Những ai có nguy cơ cao mắc cúm?
Bệnh cúm đang gia tăng ở các tỉnh phía bắc kéo theo cơ nguy cơ bùng phát, lây lan trên diện rộng trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho vi rút phát triển như hiện nay.
Theo Bộ Y tế, số ca mắc cúm tại Việt Nam đã có sự gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong dịp Tết Nguyên đán 2025, nhưng chưa có đột biến so với các năm trước. Trong đó, các chủng vi rút cúm phổ biến là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh sởi có xu hướng giảm so với tháng 12.2024 nhưng vẫn có sự gia tăng tại một số địa phương.
![Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_287_51445597/bea98696b2d85b8602c9.jpg)
Ảnh minh họa
Tại TP.HCM, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận có khoảng 2.900 ca được chẩn đoán cúm trên lâm sàng trong năm 2024, trong đó có 11 ca bệnh nặng. Hiện tại có 20 trường hợp cúm đang được điều trị nội trú tại các bệnh viện.
Bộ Y tế nhận định hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông - xuân với điều kiện khí hậu ẩm thấp là môi trường thuận lợi cho vi rút phát triển và lây lan; đồng thời nhu cầu đi lại, giao thương và các hoạt động lễ hội đầu năm tăng cao làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc bệnh cúm.
Theo các chuyên gia y tế, cúm là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do vi rút cúm gây ra. Có 3 chủng vi rút cúm A, B và C, trong đó chủng A và B thường gây bệnh cho con người. Vi rút cúm liên tục biến đổi, tạo ra các chủng mới hàng năm, trong đó có cúm A H1N1, H3N2 (cúm mùa) và cúm A H5N1 (cúm gia cầm).
Khác với cảm lạnh thông thường, cúm có thể xuất hiện đột ngột với triệu chứng nghiêm trọng hơn như: sốt cao, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, ho, khó chịu vùng ngực, đau đầu, ớn lạnh.
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh có thể tự hồi phục trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể tiến triển thành biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm xoang, viêm tai, viêm cơ tim và viêm não. Những biến chứng này có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh cúm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng nguy cơ cao nhất chính là những người trên 65 tuổi; người có bệnh lý nền mạn tính (hen suyễn, đái tháo đường, bệnh tim…); người có hệ miễn dịch suy giảm (do dùng thuốc ức chế miễn dịch, ung thư, ghép tạng); phụ nữ mang thai; trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 2 tuổi
Vi rút cúm có thể kích hoạt phản ứng viêm mạnh trong cơ thể, dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn huyết, làm trầm trọng thêm các bệnh nền và gây nguy hiểm cho người bệnh.
Do đó, để phòng ngừa bệnh cúm, các chuyên gia y tế cho biết điều quan trọng nhất chính là tiêm vắc xin cúm hằng năm để bảo vệ bản thân và gia đình; giữ vệ sinh tay sạch sẽ, tránh tiếp xúc với người bệnh; duy trì chế độ dinh dưỡng, tập luyện giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Đối với việc tiêm ngừa vắc xin cúm cho trẻ dưới 9 tuổi (chưa từng tiêm vắc xin cúm) phải tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 1 tháng, và sau đó tiêm nhắc hằng năm; trẻ trên 9 tuổi và người lớn tiêm 1 mũi/ năm. Việc tiêm phòng không chỉ giúp bảo vệ trẻ nhỏ mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm cho người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và những người có bệnh nền.
Trong trường hợp chẳng may bị mắc cúm, người bệnh cần nghỉ ngơi, bổ sung đủ nước; sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ; thuốc kháng vi rút cần được sử dụng sớm trong vòng 48 giờ từ khi xuất hiện triệu chứng để giúp giảm nhẹ triệu chứng và nguy cơ biến chứng; không tự ý dùng kháng sinh nếu không có chỉ định của bác sĩ. Trường hợp bệnh nhân bị nặng, cần nhập viện để điều trị tích cực.