Sau sáp nhập, chính sách ưu đãi doanh nghiệp có được 'cộng dồn'?
Liệu các chính sách ưu đãi có tiếp tục duy trì hoặc mở rộng sau sáp nhập địa phương, đặc biệt tại siêu đô thị như TPHCM sau sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu hay không?
Các chính sách hỗ trợ, đặc biệt trong lĩnh vực vốn vay ưu đãi, công nghệ, tiếp cận đất đai - thị trường, đào tạo nhân lực... đã từng là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Câu hỏi doanh nghiệp đặt ra là việc áp dụng các chính sách này trong thời kỳ hậu sáp nhập sẽ ra sao?

Sản xuất tại Công ty Cơ khí Nhật Long, một doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi của TPHCM khi chưa sáp nhập. Ảnh minh họa: LH
Các chính sách hỗ trợ đang phát huy hiệu quả
Trong số các doanh nghiệp sản xuất tại TPHCM, Công ty Cơ khí Nhật Long là một ví dụ điển hình về việc tận dụng các chính sách hỗ trợ để mở rộng hoạt động sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Gần đây, doanh nghiệp này đã nhận được giải ngân khoản vay ưu đãi hơn 12 tỉ đồng từ Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), kèm theo chính sách miễn lãi suất trong vòng 7 năm.
Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Ngô Long, chia sẻ: "Khoản vay giúp chúng tôi đầu tư công nghệ Nhật Bản, từ đó nâng cao năng suất, giảm thiểu nhân lực, đồng thời mở rộng thị trường. Hiện hơn 70% khách hàng của Nhật Long là các công ty nước ngoài, thể hiện khả năng cạnh tranh và hợp tác quốc tế của doanh nghiệp đã được nâng cao rõ rệt”.
Ông nhấn mạnh, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ như Nhật Long, nguồn vốn ưu đãi là chìa khóa để vượt qua khó khăn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Không chỉ Nhật Long, các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và y tế như bệnh viện Tâm Anh, bệnh viện quận 7, cùng các trường học cũng đã nhận được các khoản vay ưu đãi phù hợp theo chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM.
Chính sách này dựa trên quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án vay vốn từ HFIC trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế - xã hội tại TPHCM, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy sự phát triển của thành phố.
Mức hỗ trợ lên đến 200 tỉ đồng, thời hạn vay tối đa 7 năm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Điều này thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời giảm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp.
Tại Bình Dương cũ, bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty Cơ khí Kim Chung, cho biết chính quyền đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp qua các cơ chế kết nối, mở rộng thị trường.
Trước khi sáp nhập vào TPHCM, Bình Dương quy hoạch khu công nghiệp ngành cơ điện - cơ khí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đến, sản xuất tập trung, giảm chi phí, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ liên kết trong chuỗi cung ứng nội địa. Các doanh nghiệp kỳ vọng chính sách này sẽ tiếp tục duy trì sau khi trở thành một phần của TPHCM mới.
Lịch sử Bình Dương chứng minh vai trò tiên phong trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và thành phố thông minh dựa trên mô hình “3 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Các khu công nghiệp, trung tâm nghiên cứu, fablab, trung tâm đổi mới sáng tạo đã tạo điều kiện cho khởi nghiệp, thiết kế, in 3D, thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp hỗ trợ.
Những chính sách này đã nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững cho doanh nghiệp và kinh tế địa phương.
Trông mong được “cộng hưởng” các ưu đãi, hỗ trợ
Các chính sách hỗ trợ, đặc biệt trong lĩnh vực vốn vay ưu đãi, phát triển công nghiệp và tiếp cận thị trường... đã từng là đòn bẩy giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, sáp nhập thành phố mới khiến doanh nghiệp lo lắng về việc mất đi các ưu đãi riêng của địa phương.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Hội Doanh nhân Sài Gòn, nhấn mạnh các chính sách ưu đãi của Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu và các tỉnh khác đều có điều khoản riêng nhằm thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ đất đai, thuế, vốn vay... Do đó, doanh nghiệp quan tâm việc các chính sách này sẽ được xử lý như thế nào sau hợp nhất, và đề nghị địa phương duy trì các ưu đãi đã cam kết để tránh thiệt hại.

Cộng đồng doanh nghiệp trông chờ được “cộng hưởng” các ưu đãi, hỗ trợ.
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng các chính sách ưu đãi sẽ được duy trì và mở rộng phù hợp mô hình mới của thành phố sau hợp nhất, nhằm duy trì ổn định và tạo điều kiện phát triển bền vững hơn.
Theo ông Võ Sơn Điền, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Bình Dương (BASI), phần lớn doanh nghiệp trong BASI quy mô nhỏ cần hưởng lợi từ chính sách vay ưu đãi như tại TPHCM, giúp họ nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng nước ngoài.
Các doanh nghiệp như Cơ khí Kim Chung kỳ vọng hưởng chính sách theo Nghị quyết 09, như vay vốn lãi thấp hoặc không lãi suất cho dự án công nghệ mới và xanh, nhằm giảm chi phí và mở rộng xuất khẩu đến Mỹ và Nhật Bản.
Không chỉ ưu đãi hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, ở tầm nhìn rộng lớn hơn, chuyên gia kinh tế TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh rằng mục tiêu lớn nhất của việc sáp nhập là thúc đẩy tăng trưởng hai con số. Do đó, ông đề xuất áp dụng Nghị quyết 98 toàn diện cho toàn bộ TPHCM mới, bao gồm Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm khai thác tối đa tiềm năng phát triển của vùng.
Các chuyên gia cũng đề nghị tiếp tục duy trì các chính sách đặc thù, như thí điểm các cơ chế, chính sách của Nghị quyết 98, kéo dài đến 2030 để đảm bảo sự liên tục, ổn định trong phát triển các dự án lớn, huy động nguồn lực, phân cấp, phân quyền, và thúc đẩy hợp tác công tư.
Mặt khác, theo Chủ tịch Công ty Nhật Long, quá trình xét duyệt thủ tục hiện còn khá phức tạp, kéo dài 9-10 tháng, gây cản trở lớn cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Ngô Long đề nghị cần đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian, loại bỏ thủ tục phi lý để doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn.
Đơn cử, khoản vay tại Nhật Long đã thế chấp bằng bất động sản, định giá thấp hơn giá trị thực, nên không cần yêu cầu chứng minh hiệu quả dự án đầu tư cho khoản vay. "Các quy định về đảm bảo còn thiếu rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và sáng tạo, công nghệ mới, vốn khó chứng minh theo quy định cứng nhắc", ông nói.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ cho rằng thay vì ưu tiên các dự án lớn, doanh nghiệp có vốn nhà nước, chính sách cần tập trung vào doanh nghiệp công nghệ quy mô nhỏ hoặc dự án khởi nghiệp... Các tiêu chí vay vốn cần rõ ràng, công khai. Đồng thời, nên ứng dụng công nghệ tự động hóa thủ tục để minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong đăng ký và tiếp cận vốn.
Sự mở rộng không gian phát triển sau hợp nhất sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận các nguồn lực, chính sách hỗ trợ, và thị trường lớn hơn, đồng thời tạo ra sức mạnh cộng hưởng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và đa dạng hóa chuỗi giá trị.