét, Jiu Tian có khả năng mang theo tới 6 tấn đạn dược hoặc máy bay không người lái cỡ nhỏ. Tổng trọng lượng cất cánh tối đa của thiết bị này lên tới 16 tấn, sải cánh đạt 25 mét, cho phép nó bay ở độ cao vượt qua phạm vi hoạt động của nhiều hệ thống phòng không tầm trung hiện nay trên thế giới.

Điểm đặc biệt của Jiu Tian là khả năng thả tới 100 đơn vị đạn tuần kích hoặc UAV cỡ nhỏ – bao gồm cả UAV cảm tử – từ hai bên thân bụng, giúp mở rộng tầm tấn công mà không cần đưa thân chính tiến sát mục tiêu.

Nếu được triển khai thực chiến, Jiu Tian sẽ tăng cường đáng kể năng lực "tác chiến bầy đàn" của PLA – chiến thuật sử dụng một đội hình UAV được kết nối mạng, phối hợp chặt chẽ để thực hiện nhiệm vụ tấn công hoặc áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương.

Jiu Tian được trang bị 8 điểm treo vũ khí và có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như trinh sát, do thám, tác chiến điện tử. Thiết kế của máy bay này phù hợp với nhiều loại hoạt động như: vận tải trong môi trường an ninh cao và phức tạp, tuần tra biên giới, bảo vệ tài nguyên, cứu hộ khẩn cấp và giám sát trên biển.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã phát triển nhiều loại UAV tiên tiến và sáng tạo khi nhận ra vai trò ngày càng lớn của phương tiện không người lái trong chiến tranh hiện đại, đặc biệt là trong các xung đột bất đối xứng. Loại hình tác chiến này được xem là yếu tố then chốt trong các kịch bản xung đột tiềm tàng trong khu vực, chẳng hạn eo biển Đài Loan.

Với sự xuất hiện của Jiu Tian, Trung Quốc đang củng cố thêm kho UAV chiến đấu hiện đại, vốn đã bao gồm các dòng như CH-7 tàng hình và Wing Loong-X tầm trung chống tàu ngầm. Một số chuyên gia đánh giá Jiu Tian là đối thủ tiềm năng của hai mẫu UAV nổi bật của Mỹ: RQ-4 Global Hawk và MQ-9 Reaper.

Global Hawk có khả năng trinh sát ở độ cao tới 18.000 mét và trọng lượng cất cánh tương đương Jiu Tian, nhưng không có khả năng tấn công. Trong khi đó, MQ-9 Reaper là UAV đa nhiệm tầm trung với trọng lượng cất cánh khoảng 5 tấn.

Máy bay Jiu Tian được phát triển bởi Công ty Công nghệ Thiết bị Không người lái Thiểm Tây, đăng ký tại tỉnh Thiểm Tây năm 2023. Việc sản xuất do Xian Chida – một công ty con của Tập đoàn truyền thông quốc phòng nhà nước Quảng Châu Haige – thực hiện. Thiết kế do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), một ông lớn trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, đảm nhiệm.

Theo nhà sản xuất, khoang chứa hàng của máy bay được thiết kế dạng mô-đun, cho phép điều chỉnh linh hoạt cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau như đảm bảo an ninh công cộng, tuần tra hàng hải, ứng phó khẩn cấp, và nhiều hoạt động dân sự hoặc quốc phòng khác.

Tham vọng của Trung Quốc trên bầu trời

Việc Trung Quốc chuẩn bị triển khai Jiu Tian – UAV hạng nặng có thể mang theo tới 100 máy bay không người lái con – đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là ở mảng tác chiến không người lái.

Với tầm bay 7.000 km, trần bay 15.000 m và tải trọng tối đa 16 tấn, Jiu Tian không chỉ vượt trội so với phần lớn UAV hiện có trong khu vực, mà còn tiệm cận – thậm chí ở một số mặt còn vượt – hai mẫu UAV chiến lược nổi tiếng của Mỹ là RQ-4 Global Hawk và MQ-9 Reaper.

Jiu Tian không hẳn là bản sao một-một của Global Hawk hay Reaper, mà mang bản chất lai giữa khả năng do thám tầm cao với vai trò làm “tàu mẹ” phóng UAV con – điều cả hai mẫu UAV Mỹ đều không thực hiện được ở quy mô tương đương.

Quan trọng hơn, Jiu Tian đóng vai trò như một nền tảng “đa chức năng” trên không, có thể hỗ trợ tác chiến điện tử, do thám, trinh sát tín hiệu, truyền thông chiến thuật, và đặc biệt là khả năng thả loạt UAV cảm tử hoặc đạn tuần kích (loitering munitions) – vũ khí đã chứng minh hiệu quả cao trong các cuộc xung đột tại Ukraine và Nagorno-Karabakh.

Chiến thuật "tác chiến bầy đàn" mà PLA đang theo đuổi – với các UAV con phối hợp theo mạng lưới, có thể độc lập xử lý mục tiêu hoặc tấn công ồ ạt để gây rối loạn phòng không – là đòn bẩy phi đối xứng đầy hiệu quả trong bối cảnh PLA tìm cách áp đảo đối phương bằng công nghệ, thay vì số lượng khí tài truyền thống.

Ẩn số lớn nhất hiện tại là liệu hệ thống truyền dẫn, điều khiển UAV con và chống nhiễu điện tử của Trung Quốc đã đủ mạnh để duy trì ổn định trong môi trường tác chiến thực tế hay chưa – nhất là trong bối cảnh đối thủ có năng lực chiến tranh điện tử mạnh như Mỹ, Nhật Bản hay Đài Loan.

Tuy nhiên, việc Jiu Tian chuẩn bị cất cánh cho sứ mệnh đầu tiên cho thấy Trung Quốc không chỉ bắt kịp xu hướng UAV thế giới, mà còn muốn định hình tương lai mới cho tác chiến không người lái.

Theo SCMP

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tau-me-cuu-thien-buoc-nhay-cong-nghe-trong-tac-chien-khong-nguoi-lai-cua-trung-quoc-post185690.html
Zalo