Tấn công phủ đầu Iran: Ngăn chặn hay châm ngòi thảm họa hạt nhân?

Đòn tấn công quân sự có thể làm gián đoạn chương trình hạt nhân Iran nhưng cũng có thể là cú hích cuối cùng đẩy Tehran đến gần hơn bao giờ hết với vũ khí hạt nhân.

Việc Mỹ gần đây triển khai máy bay ném bom B-2 – loại duy nhất có khả năng mang bom xuyên boongke mạnh nhất – tới phạm vi có thể tấn công Iran, là một tín hiệu rõ ràng gửi tới Tehran: nếu không đạt được thỏa thuận kiềm chế chương trình hạt nhân, hậu quả có thể là hành động quân sự.

Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei thăm cơ sở máy ly tâm ở Tehran ngày 11/6/2023. Ảnh: WANA

Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei thăm cơ sở máy ly tâm ở Tehran ngày 11/6/2023. Ảnh: WANA

Theo các chuyên gia quân sự và hạt nhân, ngay cả với hỏa lực hạng nặng như vậy, một chiến dịch quân sự do Mỹ hoặc Israel tiến hành cũng chỉ có thể tạm thời làm chậm lại chương trình hạt nhân của Iran – điều mà phương Tây lo ngại đang hướng tới mục tiêu chế tạo vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Iran luôn phủ nhận điều này.

Tồi tệ hơn, một cuộc tấn công có thể khiến Iran trục xuất các thanh sát viên hạt nhân của Liên Hợp Quốc và đưa toàn bộ chương trình xuống dưới lòng đất, biến mất khỏi phạm vi có thể theo dõi. Một cuộc tấn công của Mỹ và Israel cũng có thể khiến Iran đẩy nhanh quá trình sở hữu vũ khí hạt nhân, làm cho mối lo ngại của phương Tây càng thành hiện thực sớm hơn.

“Rất khó để tưởng tượng rằng một cuộc tấn công quân sự có thể phá hủy con đường dẫn đến vũ khí hạt nhân của Iran. Biện pháp răn đe quân sự chỉ làm gia tăng cái giá mà Iran phải trả và kéo dài thời gian mà họ cần để chế tạo đủ nguyên liệu phân hạch cho một quả bom”, ông Justin Bronk, chuyên gia cao cấp tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định.

“Thời gian bứt phá” – tức thời gian cần thiết để Iran sản xuất đủ vật liệu phân hạch cho một đầu đạn hạt nhân – hiện chỉ còn tính bằng ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, việc lắp ráp và hoàn thiện một quả bom sẽ cần nhiều thời gian hơn.

Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực HĐBA là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc cộng với Đức) từng đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt, kéo dài thời gian bứt phá đó lên ít nhất một năm. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào năm 2018, Iran bắt đầu vượt xa các giới hạn đã cam kết.

Hiện tại, ông Trump đang thúc đẩy đàm phán với Iran nhằm đạt được một thỏa thuận về các giới hạn mới.

“Nếu họ không đạt được thỏa thuận, sẽ có các cuộc dội bom”, ông Trump cảnh báo Iran trước khi các cuộc đàm phán gián tiếp với Tehran bắt đầu vào cuối tuần trước tại Oman.

Israel cũng liên tục đưa ra lời đe dọa tương tự. Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz, phát biểu sau khi nhậm chức vào tháng 11 rằng: “Iran đang dễ bị tổn hại hơn bao giờ hết trước các đòn tấn công vào cơ sở hạt nhân. Chúng ta đang có cơ hội để đạt được mục tiêu quan trọng nhất – loại bỏ mối đe dọa đối với Israel”.

Mục tiêu tham vọng, rủi ro lớn

Chương trình hạt nhân của Iran phân tán ở nhiều địa điểm, và để hiệu quả, cuộc tấn công cần phải nhắm vào hầu hết, nếu không nói là toàn bộ các cơ sở đó. Ngay cả Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng không biết rõ nơi Iran cất giữ một số thiết bị quan trọng, như linh kiện máy ly tâm – công cụ làm giàu urani.

Theo các chuyên gia quân sự, Israel có thể tấn công được phần lớn các cơ sở này, nhưng sẽ là một chiến dịch đầy rủi ro, cần các đợt oanh kích liên tiếp và phải đối phó với hệ thống phòng không do Nga cung cấp cho Iran, dù Israel từng vượt qua chúng trong các đợt không kích hạn chế vào năm ngoái.

Cốt lõi của chương trình hạt nhân Iran là quá trình làm giàu urani, được thực hiện tại 2 địa điểm chính: Natanz – nằm sâu khoảng ba tầng dưới lòng đất, và Fordow – được đào sâu trong lòng núi.

Mỹ có khả năng phá hủy các mục tiêu kiên cố này tốt hơn nhờ vào bom xuyên boongke hạng nặng nhất của họ – loại bom nặng 14 tấn mang tên "Massive Ordnance Penetrator". Chỉ có máy bay B-2, loại vừa được triển khai tới đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, mới có thể sử dụng loại bom này. Israel hiện không sở hữu vũ khí tương đương.

“Israel không có đủ vũ khí để đánh sập Fordow và Natanz,” Tướng Charles Wald, cựu chỉ huy Không quân Mỹ, hiện làm việc tại Viện An ninh Quốc gia Do Thái, cho biết.

Ông nói thêm rằng, nếu có sự tham gia của Mỹ, chiến dịch sẽ nhanh hơn và có khả năng thành công cao hơn, dù vẫn phải mất vài ngày.

Iran sẽ đáp trả như thế nào?

“Một cuộc tấn công của Mỹ có thể gây thiệt hại nặng hơn cho Iran so với một cuộc tấn công do Israel tiến hành. Nhưng cho dù là bên nào thực hiện, nó cũng chỉ giống như biện pháp câu giờ và có rủi ro lớn là Iran sẽ tiến gần hơn tới việc chế tạo bom hạt nhân”, Eric Brewer, cựu phân tích viên tình báo Mỹ, hiện làm việc tại tổ chức Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân, cho biết.

“Cuộc tấn công có thể làm gián đoạn và trì hoãn, nhưng không thể xóa sổ hoàn toàn chương trình hạt nhân Iran”, ông Brewer nói thêm.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, dù có thể phá hủy các cơ sở vật chất, nhưng kiến thức và năng lực mà Iran đã đạt được trong lĩnh vực làm giàu urani thì không thể bị xóa bỏ. Việc ngăn chặn Iran tái xây dựng chương trình sẽ là một nhiệm vụ lâu dài và cực kỳ khó khăn.

“Khi bị tấn công, Iran thường đáp trả bằng cách củng cố thêm cơ sở và đẩy mạnh chương trình hạt nhân”, bà Kelsey Davenport thuộc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí nhận định.

Iran hiện đã hủy bỏ phần lớn cơ chế giám sát bổ sung của IAEA theo thỏa thuận năm 2015. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, nếu bị tấn công, nước này có thể sẽ trục xuất hoàn toàn các thanh sát viên IAEA – những người đóng vai trò như “đôi mắt” của cộng đồng quốc tế tại các cơ sở như Natanz hay Fordow.

“Các mối đe dọa từ bên ngoài và việc Iran rơi vào tình trạng bị tấn công quân sự có thể dẫn tới các biện pháp răn đe, bao gồm trục xuất các thanh sát viên của IAEA và chấm dứt hợp tác”, ông Ali Shamkhani, cố vấn cấp cao của Lãnh đạo Tối cao Iran Ali Khamenei viết trên mạng xã hội X tuần trước.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Reuters

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tan-cong-phu-dau-iran-ngan-chan-hay-cham-ngoi-tham-hoa-hat-nhan-post1192351.vov
Zalo