Những câu hỏi chưa được giải mã về vụ ám sát Martin Luther King

Gần 60 năm đã trôi qua nhưng vụ ám sát nhà lãnh đạo nhân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King Jr. với nhiều câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng, vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Biểu tượng của phong trào đòi quyền bình đẳng cho người da đen

Martin Luther King Jr. sinh năm 1929 tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ, trong gia đình có cha là mục sư. Trước khi nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Boston vào năm 1954, ông đã trở thành mục sư tại một nhà thờ ở bang Alabama, cái nôi của các cuộc vận động cho phong trào dân quyền trên toàn cầu sau này.

Khi làm mục sư ở Montgomery, thành phố thủ phủ bang Alabama, Luther King đã lãnh đạo phong trào tẩy chay xe buýt sau khi cô thợ may da màu Rosa Parks bị bắt vì từ chối nhường chỗ cho người da trắng. Ông từng bị bắt giam và chỉ được phóng thích khi Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố phân biệt chủng tộc trên xe buýt là vi phạm hiến pháp.

Mục sư Martin Luther King Jr. lúc sinh thời. Ảnh: KeystoneUSA-Zuma

Mục sư Martin Luther King Jr. lúc sinh thời. Ảnh: KeystoneUSA-Zuma

Trong hành trình đấu tranh cho dân quyền, Luther King đi khắp nơi để diễn thuyết, truyền cảm hứng và kêu gọi bình đẳng. Ngày 28/8/1963, bài diễn văn “I Have a Dream” của ông tại Washington đã gây tiếng vang lớn, khắc sâu giấc mơ về một nước Mỹ, nơi mọi đứa trẻ, không phân biệt màu da có thể nắm tay nhau như anh em. Thông điệp mạnh mẽ ấy góp phần thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Dân quyền năm 1964, chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử. Cùng năm đó, Luther King trở thành người trẻ nhất được trao giải Nobel Hòa Bình, khẳng định con đường đấu tranh phi bạo lực của ông vì công bằng và hòa bình.

Vụ ám sát bất ngờ

Tuy nhiên, một biến cố khủng khiếp bất ngờ xảy ra, khiến các nỗ lực của vị mục sư đồng thời là nhà tranh đấu nhân quyền cho người Mỹ da đen trở thành ước mơ dang dở. Khoảng 18h01 chiều ngày 4/4/1968, Luther King bị ám sát khi đứng trên ban công khách sạn Lorraine ở Memphis, bang Tennessee, sắp sửa rời đi để dẫn đầu một cuộc tuần hành ủng hộ liên đoàn công nhân vệ sinh của người da đen tại Memphis.

Luther King bị một tay súng bắn trúng cằm. Viên đạn làm gãy xương hàm, sau đó xuyên qua đốt sống cổ và nằm lại ở phần cơ lưng bên trái. Ông được đưa vào bệnh viện St. Joseph để cấp cứu và phẫu thuật. Song, ông đã không qua khỏi và từ trần lúc 19h05 ngày 4/4, khi mới 39 tuổi.

Cái chết của Luther King gây chấn động nước Mỹ, châm ngòi cho hơn 100 cuộc biểu tình bạo động tại nhiều thành phố lớn suốt nhiều tuần lễ. Vô số nhà cửa và xe cộ bị đốt phá, trong khi các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình khiến hàng trăm người thương vong.

Tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố quốc tang dành cho Luther King vào ngày 7/4/1968. Tại Atlanta, hàng trăm nghìn người đã đến tiễn đưa Luther King, bày tỏ lòng sự tiếc thương và kính trọng dành cho ông.

Lộ diện nghi phạm

Trước làn sóng phẫn nộ của cộng đồng người da màu và những tin đồn cho rằng Chính phủ Mỹ có liên quan đến vụ ám sát Luther King, Cục điều tra Liên bang (FBI) buộc phải nhanh chóng tìm ra kẻ thủ ác để xoa dịu dư luận.

Theo lời khai của một nhân chứng, vài giây sau khi nghe tiếng súng nổ, ông thấy có người chạy ra khỏi khu nhà trọ ở phía sau và đối diện với bãi đậu xe của khách sạn Lorraine. Cảnh sát đã tìm thấy một khẩu súng trường và một chiếc ống nhòm trên khu đất gần công viên giải trí Canipe trên đường South Main. Trên hai vật chứng này có dấu vân tay của một tên tội phạm đang vượt ngục tên James Earl Ray.

Nguồn: HistoryVille

Vào ngày 8/6/1968, tức 2 tháng sau vụ ám sát, Ray bị bắt giữ tại sân bay Heathrow ở London khi làm thủ tục rời Anh để bay đến Brussels, Bỉ. Nhân viên bán vé phát hiện tên giả Ramon George Sneyd trên hộ chiếu, một cái tên có mặt trong danh sách theo dõi của cảnh sát Canada. Họ còn tìm thấy một hộ chiếu khác mang tên Harvey Lowmeyer, tên Ray đã dùng để mua khẩu súng gây án.

Ngày 10/3/1969, Ray bị tuyên phạt 99 năm tù giam vì tội ám sát mục sư Luther King. Theo lời khuyên của luật sư Jack Kershaw, hắn đã nhận tội để tránh án tử hình. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, Ray bất ngờ kêu oan, với niềm tin nếu George Wallace, Thống đốc bang Alabama có quan điểm phân biệt chủng tộc, đắc cử tổng thống Mỹ, hắn sẽ được ân xá. Song, khi ứng viên tổng thống Lyndon B. Johnson chiến thắng, mọi hy vọng của Ray tan biến.

Năm 1977, Ray cùng 6 phạm nhân khác trốn khỏi nhà tù Peny Mountain ở bang Tennessee. 3 ngày sau, cả nhóm bị bắt lại và bản án dành cho Ray tăng lên thành 100 năm tù giam.

Thuyết âm mưu và những bí ẩn chưa có đáp án

Dù Ray qua đời ở tuổi 70 tại bệnh viện Memorial Columbia Nashville, bang Tennessee vì chứng viêm gan C vào ngày 23/4/1998, nhưng theo yêu cầu của gia đình mục sư Luther King, Tổng Chưởng lý Janet Reno đã ra lệnh điều tra lại vụ ám sát ông vào ngày 26/8 cùng năm.

Hai năm sau, Bộ Tư pháp Mỹ công bố báo cáo 150 trang, khẳng định không có âm mưu nào đứng sau. FBI cũng khẳng định Ray hành động một mình, nhưng nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp, như nguồn tiền giúp hắn trốn chạy từ Mỹ qua Canada, Mexico và châu Âu. Ray từng khai một người tên Raul mới là kẻ chủ mưu. Trong khi, con gái Luther King cũng bày tỏ nghi ngờ về một âm mưu lớn hơn, có thể liên quan đến chính phủ và mafia.

Năm 2000, luật sư Barry Kowalski được giao tái điều tra và vẫn giữ nguyên kết luận rằng Ray là thủ phạm duy nhất và không có âm mưu nào sau vụ ám sát. Song, với gia đình Luther King, sự thật dường như vẫn còn bị che giấu, nhất là khi có thông tin cho thấy Giám đốc FBI Edgar Hoover từng ra lệnh nghe lén ông từ năm 1963. Ngoài ra, mục sư James Lawson, người thường xuyên thăm Ray sau khi hắn bị kết án, kể Ray từng khẳng định một người tên Raul đã hướng dẫn hắn mua súng và chính người này mới là kẻ nổ súng. Cũng theo Ray, lúc ông Luther King bị bắn, hắn đang ở một trạm xăng.

Theo BBC, vẫn còn một số câu hỏi khác chưa được giải đáp liên quan đến vụ án. Ví dụ bằng cách nào, Ray, vốn chỉ là một tên trộm vặt, lại có thể bắn một phát chính xác để hạ sát mục sư Luther King như chuyên gia bắn tỉa; hay tại sao sau khi gây án, Ray lại cẩu thả vứt súng và một số vật dụng khác, được bọc trong khăn trải giường ngay trên vỉa hè ở Memphis.

Trong một cuộc họp nội các hôm 11/4 vừa qua, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Tulsi Gabbard thông báo sẽ công bố loạt hồ sơ giải mật cuối cùng về vụ ám sát mục sư Luther King “trong vài ngày tới”, theo sắc lệnh hồi tháng Một của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, một số ý kiến bình luận cho rằng những tài liệu này khó có khả năng chứa thông tin gây chấn động.

Thanh Thảo

Tuấn Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-cau-hoi-chua-duoc-giai-ma-ve-vu-am-sat-martin-luther-king-2390850.html
Zalo