Sắp có gạo với chỉ số đường huyết thấp
Gạo có chỉ số đường huyết thấp (LGIR) được coi là giải pháp hứa hẹn để giúp người châu Á giảm thiểu mắc bệnh tiểu đường bởi gạo là lương thực chính của người dân châu Á.
![Gạo với chỉ số đường huyết thấp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_338_51451620/8234d879ed3704695d26.jpg)
Gạo với chỉ số đường huyết thấp
Trong nghiên cứu công bố trên Tạp chí Trends in Plant Science mới đây, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Viện Max Planck (Đức) đã hợp tác phát triển loại gạo có chỉ số đường huyết thấp.
Tại châu Á, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng là do người dân tiêu thụ nhiều đồ ăn, thức uống có nhiều đường, thực phẩm siêu chế biến và tinh bột, trong đó có gạo trắng giã kỹ hay đánh bóng.
Chỉ số đường huyết (GI) là thước đo tốc độ thực phẩm làm tăng lượng đường huyết sau ăn, nếu GI thấp sẽ được cơ thể tiêu hóa chậm hơn, dẫn đến giải phóng glucose chậm vào máu. Gạo trắng phổ biến trên thị trường có GI cao từ 70 đến 94, trong khi đó, gạo LGIR thấp thì GI chỉ ở mức dưới 55.
Nhóm nghiên cứu đã lai tạo thành công các giống lúa có GI thấp, protein cao. Nỗ lực này nhờ vào việc tăng cường hàm lượng tinh bột kháng và amylose trong lúa, từ đó làm chậm giải phóng glucose khi tiêu hóa.
Thành tựu trên nhờ vào công nghệ lai tạo và chỉnh sửa bộ gene mà không ảnh hưởng đến năng suất hoặc các thuộc tính giác quan khi tiêu thụ gạo GI thấp.
Hiện nay, một số quốc gia như Bangladesh, Philippines đã bắt đầu trồng các giống lúa như BR-16 và IRRI-147 (ban đầu được lai tạo để chống chịu với khí hậu, sau đó được phát hiện có đặc tính GI thấp).