Những 'bóng hồng' khởi nghiệp
Với sự quyết tâm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tận dụng thế mạnh địa phương về nông sản, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh tạo ra những sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao. Qua đó, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa sản phẩm nông sản Xứ Lạng 'vươn xa' hơn đến các tỉnh trong toàn quốc.

Công nhân nữ đóng gói hồng vành khuyên treo gió tại HTX Nông sản Toàn Thương
Những năm gần đây, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã dần khẳng định bản thân, ghi danh tại các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp cấp trung ương, các chương trình truyền hình. Tiêu biểu trong đó phải kể đến chị Vương Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông sản Toàn Thương, xã Na Sầm. Chị Thương đã nhiều lần đoạt giải thưởng cao tại các cuộc thi như: “Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”; “Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài năng bản địa”; chương trình SharkTank Việt Nam… Trong những cuộc thi, chương trình trên, sản phẩm khởi nghiệp được chị giới thiệu đều là “Hồng vành khuyên treo gió”.
Chị Thương chia sẻ: Với mong muốn nâng cao giá trị hơn nữa cho sản phẩm quả hồng vành khuyên tại quê hương, tôi đã dành nhiều thời gian mày mò tìm hiểu công nghệ chế biến quả hồng, từ đó phát triển chuỗi giá trị hồng vành khuyên treo gió hữu cơ. Những ngày đầu thử nghiệm với hồng treo gió, tôi đã nhiều lần rơi nước mắt vì “mất trắng” hàng tấn hồng bị mốc, hỏng, rụng cuống do chưa tìm ra công thức phù hợp. Không bỏ cuộc, vừa làm, tôi vừa đúc rút kinh nghiệm để cho ra sản phẩm ưng ý nhất cả về chất và lượng. Nhằm mở rộng quy mô, từng bước chuyên nghiệp quy trình sản xuất, tháng 4/2023, tôi đã thành lập HTX Nông sản Toàn Thương, gồm 7 thành viên. Từ năm 2024 đến nay, HTX còn cho ra mắt thêm sản phẩm trà hồng vành khuyên, rượu hồng vành khuyên... Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn hồng treo gió, với giá từ 300.000 - 400.000 đồng/kg, tạo việc làm thêm cho 8 – 10 lao động nữ tại địa phương.
Không chỉ chị Thương, những năm qua, dù gặp phải nhiều khó khăn, nhưng “những bóng hồng” Xứ Lạng tham gia làm chủ tại các HTX, doanh nghiệp vẫn vững vàng chèo lái “con thuyền” HTX, doanh nghiệp vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để từng bước phát triển.
Điển hình như chị Lô Thúy Dung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn, xã Nhân Lý. Chị Dung cho biết: Năm 2011, Công ty được thành lập chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu hoa hồi khô và sản xuất một số sản phẩm từ hồi và quế. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP, công ty đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hiện, công ty đã có 3 sản phẩm đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP. Với mong muốn quảng bá nông sản Lạng Sơn vươn xa hơn nữa, bên cạnh kênh bán hàng trực tiếp tại điểm dừng nghỉ, chúng tôi đã đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm trên website, nền tảng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử như: TiktokShop, Shopee; tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh để nhiều khách hàng biết đến. Hiện nay doanh thu của công ty đạt trên 5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 10 – 15 lao động tại địa phương.
Bên cạnh sự chủ động của các chị em, phong trào phụ nữ khởi nghiệp cũng được Ban Công tác phụ nữ triển khai với nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả, giúp cho nhiều chị em có điều kiện để khởi nghiệp, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 1.400 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; 102 tổ hợp tác và 28 HTX do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ thành lập, 100% tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp mới do phụ nữ thành lập và điều hành được hỗ trợ thủ tục thành lập, vốn, kiến thức… để phát triển các mô hình, dự án khởi nghiệp chủ yếu về lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm thêm cho nhiều lao động tại đưa phương, đưa nông sản Xứ Lạng đến với thị trường trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu phải kể đến các mô hình, dự án khởi nghiệp của phụ nữ đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm trên thị trường như: dự án sản xuất Thạch đen Chu Hạnh (hộ sản xuất và kinh doanh Thạch đen Chu Hạnh, xã Na Sầm); dự án xây dựng chuỗi giá trị hoa hồi, dược liệu dưới tán hồi từ tài nguyên bản địa gắn với sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số (HTX phụ nữ thôn Nà Pái, xã Tân Văn); dự án chăn nuôi gà thảo dược vi sinh thả dưới tán hồi (hộ kinh doanh Lý Thị Nga, xã Bình Gia),…
Bà Vũ Thị Huyền Trang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, kiêm Trưởng Ban Công tác phụ nữ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cho biết: Những năm qua, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tận dụng thế mạnh, vươn lên từ nông sản địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và tạo việc làm thêm cho nhiều lao động tại địa phương. Không những thế nhiều chị em phụ nữ còn khẳng định vị thế của phụ nữ Xứ Lạng tại các hội thi, cuộc thi khởi nghiệp do các cấp ngành tổ chức. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hội thảo, diễn đàn về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, hỗ trợ thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ… Qua đó, khuyến khích, động viên nhằm khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của phụ nữ trong lao động sản xuất, từ đó giúp nhiều chị em vươn lên thoát nghèo, trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế và tích cực tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Có thể thấy, việc nỗ lực xây dựng sản phẩm, khởi nghiệp từ nông sản địa phương của nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần quan trọng trong việc quảng bá các sản phẩm đặc sản Lạng Sơn đến khách hàng trong và ngoài tỉnh, qua đó, từng bước khẳng định, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định cho các lao động tại địa phương.