Nhộn nhịp đi lễ đầu năm
Những ngày Tết, các điểm tâm linh tại thành phố Sơn La đón dòng người nô nức về đi lễ đầu năm, tất cả cầu nguyện điều may mắn cho gia đình một năm nhiều sức khỏe và bình an.
Trong tiết trời se lạnh, đất trời ngập tràn sắc xuân, Chùa Trúc Lâm Hưng Quốc trở nên đông đúc, chùa rực sáng ánh đèn, nến. Hàng ngàn lượt người về đây thành kính dâng hương, hoa cầu chúc năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc, bình an.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thìn, tổ 1, phường Chiềng Sinh, Thành phố đi lễ chùa đầu năm mới được duy trì nhiều năm nay. Bà chia sẻ: Dù bận rộn đến đâu, dịp đầu năm mới tôi và con cháu trong gia đình đều thu xếp công việc để đi dâng hương, vãn cảnh tại nhiều ngôi đền, chùa trên địa bàn Thành phố. Với lòng thành kính, cầu may mắn, sức khỏe cho gia đình, cầu cho năm mới mọi người được bình an, con cháu chăm ngoan, học giỏi. Tôi muốn các con, trân trọng và lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Không người cao tuổi mới đi lễ chùa đầu năm, mà nhiều thanh niên, trẻ em cũng theo gia đình, bạn bè đi lễ đầu Xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình còn là dịp thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân và hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc.
Bạn Lò Mạnh Tuấn, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, bày tỏ: Đi lễ chùa đầu năm, giúp tôi hiểu thêm về những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó thấy được trách nhiệm của người trẻ trong việc gìn giữ, duy trì những nét đẹp văn hóa.
Tại Đền thờ Vua Lê Thái Tông, một trong những ngôi đền có lịch sử lâu đời ở thành phố Sơn La. Mồng một và mồng hai Tết có rất nhiều người xuất hành đến Đền du xuân, chiêm bái. Không chỉ lễ đền cầu an, cầu may, trong mỗi người còn là sự thành kính với vị tiền nhân đã có công lãnh đạo nhân dân bảo vệ bờ cõi, biên cương của Tổ quốc hàng ngàn năm trước.
Bạn Đỗ Thị Khánh Huyền, tổ 5, phường Quyết Thắng, Thành phố, chia sẻ: Sau một năm làm việc xa quê hương, Tết về sum họp cùng gia đình, đầu xuân năm mới tôi cùng với gia đình đi lễ đền, chùa đầu tiên cầu chúc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, sau là cầu cho công việc thuận lợi, gặt hái được nhiều thành công, may mắn. Đây còn là cơ hội, để tôi tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa quê hương.
Đại đức Thích Khai Trí, Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sơn La, nói: Chùa mở cửa sớm phục vụ khách đến thăm viếng. Đi chùa ngày đầu năm mới, đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt. Với nhiều người, đi chùa ngày đầu năm không chỉ cầu mong những điều may mắn mà còn là dịp để tìm đến sự tĩnh tại và hướng thiện, để cảm nhận sự biến chuyển của vạn vật và tận hưởng sự bình yên.
Trong chuyến du xuân đầu năm, nhiều người dân còn tìm mua những món đồ cầu may hay xin chữ, câu đối có ý nghĩa đem về nhà treo ở nơi trang trọng nhất.
Đối với người Việt, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành lâu đời, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ, hướng con người tới chân - thiện - mỹ; đồng thời, là dịp vun đắp tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn.