Nhóm ngành Chứng khoán có hưởng lợi nhiều từ KRX?
Hệ thống KRX giúp xây dựng nền tảng hiện đại cho thị trường chứng khoán, qua đó, góp phần đẩy mạnh thanh khoản, gia tăng dư nợ cho vay ký quỹ, mở ra nhiều cơ hội cho các công chứng khoán.

KRX là bước ngoặt quan trọng trong quá trình hiện đại hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tất cả đã sẵn sàng
Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã có thông báo chính thức về việc đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam (hệ thống KRX) từ ngày 5/5/2025. HOSE cũng đề nghị các thành viên thị trường tập trung bố trí các nguồn lực để đưa hệ thống KRX vào vận hành theo đúng kế hoạch; tăng cường phổ biến, tuyên truyền đến nhà đầu tư về các tính năng mới của hệ thống, đảm bảo thị trường giao dịch an toàn, liên tục, ổn định.
Với hệ thống KRX, nhiều rào cản kỹ thuật trước đây khiến thị trường giao dịch chưa thực sự sôi động sẽ được tháo gỡ. Việc cho phép giao dịch trong ngày (T+0) và bán khống có kiểm soát được kỳ vọng sẽ tăng mạnh thanh khoản, thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Từ đó, doanh thu từ hoạt động môi giới, lưu ký và margin của các công ty chứng khoán sẽ gia tăng đáng kể.
Ngoài ra, với việc dữ liệu giao dịch được chuẩn hóa và kết nối thời gian thực, các công ty chứng khoán cũng sẽ nâng cao được chất lượng quản trị rủi ro, tối ưu hóa hệ thống giao dịch và phát triển các sản phẩm tài chính mới như giao dịch thuật toán, robo-advisor hoặc các công cụ hỗ trợ đầu tư chuyên sâu.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI), việc triển khai hệ thống KRX là một chủ trương rất lâu của Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý, nhằm hiện đại hóa hạ tầng thị trường, đáp ứng xu thế phát triển.
Hiện nay, số lượng tài khoản nhà đầu tư đã tiến gần mốc 10 triệu tài khoản giao dịch, khi khối lượng giao dịch tăng mạnh, thị trường cần một hệ thống vận hành mới có năng lực xử lý lớn hơn, linh hoạt và hiện đại hơn.
Ông Tuấn cho biết, PSI đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ nhiều năm nay, từ việc nâng cấp hạ tầng vật lý - bao gồm hệ thống máy chủ, mở rộng dung lượng, bổ sung các cấu phần kỹ thuật đến việc nâng cấp đường truyền để đảm bảo tốc độ và dung lượng theo yêu cầu kỹ thuật mới. Công ty cũng đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn để xây dựng các kịch bản vận hành, giải pháp kỹ thuật và đặc biệt là đảm bảo yếu tố an toàn, an ninh thông tin.
“Tính đến thời điểm này, chúng tôi hoàn toàn trong tâm thế sẵn sàng. Các bước chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất và đáp ứng yêu cầu từ cơ quan quản lý. PSI cũng đã xây dựng các phương án dự phòng để xử lý những sự cố có thể phát sinh trong quá trình vận hành chính thức. Nếu đúng theo kế hoạch, hệ thống KRX sẽ đi vào vận hành từ ngày 5/5 tới. Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, không chỉ với PSI mà còn với toàn thị trường, tạo đà để năm 2025 trở thành một năm tích cực của ngành chứng khoán”, ông Tuấn chia sẻ.
Vẫn có độ trễ khoảng vài tháng để thị trường nóng lên
Hệ thống công nghệ KRX được kỳ vọng mang lại cú hích lớn cho thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng thị trường cần một khoảng thời gian nhất định, ít nhất 2-3 tháng, để hấp thụ và chuyển hóa các yếu tố tích cực từ hạ tầng mới thành sự sôi động thực sự trong giao dịch.
Lý do là bởi sự thay đổi về công nghệ và cơ chế giao dịch thường đi kèm với thời gian làm quen của cả phía nhà đầu tư và các thành viên thị trường. Các công ty chứng khoán cần thời gian để tối ưu hệ thống, đào tạo nhân sự, nâng cấp quy trình nghiệp vụ tương thích với hạ tầng mới. Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần thời gian để thích nghi với các sản phẩm, công cụ và cơ chế giao dịch mới như T+0, bán khống, giao dịch lô lẻ hay sản phẩm phái sinh mở rộng.
Thêm vào đó, những tác động tích cực về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt là từ khối ngoại, sẽ cần thêm thời gian để thể hiện rõ trong các chỉ số thị trường và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, thời điểm 6 tháng sau khi hệ thống KRX “go-live” được xem là mốc hợp lý để kỳ vọng sự tăng tốc rõ rệt về mặt thanh khoản, giao dịch và sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Nghiên cứu ngành và cổ phiếu Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, khi KRX “go-live”, trong ngắn hạn, khoảng 1-2 tháng, chưa thể tác động được đến giá cổ phiếu, cũng như ngành chứng khoán. Bởi hệ thống KRX, bản chất là nền tảng công nghệ, không có khả năng tự làm tăng thanh khoản của thị trường cũng như gia tăng dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán.
“Điều mà KRX mang lại cho thị trường là nền tảng công nghệ hiện đại, cho phép triển khai cơ chế bù trừ trung tâm (CCP) – điều kiện cần thiết để các cơ quan quản lý đưa vào vận hành những sản phẩm hữu ích như rút ngắn thời gian giao dịch, cho phép bán khống, kiểm soát lỗi giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài khi họ sử dụng sản phẩm non-prefunding của các công ty chứng khoán” - ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, đây sẽ là trợ lực cho thị trường thu hút dòng vốn ngoại, qua đó, sớm hiện thực hóa kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi. Những yếu tố tích cực này là điểm tựa cho thị trường chứng khoán bật tăng, thanh khoản sôi động.
“Khi đó, doanh thu của các công ty chứng khoán từ cho vay ký quỹ, môi giới… sẽ chạm mốc cao mới. Điều này sẽ tác động tích cực tới giá cổ phiếu. Tuy nhiên, chúng ta cần có thời gian, quan trọng hơn nữa là cần có Thông tư hướng dẫn về hệ thống bù trừ trung tâm CCP” - ông Dũng nhấn mạnh.
Dù còn một số yếu tố cần hoàn thiện, nhưng rõ ràng, việc triển khai hệ thống KRX là bước ngoặt quan trọng trong quá trình hiện đại hóa thị trường chứng khoán Việt Nam. Với nhóm ngành Chứng khoán, đây không chỉ là cơ hội để tăng trưởng lợi nhuận mà còn là thời điểm để tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong dài hạn./.