Thỏa thuận 'lịch sử' ứng phó với đại dịch trong tương lai

Các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đạt thỏa thuận 'về nguyên tắc' cho một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, ứng phó đại dịch trong tương lai sau hơn 3 năm đàm phán.

Nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế Boston trong đại dịch Covid-19 năm 2020. Ảnh: Erin Clark/The Boston Globe/Getty Images

Nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế Boston trong đại dịch Covid-19 năm 2020. Ảnh: Erin Clark/The Boston Globe/Getty Images

Theo CNN, với nhiều năm đàm phán, các quốc gia đã nhất trí về văn bản thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm giải quyết các đại dịch trong tương lai, tránh lặp lại những sai lầm đã mắc phải trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

"Sau hơn ba năm đàm phán chuyên sâu, các quốc gia thành viên WHO đã có bước tiến quan trọng trong nỗ lực giúp thế giới an toàn hơn trước các đại dịch, bằng cách thống nhất dự thảo thỏa thuận để trình lên Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5 tới", Tuyên bố của WHO nêu rõ.

Các quốc gia thành viên sáng 16/4 đã nhất trí về văn bản của một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về cách giải quyết các đại dịch trong tương lai.

Hiệp ước phòng chống đại dịch trong tương lai thể hiện sựràng buộc về mặt pháp lý nhằm củng cố khả năng phòng vệ của thế giới trước các tác nhân gây bệnh mới sau khi đại dịch COVID-19 đã giết chết hàng triệu người trong giai đoạn 2020-2022.

Đề xuất cũng nêu rõ các biện pháp ngăn ngừa đại dịch trong tương lai và tăng cường hợp tác toàn cầu. Điều này bao gồm thiết lập hệ thống tiếp cận và chia sẻ lợi ích của tác nhân gây bệnh, cũng như xây dựng năng lực nghiên cứu đa dạng về mặt địa lý, trong số những biện pháp khác.

Thỏa thuận này cũng đề xuất một mạng lưới cung ứng và hậu cần toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh khả năng phục hồi và chuẩn bị mạnh mẽ hơn của hệ thống y tế.

"Sau hơn ba năm đàm phán chuyên sâu, các quốc gia thành viên của WHO đã có bước tiến lớn trong nỗ lực giúp thế giới an toàn hơn trước các đại dịch", cơ quan y tế này cho biết trong một tuyên bố.

Đề xuất nêu rõ các biện pháp ngăn ngừa các đại dịch trong tương lai và hợp tác toàn cầu trong ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh.

Kể từ khi sáng kiến xây dựng một hiệp ước toàn cầu về ứng phó đại dịch được đưa ra vào năm 2021, thời điểm dịch COVID-19 đang làm chao đảo hệ thống y tế thế giới, các nỗ lực đàm phán liên tục vấp phải thách thức.

Tháng 2/2022, cuộc họp đầu tiên của Cơ quan đàm phán liên chính phủ được tổ chức. Đến nay, các bên trải qua 13 vòng đàm phán đầy căng thẳng với nhiều bất đồng, mâu thuẫn phát sinh.

'Đã được thông qua'

Theo Economic Times, cho đến phút cuối, bất đồng vẫn còn tồn tại về một số "vấn đề gai góc". Các nhà đàm phán đã vấp phải Điều 11 của thỏa thuận, liên quan đến việc chuyển giao công nghệ cho các sản phẩm y tế trong đại dịch, nguồn tin AFP cho biết.

Trong đại dịch Covid-19, các quốc gia nghèo hơn từng cáo buộc các quốc gia giàu có tích trữ vắc-xin và xét nghiệm. Các quốc gia có ngành công nghiệp dược phẩm lớn đã phản đối mạnh mẽ ý tưởng chuyển giao công nghệ bắt buộc, nhấn mạnh rằng chúng phải là tự nguyện.

Có vẻ như trở ngại chuyển giao công nghệ có thể được khắc phục bằng cách thêm rằng bất kỳ sự chuyển giao nào cũng cần phải được "thỏa thuận chung".

Tuy nhiên, đến cuối cùng, thỏa thuận dài 32 trang được "tô sáng" hoàn toàn bằng màu xanh lá cây, cho thấy sự chấp thuận hoàn toàn các quốc gia thành viên WHO.

"Đã thông qua", Anne-Claire Amprou, đồng chủ tịch các cuộc đàm phán, tuyên bố trong tiếng vỗ tay vang dội.

Văn bản hoàn thiện hiện sẽ được trình lên tại hội nghị thường niên của WHO vào tháng tới.

Thỏa thuận này được coi là một chiến thắng lớn của cơ quan y tế toàn cầu, vào thời điểm các tổ chức đa phương như WHO bị ảnh hưởng nặng nề từ việc cắt giảm mạnh nguồn tài trợ nước ngoài của Mỹ.

Mỹ đã rời khỏi các cuộc thảo luận trong năm nay sau khi Tổng thống Donald Trump ban hành lệnh hành pháp vào tháng 2.2205, rút Mỹ khỏi WHO và các cuộc đàm phán.

WHO cho biết đề xuất này sẽ được xem xét tại cuộc họp chính sách của Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5.

Năm 2024, có hơn 200 đợt bùng phát dịch bệnh được ghi nhận tại châu Phi, trong đó, dịch tả, sởi, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ và bạch hầu được xác định là các căn bệnh gây nhiều thiệt hại nhất.

Trong bối cảnh đó, việc các bên nỗ lực đạt được thỏa thuận “về nguyên tắc” cho hiệp ước toàn cầu về ứng phó đại dịch là một tín hiệu tích cực, nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế.

"Các quốc gia trên thế giới đã tạo nên bước ngoặt lịch sử tại Geneva ngày hôm nay. Khi đạt được sự đồng thuận về Hiệp ước phòng chống đại dịch, các nhà đàm phán đã đưa ra một thỏa thuận thế hệ giúp thế giới an toàn hơn. Trong thế giới của chúng ta, các quốc gia vẫn có thể hợp tác với nhau để tìm ra tiếng nói chung và phản ứng chung đối với các mối đe dọa chung", Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một tuyên bố./.

HỒNG NHUNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/thoa-thuan-lich-su-ung-pho-voi-dai-dich-trong-tuong-lai-128042.html
Zalo