Đàm phán thuế Việt - Mỹ có bước ngoặt: Chuyên gia hé lộ điều nhà đầu tư nên lưu ý

Việc Mỹ và Việt Nam bước đầu đạt được thỏa thuận thuế quan, trong đó, phía Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể mức thuế nhập khẩu đang áp dụng với nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, đã phần nào giải tỏa tâm lý lo ngại kéo dài trong giới doanh nghiệp và nhà đầu tư. Dù mức thuế suất cụ thể chưa chính thức công bố, tuy nhiên, theo ông Phạm Lưu Hưng – Giám đốc SSI Research, đây vẫn là tín hiệu tích cực trong bối cảnh hiện tại.

Ông Phạm Lưu Hưng cho rằng, trong số các đối tác thương mại lớn của Mỹ, Việt Nam là một trong ba quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận sơ bộ, điều này thể hiện vị thế thương mại ngày càng được khẳng định.

Dù Việt Nam chưa công bố các mức cụ thể của thỏa thuận đàm phán này, tuy nhiên, theo các thông tin ban đầu, "sẽ là một mức thuế tương đối ‘giữa chừng’, và vẫn trong vùng có thể chấp nhận được,” ông Hưng nhận định.

Ông Phạm Lưu Hưng – Giám đốc SSI Research

Ông Phạm Lưu Hưng – Giám đốc SSI Research

Đặc biệt, theo ông Hưng, điều đáng mừng là chưa có thông tin cho thấy mức thuế này sẽ được áp dụng cố định và đại trà cho toàn bộ hàng hóa của Việt Nam. Quá trình đàm phán có thể kéo dài, thậm chí sau mốc 9/7 – thời hạn mà các quốc gia cần thống nhất phương án thuế sơ bộ với Mỹ.

Quy tắc xuất xứ: yếu tố then chốt

Ông Hưng nhấn mạnh rằng, mức thuế chỉ là một phần của vấn đề. "Quan trọng hơn là quy tắc xuất xứ," ông nói. Trong các hiệp định thương mại trước đây như TPP, những quy định về xuất xứ từng rất khắt khe – chẳng hạn như yêu cầu hàng dệt may Việt Nam phải chứng minh nguồn gốc nguyên liệu từ sợi trở đi. “Ngay cả khi thuế ưu đãi, nếu quy tắc xuất xứ quá chặt, doanh nghiệp Việt vẫn khó tiếp cận được ưu đãi đó,” ông Hưng lưu ý.

Theo ông, nếu quy định về xuất xứ trong thỏa thuận lần này được thiết kế hợp lý, phù hợp với năng lực sản xuất trong nước, thì mức thuế 20% sẽ không còn là rào cản quá lớn và thậm chí có thể trở thành cơ hội.

Ông Hưng cho biết, với mức chênh lệch thuế giữa Việt Nam và các nước khác chỉ khoảng vài phần trăm, thì chưa đủ để khiến doanh nghiệp FDI dịch chuyển chuỗi cung ứng. "Chênh lệch không đủ lớn để thuyết phục nhà đầu tư di dời nhà máy sang nơi khác," ông khẳng định.

Hơn nữa, Việt Nam đang tích cực hỗ trợ nhà đầu tư bằng nhiều chính sách ưu đãi như thuế, tiếp cận đất đai trong khu công nghiệp, và tài chính – đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Những hỗ trợ này được quy định rõ trong Luật Công nghiệp Công nghệ số và có thể được triển khai từ ngân sách địa phương.

Tác động tích cực tới thị trường tài chính

Đánh giá từ góc nhìn thị trường, ông Hưng cho rằng thông tin về thỏa thuận thương mại đã giúp giảm đáng kể mức độ bất định – yếu tố từng gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư trong thời gian qua. Ông cho biết: “Dù chưa phải là con số cuối cùng, nhưng các thông tin mới công bố phù hợp với kịch bản ‘baseline’ mà SSI Research đã đưa ra từ tháng 4.”

Cụ thể, trong kịch bản mức thuế dự kiến được áp dụng, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam năm 2025 vẫn có thể đạt hơn 13%, duy trì mức hai con số. “Rủi ro thuế quan đang dần nhạt đi. Doanh nghiệp giờ đây có thêm căn cứ để xây dựng chiến lược trung – dài hạn, thay vì tiếp tục nín thở chờ đợi,” ông nói thêm.

Trả lời câu hỏi về nhóm ngành nào sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận, ông Hưng cho rằng: “Nếu tất cả các quốc gia bị áp mức thuế tương đương, thì lợi thế cạnh tranh không nghiêng hẳn về bên nào. Do đó, tác động tích cực lần này là tác động chung – giúp giảm rủi ro hệ thống cho toàn nền kinh tế Việt Nam.”

Ông cũng lưu ý rằng, động lực tăng trưởng của Việt Nam năm 2025–2026 sẽ đến từ nội tại như đầu tư công, phát triển hạ tầng và tiêu dùng trong nước – thay vì chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu.

Tuy đánh giá thỏa thuận theo hướng tích cực, ông Hưng cảnh báo rằng phản ứng thị trường có thể không quá mạnh như kỳ vọng. “Thị trường tài chính không chỉ phản ứng theo tin tức, mà còn phản ứng theo kỳ vọng trước đó – vốn nhiều khi được chính thị trường tạo ra,” ông Hưng lý giải. Tuy nhiên, điều quan trọng là tâm lý đã được ổn định hơn so với ba tháng trước – thời điểm mức thuế 46% từng khiến giới đầu tư chao đảo.

Một điểm đáng chú ý khác là khả năng Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường – yếu tố quan trọng trong các vụ điều tra chống bán phá giá. Ông Hưng cho rằng, với mức độ phát triển hiện tại, khung pháp lý rõ ràng và sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để được công nhận. Nếu điều này thành hiện thực, quan hệ thương mại và đầu tư song phương sẽ bước vào một giai đoạn phát triển toàn diện hơn.

Nhị Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/dam-phan-thue-viet-my-co-buoc-ngoat-chuyen-gia-he-lo-dieu-nha-dau-tu-nen-luu-y-146012.html
Zalo