Đổi mới sáng tạo trong phát triển tài nguyên dược liệu địa phương từ di sản của Đức Thánh Nguyễn Minh Không

Chiều 18/5, huyện Gia Viễn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, Viện Nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng tổ chức Hội thảo khoa học ' Đổi mới sáng tạo trong phát triển tài nguyên dược liệu địa phương từ di sản của Đức Thánh Nguyễn Minh Không'.

Chương trình nghệ thuật tại Hội thảo.

Chương trình nghệ thuật tại Hội thảo.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động tưởng nhớ công lao to lớn của Thiền sư, Quốc sư Nguyễn Minh Không; góp phần làm sâu sắc hơn nữa về vai trò đặc biệt quan trọng của ngài trong lĩnh vực y dược học Việt Nam cũng như trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng.

Dự Hội thảo có đồng chí Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo một số Sở, ngành; lãnh đạo huyện Gia Viễn; Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người; một số trường Đại học, Viện nghiên cứu; đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu; doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh và nhân dân trên địa bàn huyện.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Gia Viễn là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, nổi bật với những giá trị về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, địa chất địa mạo và chiều sâu văn hóa. Nơi đây còn được mệnh danh là vùng đất “sinh Vương sinh Thánh”, nơi sinh ra danh y, Thiền sư Nguyễn Minh Không (1065-1141) hay còn gọi là Đức Thánh Nguyễn Minh Không.

Từ nhỏ, ngài nổi tiếng thông minh, học giỏi, là người thông hiểu đạo Phật, kiến thức uyên bác, là vị cao tăng đứng đầu tổ chức Phật giáo của triều đại nhà Lý, là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa nhất ở Việt Nam. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, ngài là người đầu tiên áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng thuốc nam và châm cứu, nổi tiếng với bài thuốc chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông.

Chương trình nghệ thuật tại Hội thảo.

Chương trình nghệ thuật tại Hội thảo.

Đến nay, vùng đồi núi Sinh Dược (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn) vẫn còn lưu giữ nhiều cây thuốc quý từng được ngài sử dụng để chữa bệnh cho nhân dân như: trà hoa vàng, bình vôi, ngành ngạch, hoài sơn, khúc khắc,… Ngài cũng là người phục hưng nghề đúc đồng và được suy tôn là ông tổ nghề đúc đồng Việt Nam.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy phát biểu tại Hội thảo.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy phát biểu tại Hội thảo.

Nhận thức rõ việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương nói chung và di sản về Thiền sư, Quốc sư, danh y Nguyễn Minh Không nói riêng không chỉ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, góp phần giáo dục, làm phong phú đời sống tinh thần các thế hệ mai sau mà còn phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, thúc đẩy kinh tế, văn hóa địa phương phát triển, những năm qua huyện Gia Viễn đã nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, văn hóa, lịch sử gắn với di sản của Đức Thánh Nguyễn Minh Không. Trong đó, tháng 12/2024, Lễ hội Đền Thánh Nguyễn được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhà nghiên cứu Trương Đình Tưởng Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Ninh Bình tham luận tại Hội thảo.

Nhà nghiên cứu Trương Đình Tưởng Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Ninh Bình tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ hai nhóm vấn đề: “Ninh Bình, vùng địa linh dược liệu-Di sản của Đức Thánh Nguyễn”; “Trà hoa vàng Ninh Bình-Tinh hoa linh địa”. Các nhà nghiên cứu, chuyên gia đều khẳng định: Thiền sư Nguyễn Minh Không không chỉ là một danh y, Quốc sư nổi tiếng mà còn là người đặt nền móng cho tư tưởng và đạo lý hành nghề y trong nền y học cổ truyền Việt Nam.

Ngài đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa y thuật dân gian, tư tưởng Phật giáo và tâm lý trị liệu, không chỉ chữa lành thể xác mà còn cảm hóa tâm hồn, mở ra hướng đi đầy nhân văn cho nghề y nước nhà.

Đặc biệt, Ninh Bình là địa phương có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phong phú, sở hữu lợi thế để trở thành trung tâm dược liệu chất lượng cao của cả nước. Từ truyền thuyết về Đức Thánh Nguyễn Minh Không đến thực tiễn phát triển các vùng trồng dược liệu đặc hữu hiện nay, Ninh Bình đang từng bước khẳng định tiềm năng đa dạng sinh học và giá trị y dược học bền vững.

Để phát triển vùng dược liệu quý gắn với bảo tồn văn hóa, thiên nhiên, lịch sử của Ninh Bình nói chung, huyện Gia Viễn nói riêng, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp như điều tra, tư liệu hóa đa dạng cây thuốc ở Ninh Bình; xây dựng quy hoạch tổng thể; xây dựng mô hình phát triển cây dược liệu gắn với phát triển du lịch và giáo dục; phát triển công nghiệp thảo dược và đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng sách thuốc điện tử “Gia Viễn dược chí”, hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo y dược Hoa Lư,…

Riêng đối với cây trà hoa vàng Ninh Bình-một trong những loài dược liệu bản địa quý hiếm gắn với các bài thuốc của Thiền sư, danh y Nguyễn Minh Không, có hàm lượng dược chất cao, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đào tạo nguồn lực.

Trong đó, tập trung phát triển và hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến; mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng; phát triển đa dạng sản phẩm gắn với khai thác du lịch, mỹ phẩm.

Bà Võ Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng của con người phát biểu tại Hội thảo.

Bà Võ Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng của con người phát biểu tại Hội thảo.

Thông qua Hội thảo đã làm rõ hơn bức tranh nền y dược học Ninh Bình cũng như các bài thuốc quý mà Đức Thánh Nguyễn Minh Không để lại. Những đánh giá, đề xuất của các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại Hội thảo góp phần bổ sung, hoàn thiện các tài liệu lịch sử, là căn cứ quan trọng để huyện Gia Viễn tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn giá trị, công đức của Đức Thánh Nguyễn để lại cho nền y học cũng như văn hóa, lịch sử địa phương.

Đây cũng là những gợi mở quan trọng để địa phương vận dụng trong công tác lãnh đạo quản lý để tìm ra những giải pháp bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên dược liệu bản địa, nhất là đối với cây trà hoa vàng. Qua đó mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, xây dựng các chuỗi giá trị hiệu quả, vì sự phát triển bền vững của ngành y học và nông nghiệp Ninh Bình.

Trước đó, ngày 17/5, các đại biểu đã dâng hương và trồng cây lưu niệm tại một số di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện.

Minh Hải- Lan Anh - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doi-moi-sang-tao-trong-phat-trien-tai-nguyen-duoc-lieu-dia-848916.htm
Zalo