Theo dấu chân Bác Hồ ở Quảng Tây, Trung Quốc

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Hoàng Tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, một trong những nhà nghiên cứu về Bác Hồ nổi tiếng ở Trung Quốc, người đã viết và biên soạn 14 cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, dành cho Báo Thế giới và Việt Nam cuộc phỏng vấn riêng.

Bìa 2 cuốn sách "Hồ Chí Minh với Quảng Tây và "Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh do Giáo sư Hoàng Trang biên soạn.

Bìa 2 cuốn sách "Hồ Chí Minh với Quảng Tây và "Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh do Giáo sư Hoàng Trang biên soạn.

Được biết Giáo sư đã viết, chủ biên nhiều cuốn sách, tài liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc, đặc biệt trong thời gian ở Quảng Tây. Giáo sư có thể cho biết nội dung chính của cuốn sách mới nhất của mình?

Cuốn sách mới nhất của tôi mang tên “Những câu chuyện về tình hữu nghị Trung-Việt tại Quảng Tây”. Nội dung cuốn sách được chia thành bốn chương. Trong đó, chương đầu của cuốn sách có tiêu đề “Dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Tây”.

Chương này kể về thời gian hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1938 - 1945 tại Quế Lâm, Liễu Châu, Tịnh Tây, Long Châu, Na Pha của tỉnh Quảng Tây. Đồng thời, trong giai đoạn 1950 - 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đến Quảng Tây để thăm hỏi, nghỉ dưỡng, mừng sinh nhật và giao lưu rộng rãi với các tầng lớp nhân dân Quảng Tây, nhiệt tình truyền bá tình hữu nghị Việt -Trung. Những câu chuyện lịch sử này phản ánh tình cảm cách mạng sâu đậm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Quảng Tây.

Cơ duyên nào khiến Giáo sư đi sâu nghiên cứu, viết và xuất bản những cuốn sách ý nghĩa về cách mạng Việt - Trung, đặc biệt là những tác phẩm kể câu chuyện lịch sử về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc?

Vào giữa những năm 1960, tôi tốt nghiệp khoa Lịch sử của Đại học Trung Sơn. Sau đó, tôi có cơ hội làm việc tại Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, chuyên nghiên cứu lịch sử, với trọng tâm là lịch sử quan hệ Trung-Việt và lịch sử địa phương Quảng Tây. Trong quá trình nghiên cứu, tôi được biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh từng hoạt động cách mạng lâu dài tại Trung Quốc, đặc biệt là ở Quảng Tây, và giữa hai nước Trung-Việt tồn tại mối quan hệ cách mạng sâu sắc. Từ đó, tôi nảy sinh ý tưởng thực hiện một dự án nghiên cứu có hệ thống về những sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến tình hữu nghị Trung-Việt, xoay quanh đề tài “Hồ Chí Minh và Trung Quốc” nhằm góp phần phát huy và tôn vinh tình hữu nghị giữa hai nước.

Giáo sư Hoàng Tranh.

Giáo sư Hoàng Tranh.

Dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, từ những năm 1980, tôi đã lần lượt viết và chủ biên nhiều sách liên quan đến đề tài “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, bao gồm: “Hồ Chí Minh với Trung Quốc” (chuyên khảo), “Chú giải Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh”, “Hồ Chí Minh với Trung Quốc” (sách ảnh), “Tuyển tập thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh - Chú giải - Thư pháp”, “Hồ Chí Minh với Quảng Tây” (sách tranh ảnh), “Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh” (sách ảnh), “Hồ Chí Minh với Quảng Đông - Hồng Kông” (sách ảnh), “Hồ Chí Minh với tình hữu nghị Trung-Việt” (sách ảnh).

Ngoài ra, tôi còn đảm nhiệm vai trò chủ biên điều hành, biên soạn và xuất bản một số tài liệu phản ánh về các trường học Việt Nam từng hoạt động tại Quảng Tây trong những năm 1950–1960, như: “Minh chứng lịch sử của tình hữu nghị Trung-Việt: Biên soạn chọn lọc tư liệu của Dục tài học hiệu Nam Ninh, Quảng Tây”, “Minh chứng lịch sử của tình hữu nghị Trung-Việt: Biên soạn chọn lọc tư liệu của Dục tài học hiệu Quế Lâm, Quảng Tây”, “Minh chứng lịch sử của tình hữu nghị Trung-Việt: Biên soạn chọn lọc tư liệu của Trường Nguyễn Văn Trỗi”.

Thông qua việc biên soạn và chủ biên các sách nêu trên, tôi đã tích lũy được kiến thức chuyên môn sâu rộng và lượng tư liệu phong phú liên quan đến các chủ đề “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, “Quảng Tây và Việt Nam” trong lịch sử hiện đại. Điều này đã tạo nền tảng thuận lợi cho việc nghiên cứu chuyên đề “Những câu chuyện về tình hữu nghị Trung-Việt tại Quảng Tây” trong thời gian gần đây. Việc biên soạn và xuất bản cuốn sách này thực sự là nhờ có một cơ duyên hiếm có.

Tháng 3/2023, cuốn sách ảnh song ngữ Trung-Việt “Hồ Chí Minh với tình hữu nghị Trung-Việt”, do Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây chủ biên và tôi trực tiếp biên soạn đã được xuất bản. Cuốn sách đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung-Việt, và nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam. Điều đó đã mang lại cho tôi sự khích lệ lớn lao.

Tháng 12 cùng năm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã sang thăm Việt Nam. Lãnh đạo hai nước đạt được nhận thức chung về việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung-Việt có ý nghĩa chiến lược. Trong thời gian ở Hà Nội, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng với thanh niên hai nước và đại diện những người hữu nghị, mang tựa đề “Kế thừa tình hữu nghị truyền thống, mở ra chặng đường mới trong xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung-Việt”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân thăm Khu di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc, ngày 18/8/2024. (Nguồn: Nhandan)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân thăm Khu di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc, ngày 18/8/2024. (Nguồn: Nhandan)

Trong bài phát biểu, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập đến nhiều câu chuyện cụ thể về “Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình hữu nghị Trung-Việt”, trong đó có rất nhiều nội dung liên quan đến Quảng Tây. Ví dụ như: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng hoạt động cách mạng lâu dài tại Quảng Tây; nông dân Nông Kỳ Chấn ở huyện Long Châu, Quảng Tây từng che chở cho Hồ Chí Minh thoát nạn; Hồ Chí Minh viết bản “Thư gửi đồng bào Việt Nam” tại Quảng Tây; Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước từ biên giới Quảng Tây để lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi; các trường học Việt Nam tại Quảng Tây đã đào tạo 12.000 thanh thiếu niên Việt Nam; Bệnh viện Nam Khê Sơn ở Quảng Tây đã tiếp nhận hơn 5.400 thương bệnh binh Việt Nam, v.v...

Khi đọc được những thông tin này, tôi vô cùng xúc động. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Tổng Bí thư Tập Cận Bình vẫn đặc biệt quan tâm, tìm hiểu và giới thiệu những tư liệu quý về tình hữu nghị Trung-Việt tại Quảng Tây. Là một nhà sử học ở Quảng Tây nghiên cứu về lĩnh vực này, lẽ nào tôi không nên nỗ lực hơn nữa? Tôi nhận thấy rằng, những tư liệu về tình hữu nghị Trung-Việt tại Quảng Tây, về Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy đã được giới thiệu rải rác, nhưng vẫn thiếu một hệ thống tổng thể. Do đó, tôi quyết định tận dụng tư liệu đã tích lũy trong nhiều năm để khẩn trương biên soạn một cuốn sách hệ thống ghi lại những sự kiện lịch sử quan trọng về tình hữu nghị Trung-Việt và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra tại Quảng Tây. Đó chính là nguồn gốc ra đời của cuốn sách “Những câu chuyện về tình hữu nghị Trung-Việt tại Quảng Tây” được Nhà xuất bản Thế giới tri thức thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc xuất bản vào cuối năm 2024.

Nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày cách mạng Việt -Trung còn non trẻ, vậy đâu là khó khăn và thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu để kể lại những câu chuyện lịch sử ý nghĩa này, thưa Giáo sư?

Trong nhiều năm nghiên cứu các đề tài liên quan đến “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, “Quảng Tây và Việt Nam”, tôi tập trung vào giai đoạn lịch sử kéo dài khoảng nửa thế kỷ, từ đầu những năm 1920 đến giữa những năm 1970. Nhìn chung, các sự kiện quan trọng sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập đều có thể tra cứu trong hệ thống tài liệu, văn kiện chính thức khá phong phú. Tuy nhiên, các sự kiện xảy ra trước khi Trung Quốc mới thành lập thì tài liệu tham khảo lại khá khan hiếm, buộc người nghiên cứu phải tìm đến các nhân chứng, người từng biết sự việc để khai thác thông tin từ ký ức cá nhân của họ, hoặc dùng các tư liệu truyền miệng ấy làm đầu mối để tiếp tục điều tra và phát hiện các nguồn tư liệu có giá trị từ những kênh khác.

Cuối năm 1938, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Diên An, sau đó xuống Quế Lâm, được các đồng chí bố trí làm việc tại Phòng Cứu vong của Văn phòng Bát lộ quân ở Quế Lâm. Trong khoảng thời gian này, vì ông được bí mật giới thiệu vào làm việc ở “Bát Biện sứ” Quế Lâm, nên hầu như không có tư liệu văn bản nào ghi chép lại. Việc tìm hiểu tình hình lúc đó quả thực không dễ dàng. Tuy nhiên, tôi đã phát hiện ra những tư liệu vô cùng quý giá nhờ các cuộc phỏng vấn với nhân chứng và điều tra sâu thêm từ các tư liệu truyền miệng mà họ cung cấp.

Đầu những năm 1980, tôi từng đến Bắc Kinh phỏng vấn ông Hà Khải Quân - người từng làm việc cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phòng Cứu vong của “Bát Biện sứ" Quế Lâm. Ông không chỉ mô tả khá chi tiết về công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian đó, mà còn cung cấp cho tôi hai manh mối quý giá: một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gửi bài viết đăng báo tại Quế Lâm; hai là, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ “Bát Biện sứ" Quế Lâm đến Hoành Sơn, Hồ Nam để tham gia “Lớp huấn luyện cán bộ du kích Tây Nam” do Quốc-Cộng hợp tác tổ chức, ông từng khai báo thông tin cá nhân.

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân dân tộc Choang (Di tích văn phòng “Việt Minh” Tĩnh Tây), tại số nhà 302 phố Tân Sinh, thành phố Tĩnh Tây (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). (Nguồn: Hanoimoi)

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân dân tộc Choang (Di tích văn phòng “Việt Minh” Tĩnh Tây), tại số nhà 302 phố Tân Sinh, thành phố Tĩnh Tây (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). (Nguồn: Hanoimoi)

Ông Hà mong tôi với tư cách là nhà sử học sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn. Đúng lúc đó, ông Hoàng Quần đang công tác tại Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương đến Nam Ninh, nói với tôi rằng, theo một số bạn bè Việt Nam cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ở Quế Lâm từng dùng bút danh “Bình Sơn” để gửi bài đăng báo. Dựa trên những thông tin này, tôi phán đoán rằng, các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quế Lâm có khả năng cao được đăng trên “Cứu vong Nhật báo” do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, chứ không phải các tờ báo của hệ thống Quốc dân đảng.

Từ đó, tôi bắt đầu tra cứu toàn bộ các số báo “Cứu vong Nhật báo” được xuất bản tại Quế Lâm để tìm các bài viết ký tên “Bình Sơn”. Tôi đã tra cứu các bộ sưu tập của thư viện Nam Ninh, Quế Lâm và cả Thư viện tỉnh Vân Nam, cuối cùng hoàn tất việc kiểm tra toàn bộ báo in tại Quế Lâm. Công sức không phụ lòng người. Cuối cùng, tôi đã tìm được tổng cộng 11 bài báo do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và ký tên “Bình Sơn” đăng trên “Cứu vong Nhật báo”. Tôi đã chỉnh lý các bài viết này và viết bài nghiên cứu có tựa đề “Khảo cứu việc Hồ Chí Minh viết bài cho "Cứu vong Nhật báo" tại Quế Lâm, được các nhà nghiên cứu Việt Nam xác nhận và đánh giá cao. 11 bài viết này sau đó đều được đưa vào phiên bản mới của "Toàn tập Hồ Chí Minh" tại Việt Nam. Tôi vô cùng vui mừng khi công trình nghiên cứu của mình có thể đóng góp vào việc làm phong phú thêm kho tàng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hai cuốn sách mới nhất của Giáo sư Hoàng Trang về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình hữu nghị Việt - Trung.

Hai cuốn sách mới nhất của Giáo sư Hoàng Trang về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình hữu nghị Việt - Trung.

Về đầu mối thứ hai do ông Hà Khải Quân cung cấp - tức là Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tham gia “Lớp huấn luyện cán bộ du kích Tây Nam” tổ chức tại Nam Nhạc, Hoành Sơn, tỉnh Hồ Nam, tôi suy đoán rằng Trung tâm lưu trữ tỉnh Hồ Nam có thể lưu giữ danh sách học viên, bản tin hoặc các tài liệu liên quan của khóa học này. Vì vậy, tôi đã đến Trung tâm lưu trữ tỉnh Hồ Nam để tìm kiếm tư liệu.

Quả nhiên, tôi đã tìm thấy một cuốn sổ nhỏ có tên là “Danh bạ học viên lớp huấn luyện cán bộ du kích Tây Nam khóa 2 – Bộ huấn luyện quân sự, Ủy ban quân sự”. Trong đó có bản ghi chép thông tin cá nhân do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tay với nội dung như sau:

Họ tên: Hồ Quang, Chức vụ: Sĩ quan đài - Thiếu tá đài phát thanh, Tuổi: 38, Quê quán: Quảng Đông, Đơn vị: Quân đoàn 18, Tốt nghiệp trường: Đại học Lĩnh Nam, Công việc từng làm: Giáo viên trung học, Hiệu trưởng trường ngoại ngữ.

Tìm được tư liệu quý báu như vậy khiến tôi vô cùng mừng rỡ.

Những tư liệu lịch sử mà Giáo sư tìm được là minh chứng sống động kể câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước… Giáo sư có thể chia sẻ câu chuyện cảm động, ấn tượng nhất trong quá trình thực hiện cuốn sách của mình?

Trong chương đầu của cuốn sách “Dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Tây”, những mô tả về hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Tây và tình cảm sâu nặng của Người với nhân dân Quảng Tây luôn khiến tôi khó có thể quên được. Vào khoảng năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng tại khu vực biên giới Trung - Việt, lấy huyện Tịnh Tây của Quảng Tây làm trung tâm. Nhiều nông dân dân tộc Choang đã lấy nhà mình làm điểm liên lạc bí mật cho cách mạng Việt Nam, cung cấp nơi ăn chốn ở, liên lạc và che giấu an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bài phát biểu tại Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam năm 2023, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã nhắc đến câu chuyện nông dân Nông Kỳ Chấn ở huyện Long Châu từng che chở Chủ tịch Hồ Chí Minh thoát hiểm. Những trường hợp như vậy không phải là hiếm. Tại nhà của ông Lâm Bích Phong, người kết nghĩa huynh đệ với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phố Vinh Lão, huyện Tịnh Tây, con gái ông là Lâm Tường Liễu cũng từng nhanh trí ứng biến để che chở cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thoát khỏi hiểm nguy.

Tuy nhiên, điều khiến tôi xúc động và khó quên nhất chính là câu chuyện về người nông dân trẻ Dương Đào ở phố Ba Mông, huyện Tịnh Tây, người đã bị bắt cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi dẫn đường cho ông và sau đó đã qua đời vì bệnh nặng do bị đánh đập, tra tấn trong tù. Câu chuyện cảm động ấy gắn liền với một bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một bức ảnh, tạo thành một chuỗi ký ức trọn vẹn về tình hữu nghị Trung - Việt. Vào cuối tháng 8/1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Nam đến phố Ba Mông, huyện Tịnh Tây, nói với người bạn nông dân quen biết rằng ông dự định đến huyện Điền Đông rồi bắt xe đi Trùng Khánh, và muốn tìm người dẫn đường. Thanh niên Dương Đào đã chủ động nhận nhiệm vụ này.

Trên đường đi, hai người bị cảnh binh địa phương bắt giữ với cáo buộc “tình nghi làm gián điệp” và bị áp giải đến Liễu Châu để điều tra. Trong suốt một năm bị giam giữ, Dương Đào tuyệt đối không tiết lộ thân phận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, Dương Đào mắc bệnh lao nặng trong tù và đã hy sinh trước khi Hồ Chí Minh được thả tự do. Khi biết tin Dương Đào bệnh nặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bài thơ trong tù mang tên “Dương Đào bệnh nặng”: Vô đoan bình địa khởi ba đào, Tống nhĩ Dương Đào nhập tọa lao. Thành hỏa trì ngư kham háo thán, Nhi kim nhĩ hựu khái thành lao.

Bài thơ thể hiện tình cảm sâu sắc của Hồ Chí Minh đối với người nông dân trẻ, đồng thời cũng là nỗi ân hận vì đã vì mình mà Dương Đào đã hy sinh. Đây là bài thơ duy nhất trong 133 bài thơ viết trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy tên một người nông dân Quảng Tây làm tiêu đề - một điều rất đặc biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ghi nhớ sự hy sinh của nông dân Dương Đào. Sau khi cách mạng Việt Nam thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường viết thư hỏi thăm bạn bè ở Tịnh Tây, trong đó có gia đình Dương Đào.

Trước Quốc khánh Việt Nam năm 1963, theo sự phê chuẩn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã mời 7 người nông dân ở Tịnh Tây và Na Pha tỉnh Quảng Tây - những người từng giúp đỡ cách mạng Việt Nam - sang thăm Việt Nam. Trong danh sách có đích danh em trai Dương Đào là Dương Thuần Cường. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui mừng khi được chụp ảnh lưu niệm với những người anh em nông dân Quảng Tây từng quen biết. Trong buổi tiếp đoàn đại biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xúc động nắm chặt tay em trai Dương Đào và nói: “Anh của đồng chí đã hy sinh vì cách mạng Việt Nam. Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ anh ấy.” Tình tiết này thật sự khiến người ta xúc động sâu sắc, cho thấy tình cảm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Quảng Tây vô cùng sâu đậm!

Giáo sư Hoàng Tranh (trái) tặng sách cho ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc nhân dịp tham dự chương trình "Gặp gỡ, giao lưu truyền thông Việt Nam - Trung Quốc" và ra mắt bộ phim tài liệu “Con đường phát triển” do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Văn phòng Báo chí Quảng Tây và Đài Phát thanh -Truyền hình Quảng Tây, Trung Quốc tổ chức ngày 10/4/2025 tại Hà Nội.

Giáo sư Hoàng Tranh (trái) tặng sách cho ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc nhân dịp tham dự chương trình "Gặp gỡ, giao lưu truyền thông Việt Nam - Trung Quốc" và ra mắt bộ phim tài liệu “Con đường phát triển” do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Văn phòng Báo chí Quảng Tây và Đài Phát thanh -Truyền hình Quảng Tây, Trung Quốc tổ chức ngày 10/4/2025 tại Hà Nội.

Là người kể lại những câu chuyện lịch sử, đặc biệt là câu chuyện về các vị lãnh tụ cách mạng của hai nước, thông điệp Giáo sư muốn truyền tải tới người dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ là gì, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là Năm hữu nghị nhân văn Việt-Trung nhân dịp hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?

Là một nhà sử học, tôi đã nghiên cứu lịch sử quan hệ hữu nghị Trung - Việt, đặc biệt là chuỗi đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình hữu nghị Trung - Việt trong suốt hàng chục năm qua. Tôi nhận thức sâu sắc rằng, bước vào thời kỳ mới, một luận điểm được các nhà lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc hội đàm, đó là: “Tình hữu nghị Trung - Việt là tài sản quý báu do Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo tiền bối hai nước dày công vun đắp, là tài sản chung của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Hai bên cần cùng nhau gìn giữ, kế thừa và phát huy tốt”, là một chân lý không thể thay đổi, là chân lý mà nhân dân hai nước nên khắc ghi trong tim.

Trong quá khứ, dưới sự dẫn dắt và thúc đẩy của tình hữu nghị Trung - Việt, nhân dân hai nước đã cùng tiến bước trên con đường phát triển chung, đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa và cải cách, đổi mới mở cửa. Trong tương lai, trên hành trình cùng nhau xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung - Việt có ý nghĩa chiến lược, hai bên càng cần nỗ lực phát huy, kế thừa và phát triển tình hữu nghị đặc biệt đó. Cần tăng cường giáo dục truyền thống hữu nghị cho nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thanh niên hai nước cần noi gương sáng của các bậc lãnh đạo tiền bối, trở thành những người kế thừa tình hữu nghị Trung - Việt. Cần tổ chức cho thanh niên hai nước tham gia hoạt động du lịch xuyên biên giới theo “Dấu chân Hồ Chí Minh và hành trình đỏ hữu nghị Trung - Việt” do các cơ quan văn hóa, du lịch hai nước phối hợp tổ chức, qua đó tiếp thu và thấm nhuần tinh thần hữu nghị truyền thống hai nước.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Đức Khải

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/theo-dau-chan-bac-ho-o-quang-tay-trung-quoc-314561.html
Zalo