Khi cán bộ, công chức rời Nhà nước để khởi nghiệp

Không phải ai rời công việc Nhà nước cũng vì hết yêu nghề. Có người rẽ ngang để làm chủ thời gian, có người tìm cơ hội phát huy năng lực từng bị bó hẹp. Họ không từ bỏ, chỉ là bước ra khỏi 'chiếc ghế ổn định' để bắt đầu một hành trình mới, nơi thành công được đánh đổi bằng sự dấn thân, kiên trì và khát vọng khẳng định mình.

Rời bỏ công việc Nhà nước, anh Nguyễn Hồng Kiên (bên trái) thành lập Hợp tác xã chè Kiên Thái Nguyên.

Rời bỏ công việc Nhà nước, anh Nguyễn Hồng Kiên (bên trái) thành lập Hợp tác xã chè Kiên Thái Nguyên.

Khó khăn bước đầu

Năm năm trước, khi đang là thẩm phán tại Tòa án nhân dân huyện Võ Nhai, anh Phạm Trung Kiên đã khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định nghỉ việc. “Nhiều người nói tôi bị hâm, công việc đang ổn định, cơ hội phát triển phía trước mà lại “liều” thế. Còn anh bạn thân bảo tôi, hãy về suy nghĩ lại đi” - Anh Kiên nhớ lại.

Rời ghế công chức, anh Kiên bắt đầu một hành trình đầy thử thách với nghề luật sư độc lập. Hành lang pháp lý riêng, kỹ năng thu thập chứng cứ, xây dựng tệp khách hàng, chứng minh uy tín cá nhân giữa thị trường cạnh tranh khốc liệt... đều là điều một luật sư ngoài hệ thống phải tự trang bị. Tài chính thiếu ổn định, khách hàng còn dè dặt là những điều anh từng nếm trải trong những ngày đầu.

Từ khi rời công việc Nhà nước, chị Nguyễn Thị Nhung dành nhiều thời gian chăm lo cho các con.

Từ khi rời công việc Nhà nước, chị Nguyễn Thị Nhung dành nhiều thời gian chăm lo cho các con.

Tương tự là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Nhung, nguyên Trưởng Bưu cục Đồng Quang. Từng gắn bó 27 năm với ngành Bưu chính, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, nhưng cuối năm 2024, chị quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp với sản phẩm chè đặc sản Thái Nguyên.

Ra ngoài làm chủ, chị mới thấm hết những áp lực của công việc: Từ chọn mặt bằng kinh doanh, chọn đơn vị vận chuyển, cạnh tranh với doanh nghiệp lớn… đến chuyện giấy tờ, thuế phí, pháp lý. Có những ngày, chị tự hỏi: “Liệu mình có đang sai đường?”, nhưng rồi lại tự đứng dậy từ chính đam mê với lá trà quê hương.

Với chị Phan Thị Thúy, nguyên cán bộ Ủy ban MTTQ tỉnh, đầu năm 2025, chị nghỉ việc theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ để tạo điều kiện cho cơ quan sắp xếp bộ máy. Dù còn tới 16 năm công tác, chị vẫn dứt khoát lựa chọn rẽ hướng.

“Chỉ có chồng tôi ủng hộ tuyệt đối. Anh ấy nói: Em đã nghĩ kỹ thì cứ làm, anh luôn ủng hộ.” - chị Thúy chia sẻ. Đến với sản phẩm chăm sóc sức khỏe Love World sau quá trình tự trải nghiệm, chị Thúy bắt đầu lại trong một rào cản khi thị trường ngập tràn hàng giả, hàng kém chất lượng, nơi mà niềm tin của người tiêu dùng là tài sản quý nhất nhưng cũng mong manh nhất. Bởi vậy, việc tạo dựng uy tín không hề đơn giản.

Chị Phan Thị Thúy luôn yêu thích công việc hiện tại của mình.

Chị Phan Thị Thúy luôn yêu thích công việc hiện tại của mình.

Nhiều cơ hội rộng mở

Hơn nửa năm sau ngày khởi nghiệp, chị Nhung đã có tệp khách hàng trải dài khắp các tỉnh, hợp tác với nhiều đơn vị vận chuyển và tiêu thụ. Còn Luật sư Phạm Trung Kiên đã tạo dựng được thương hiệu riêng.

Cơ hội phát triển kỹ năng tranh tụng, tư vấn chuyên sâu và được đào tạo đa dạng từ trường luật, tiếp xúc thị trường thực tế chính là điểm sáng khi anh thực hiện công việc ngoài Nhà nước. Đồng thời, mỗi chuyến công tác ở khắp các vùng miền, anh đều coi là chuyến du lịch, với nhiều trải nghiệm trong nghề và cả cuộc sống.

Với chị Nguyễn Thị Thúy, công việc mới mang lại niềm vui: Tôi thấy mình khỏe mạnh hơn, giúp được nhiều người sống tích cực. Quan trọng nhất là có nhiều thời gian hơn cho gia đình, điều mà trước đây, khi làm trong cơ quan Nhà nước, tôi hiếm khi làm được.

Không chỉ những người trung niên, ngày càng nhiều người trẻ cũng rời công việc Nhà nước để lập nghiệp bên ngoài. Điển hình như anh Nguyễn Hồng Kiên (sinh năm 1993, xã Đức Lương), từng là nhân viên văn phòng hơn 10 năm ở Hà Nội và TP. Thái Nguyên, song anh đã quyết định về quê lập nghiệp.

Anh Kiên chia sẻ: Nếu có khát khao mãnh liệt thì việc bắt đầu xây dựng sự nghiệp chưa bao giờ là muộn và làm ở đâu cũng không quan trọng.

Với mong muốn góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm chè quê hương, sau khi về quê, đầu năm 2024, anh Kiên đã thành lập Hợp tác xã (HTX) chè Kiên Thái Nguyên với 7 thành viên, do mình làm Giám đốc.

Hiện nay, HTX có nhiều dòng sản phẩm khác nhau từ trà móc câu đến tôm nõn hay trà đinh, với giá bán trung bình từ 200 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/kg. Tại xưởng, HTX có trung bình 5-6 lao động làm thường xuyên, với mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng.

Sau 6 năm “rời phố về quê”, chị Hoàng Thị Thúy Vân luôn hạnh phúc với sự lựa chọn của mình.

Sau 6 năm “rời phố về quê”, chị Hoàng Thị Thúy Vân luôn hạnh phúc với sự lựa chọn của mình.

Ấn tượng hơn nữa là câu chuyện của chị Hoàng Thị Thúy Vân, Trưởng nhóm HTX An Vân Trà (xã La Bằng). Là cử nhân Sinh học, từng làm việc tại Hà Nội với mức lương đáng mơ ước, sáu năm trước, chị quyết định từ bỏ để về quê làm trà. Chị không chọn con đường nhanh, mà nương theo tự nhiên, từ khâu chăm sóc, thu hái, sao sấy, tất cả đều thủ công để giữ được nét cổ xưa truyền thống và sự an lành.

Bao bì sản phẩm cũng được thiết kế thân thiện với môi trường. Sau vài năm về quê, chị Vân đã thu được “trái ngọt”. HTX An Vân Trà mỗi tháng xuất hàng tạ trà búp khô, với các dòng đa dạng như Hồng trà, Matcha, trà thảo mộc… có mặt tại các siêu thị lớn trong nước.

Đồng hành với chị Vân là chị gái đã bỏ nghề giáo viên và những người bạn trẻ khác rời phố về quê lập nghiệp. Họ đang cùng nhau viết lên một chương mới cho nghề sản xuất chè bền vững, gắn với bản sắc địa phương.

Chuyển dịch từ “công sang tư” không chỉ là lựa chọn cá nhân, mà còn là xu hướng phù hợp với lộ trình tinh giản bộ máy hành chính, giúp mỗi người chủ động tái định vị bản thân trong bối cảnh mới.

Khi nền kinh tế mở rộng, công nghệ phát triển, thì những người có chuyên môn, kỹ năng, và tư duy đổi mới hoàn toàn có thể tái định vị bản thân một cách mạnh mẽ trong thị trường mới. Họ vẫn góp phần vào sự phát triển chung theo một cách khác.

Dù gặp khó khăn ban đầu, nhưng chính những trải nghiệm ấy đã giúp họ trưởng thành hơn, linh hoạt hơn và tiếp cận thị trường tốt hơn. Nhiều người không chỉ cải thiện thu nhập, mà còn lan tỏa giá trị tích cực tới cộng đồng.

Minh Hiếu

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202507/khi-can-bo-cong-chuc-roi-nha-nuoc-de-khoi-nghiep-39612f0/
Zalo