Những bước chân không mỏi

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mảnh đất Chùa Tháp vẫn còn in hằn dấu tích của những ngày máu lửa. Hàng ngàn chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hy sinh trên đất bạn, góp phần chấm dứt chế độ diệt chủng Pol Pot, mang lại hòa bình cho nhân dân Campuchia. Nhiều người trong số họ vẫn còn nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm, chưa thể về với quê hương, gia đình. Và vì thế, hành trình 'đưa các anh về đất mẹ' chưa bao giờ dừng lại.

Trở lại chiến trường xưa

Những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo xuyên rừng trên đất nước Campuchia hiện đã khác xa những ngày khói lửa. Rừng đã xanh trở lại. Những ngọn đồi hoang vu năm xưa, nơi từng là chiến trường khốc liệt, giờ chỉ vọng tiếng gió và lời thì thầm từ lòng đất. Ở đó, hàng trăm, hàng ngàn người lính tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập của hai dân tộc. Họ nằm lại nơi đất bạn, không tên, không bia mộ, chỉ có sự ghi nhớ của những người đồng đội may mắn trở về.

Đội K72, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia

Đội K72, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia

Trên những cung đường rừng rậm tại Campuchia, giữa cái nắng như thiêu đốt và địa hình hiểm trở, có những người lính mang trên vai sứ mệnh đặc biệt: tìm kiếm, cất bốc và đưa hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trở về đất mẹ. Họ là những người lính Đội K72 thuộc Bộ CHQS tỉnh Bình Phước. Suốt hơn 20 năm qua, những bước chân thầm lặng nhưng đầy kiên cường của họ vẫn chưa dừng lại.

Trong hơn 20 năm, các chiến sĩ của đội đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ - từ rừng rậm hoang vu, thiếu thốn nước sinh hoạt đến rào cản ngôn ngữ và khác biệt tập quán - để đưa hơn 2.800 bộ hài cốt liệt sĩ trở về đất mẹ Việt Nam.

Gian nan hành trình đi tìm đồng đội

Mỗi mùa khô, Đội K72 lại lên đường làm nhiệm vụ. Địa bàn rộng, phức tạp, bao gồm các tỉnh như Kampong Thom, Kratie, Mondulkiri… nơi từng là chiến trường ác liệt. Nhiều vị trí mai táng liệt sĩ đã trở thành rừng rậm nguyên sinh, cây mọc xuyên qua mộ, đường kính thân có khi lên tới 70cm. Việc đào gốc, cưa cây, lần tìm từng dấu vết rất gian nan.

Không chỉ đối mặt với hiểm nguy từ thiên nhiên, họ còn phải vượt qua những trở ngại về ngôn ngữ, phong tục. Trong những đợt đầu, người dân Campuchia còn dè dặt, ít khi cung cấp thông tin. Nhưng với sự kiên trì, khéo léo làm công tác dân vận và những hành động nghĩa tình như khám bệnh, tặng thuốc, giúp dân làm nương rẫy…, các chiến sĩ Đội K72 dần chinh phục được lòng tin của người dân địa phương.

Đội K72, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho người dân tỉnh Kampong Thom, Vương quốc Campuchia

Đội K72, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho người dân tỉnh Kampong Thom, Vương quốc Campuchia

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Sók Phẹ (80 tuổi) ở xã Xa Ray Cha, huyện Sa Nua, tỉnh Kratie, là nhân chứng đã giúp Đội K72 tìm kiếm, cất bốc được hơn 300 mộ liệt sĩ. Công việc của ông chủ yếu là làm nương rẫy. Ấn tượng về ông đọng lại trong chúng tôi là khoảng thời gian ông đã bỏ công việc của mình, cùng với Đội K72 rong ruổi trên các nẻo đường để chỉ dẫn, tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Ông Sók Phẹ cho biết: Tôi sống ở đây lâu năm rồi và từng chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh. Có được sự yên bình hôm nay là nhờ công lao to lớn của quân tình nguyện Việt Nam. Các anh đã hiến dâng tuổi xuân của mình, chấp nhận hy sinh để giúp đất nước chúng tôi thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Chính vì vậy, tôi thấy mình phải có trách nhiệm góp sức để giúp Đội K72 tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. Công việc này do tôi tình nguyện. Tuy trong quá trình đi khảo sát, tìm kiếm có nhiều khó khăn, vất vả song tôi cảm thấy vui vì đã làm được việc ý nghĩa.

Cũng như ông Sók Phẹ, nhiều người dân Campuchia rất nhiệt tình cung cấp thông tin, giúp Đội K72 trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Họ xem đây là công việc cần làm để đền đáp công ơn các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã vì đất nước Chùa Tháp mà hy sinh.

Hơn 20 năm, những bước chân không mỏi của cán bộ, chiến sĩ Đội K72 vẫn đều đặn băng rừng, vượt suối thực hiện nhiệm vụ. Mỗi hài cốt tìm thấy là một phần lịch sử được tái hiện, là một nỗi đau được xoa dịu, là một gia đình được thắp lên niềm hy vọng. Và khi màn đêm buông xuống giữa rừng sâu đất bạn, ánh đèn của trạm trú dã chiến Đội K72 vẫn sáng. Những người lính ấy vẫn âm thầm tìm kiếm, vẫn tin rằng, ở đâu đó giữa rừng thiêng nước độc, những đồng đội năm xưa đang đợi được trở về.

Ông Tăng - Y, Trưởng ban Quân lực, Tiểu khu Quân sự tỉnh Kampong Thom đã cung cấp thông tin chính xác giúp Đội K72 quy tập được 55 hài cốt liệt sĩ. Ông Tăng -Y tâm sự: Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam là nhiệm vụ chung của 2 tỉnh Bình Phước và Kampong Thom. Thời gian trước, tôi đi học có gặp bạn bè kể rằng tại trường tiểu học trên địa bàn Kampong Thom khi đào móng xây dựng phát hiện một số tăng võng của bộ đội Việt Nam, nên cung cấp thông tin cho Đội K72. Tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều thông tin nữa để giúp Đội K72 tìm được hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.

Đáp lại tấm lòng ấy, Đội K72 thường xuyên tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí, giúp người dân Campuchia thu hoạch mùa màng, dựng nhà và giao lưu văn nghệ - những hoạt động kết nối hai dân tộc từ sự thấu hiểu và tri ân.

Vẫn còn những cuộc trở về dang dở

Dù đã tìm được hàng ngàn hài cốt liệt sĩ nhưng vẫn còn rất nhiều người lính chưa thể trở về. Có những hài cốt chưa xác định được danh tính. Có những mảnh đất nơi người lính Việt Nam nằm lại vẫn chưa có người dân chỉ điểm. Có những địa điểm trở thành rừng già rậm rạp và nguy hiểm… Thượng tá Nguyễn Quốc Định, nguyên Đội trưởng Đội K72 bộc bạch: Nhiều lúc tôi ước mình có thể nghe được tiếng gọi của các anh dưới lòng đất, để biết các anh đang ở đâu... Chúng tôi không chỉ đi tìm hài cốt mà là đi tìm đồng đội của mình. Mỗi mảnh xương, mỗi kỷ vật tìm thấy là một phần thi thể, linh hồn người lính năm xưa. Có những lúc, tìm được bộ hài cốt cùng chiếc lược nhôm, lá thư ố vàng hay miếng vải bạt… cả đội lặng người, cúi đầu như gặp lại người thân.

Hơn 20 năm, hàng trăm ngàn kilômét in dấu chân các chiến sĩ Đội K72. Bởi họ biết, sứ mệnh này không chỉ là nghĩa vụ với người đã khuất mà còn là thông điệp cho hôm nay về lòng tri ân, về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, về tình nghĩa Việt Nam - Campuchia bền chặt. Trên mọi nẻo đường rừng núi Campuchia, mỗi bước chân của họ là một nén hương thầm lặng gửi về quá khứ. Và những người lính của thời bình vẫn tiếp tục hành trình ấy, như một khúc tráng ca không lời viết tiếp.

Quang Thạch

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/172827/nhung-buoc-chan-khong-moi
Zalo