Khám phá Long An với những món ăn dân dã
Đến với Long An, du khách không chỉ đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên hữu tình mà còn được khám phá nền ẩm thực đa dạng và phong phú. Với những món ăn đặc sản như mắm kho đậm đà, lạp xưởng Cần Đước thơm lừng, bánh in Long Hựu ngọt ngào hay bún Xiêm Lo, du khách sẽ được trải nghiệm trọn vẹn hương vị đặc trưng của vùng đất này. Mỗi món ăn đều mang một câu chuyện riêng khiến du khách không chỉ no bụng mà còn biết thêm về vùng đất nghĩa tình, mến khách.
Trứ danh lẩu mắm miền Tây
Lẩu mắm là món ăn ngon, hấp dẫn của vùng sông nước miền Tây. Lẩu mắm tạo ấn tượng với thực khách bởi mùi vị đặc trưng của mắm và sự kết hợp của các loại rau dân dã ăn kèm như bông súng, kèo nèo, bông so đũa, bông bí, bông điên điển, rau muống đồng, bắp chuối,...
Chị Nguyễn Thị Hằng Ny (phường 6, TP.Tân An) cho biết: “Những buổi chiều cuối tuần, gia đình sum họp, tôi thường chọn lẩu mắm vì món này dân dã, dễ ăn. Muốn lẩu mắm ngon chuẩn vị thì nguyên liệu phải bảo đảm tươi ngon.
Thông thường, một nồi lẩu mắm có cá, thịt ba rọi, tôm, mực,... Và nguyên liệu chính làm nên "linh hồn" nồi lẩu là mắm. Chọn được mắm cá linh, cá sặt ngon cũng là một trong những bí quyết để có nồi lẩu mắm thơm ngon”.
Sau khi sơ chế các nguyên liệu, ninh xương heo để nước dùng thêm ngọt rồi nấu mắm, lọc bỏ bã. Tùy theo khẩu vị của mỗi gia đình mà nêm nếm lại cho tròn vị, thêm ít sả bằm. Ăn kèm với lẩu mắm không chỉ có thịt, mực, tôm mà còn có thể nấu với các loại cá đồng như cá rô, cá kèo, cá lóc,... để nồi lẩu thêm đậm đà hồn quê.
Lẩu mắm ngon có phần nước lẩu ngả màu nâu, sánh quyện với tỏi, ớt bằm nhuyễn,... Giữa khung cảnh hữu tình của miền quê yên bình, thưởng thức món lẩu mắm nóng hổi, đậm đà, nhấp thêm ly rượu đế Gò Đen thì đúng chất Long An.
Bún Xiêm Lo mang sự giao thoa của hai nền ẩm thực
Bún Xiêm Lo, nghe qua cái tên thôi hẳn nhiều người cũng đã mường tượng được phần nào nguồn gốc của món ăn này. Bún Xiêm Lo vốn bắt nguồn từ ẩm thực Khmer với thành phần gồm nước lèo nấu từ cá lóc ăn cùng bún sợi và chấm muối ớt.
Khi “du nhập” vào Long An, bún Xiêm Lo đã trở thành món ăn độc đáo của người dân tại các địa phương giáp biên giới Campuchia như thị xã Kiến Tường, huyện Mộc Hóa, huyện Vĩnh Hưng. Người dân nơi đây đã biến tấu, tạo nên món bún Xiêm Lo đặc sắc, thơm ngon khó cưỡng.
Tùy vào khẩu vị, mỗi địa phương sẽ có cách chế biến bún Xiêm Lo khác nhau nhưng vẫn không mất đi hương vị nguyên bản của món ăn.
Nguyên liệu chính của món này hoàn toàn từ cá lóc, thịt săn chắc, ngọt thanh. Cá lóc sau khi làm sạch, phần đầu và xương cá được tận dụng để hầm làm nước lèo, phần thân thì xay làm chả cá và được nặn thành từng viên nhỏ đem chiên hoặc nấu chung. Sợi bún cũng đặc biệt khi chọn bún sợi nhỏ, mềm, dai. Ngoài ra, bún Xiêm Lo còn được thêm đậu phộng, da heo luộc, rau kèo nèo ăn kèm.
Anh Phạm Hữu Châu (chủ quán bún Xiêm Lo, phường 6, TP.Tân An) cho biết: “Linh hồn của món bún Xiêm Lo là nghệ đỏ. Chọn nghệ phải chọn nghệ già. Khi ăn sẽ cho ít bún vào tô, rưới nước dùng và sau đó thêm vài miếng chả cá, đầu cá lóc. Ngoài ra, còn có thêm cá rô, lươn, ếch,... Cuối cùng, thêm một chén muối ớt nữa là thực khách đã sẵn sàng cho một bữa bún Xiêm Lo hấp dẫn”.
Vị thơm của nghệ hòa với vị ngọt thanh của thịt cá và chút đắng chát nhẹ từ kèo nèo, tất cả đem đến một trải nghiệm ẩm thực đầy mới mẻ khi du lịch ở Long An. Đây không chỉ là món ăn của sự giao thoa văn hóa mà còn tốt cho sức khỏe, nhất là những người bị đau dạ dày, tiểu đường, hen suyễn,...
Bánh in Long Hựu - đậm đà tình quê
Từ bao đời nay, bánh in Long Hựu đã trở thành món ngon quen thuộc của người dân Long An. Hương thơm của gừng tươi quyện hòa cùng vị ngọt của chuối khô, vị béo của đậu phộng và mè,... tạo nên một hương vị độc đáo cho nhân bánh mà chỉ có riêng vùng đất Long Hựu của tỉnh Long An mới có.
Nguyên liệu chủ yếu của bánh là bột nếp, còn nhân bánh được làm bằng chuối phơi khô xắt thành sợi trộn chung với gừng xắt sợi rồi sên với đường đến khi nặng tay thì đem xuống để nguội, thêm đậu phộng và mè vào.
Sau đó, người thợ dùng khuôn gỗ có khắc hoa văn hình rồng, phụng để tạo thành hình bánh. Hình ảnh rồng tượng trưng cho sức mạnh, sự linh thiêng, còn phụng là biểu tượng của sự may mắn, hạnh phúc.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Văn Nhỏ, người kế thừa và phát triển nghề làm bánh in truyền thống của gia đình suốt 16 năm qua. Với thương hiệu bánh in Oanh Muội nổi tiếng tại ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, gia đình ông Nhỏ không chỉ có thu nhập ổn định mà còn gìn giữ một nét văn hóa đặc sắc của quê hương.
Ông Nhỏ chia sẻ: “Để có được một mẻ nhân ngon, người làm phải cân bằng nhiều yếu tố. Việc cân chỉnh lượng nước, canh lửa và đảo đều tay, mỗi thao tác đều cần sự tỉ mỉ. Chỉ có như vậy, nhân bánh mới đạt độ sánh mịn, không bị khô cũng không bị nhão”.
Nhờ hương vị truyền thống, thơm ngon nên bánh in của gia đình ông được nhiều người biết đến và tìm mua. Mỗi ngày, cơ sở của ông cho ra thị trường từ 100-150 cái bánh in, vào dịp tết, số lượng tăng từ 1.700-1.800 cái nên gia đình ông phải thuê thêm nhân công mới có thể đáp ứng đủ.
Trải qua nhiều thăng trầm, vị ngọt bánh in Long Hựu đã trở thành một phần ký ức, một hương vị truyền thống không thể thiếu trong đời sống, nhất là mỗi dịp tết đến, xuân về. Đây là đặc sản và cũng là món quà quê hương, chắc chắn sẽ làm ấm lòng người thân hay những du khách đường xa.
Lạp xưởng tươi - món ngon miền hạ
Nhắc đến Cần Đước - Long An, chắc hẳn những người “sành ăn” sẽ không thể quên được hương vị khó quên của lạp xưởng, một món ăn ngon không thể thiếu trong tủ bếp của nhiều gia đình.
Điểm bán lạp xưởng Cô Châu (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước) là một trong những cơ sở sản xuất lạp xưởng tươi được nhiều khách hàng gần xa ưa chuộng.
Là thế hệ thứ 3 tiếp nối truyền thống làm lạp xưởng của gia đình, cách đây khoảng 15 năm, chị Lưu Thị Kim Châu tách ra riêng và khẳng định được thương hiệu lạp xưởng tươi Cô Châu với nhiều khách hàng nhờ hương vị thơm ngon đặc trưng. Đây cũng chính là bí quyết thành công của gia đình đã được lưu giữ suốt hơn 40 năm qua.
Quá trình làm lạp xưởng là nghệ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ và kinh nghiệm. Thịt nạc đùi khi mua phải còn nóng, đem về lóc bỏ hết các phần gân, mỡ. Thịt sau khi xay hoặc xắt sẽ được trộn với mỡ xắt hạt lựu rồi ướp với gia vị, đặc biệt là rượu gia truyền. Sau đó, hỗn hợp thịt sẽ được trộn thêm tiêu hột và dồn vào ruột (sử dụng máy để dồn thịt).
Chị Lưu Thị Kim Châu - chủ Cơ sở sản xuất lạp xưởng Cô Châu (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước), nói: “Ưu tiên hàng đầu của tôi là nguyên liệu đầu vào phải tươi nóng từ thịt đến tỏi, những gia vị ướp đều chọn lọc kỹ.
Ngoài ra, rượu ướp cũng là nguyên liệu truyền thống của gia đình để giữ mùi vị của lạp xưởng tươi Cần Đước”. Nếu ngày thường, cơ sở của chị sản xuất từ 100-200kg lạp xưởng. Vào dịp tết, con số này tăng lên gấp 5 lần để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Là một trong những món ngon miền hạ, Cơ sở sản xuất lạp xưởng Cô Châu đã trở thành đại diện duy nhất của tỉnh Long An lọt tốp 121 món ẩm thực tiêu biểu quốc gia giai đoạn I năm 2022 do Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam chứng nhận và vinh danh, góp phần đưa lạp xưởng tươi Cần Đước trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người dân Long An./.