Nho Quan: Phát triển sản phẩm OCOP từ lợi thế địa phương
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua huyện Nho Quan đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung khảo sát, lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh đặc trưng của địa phương để xây dựng các sản phẩm chủ lực, gia tăng giá trị, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Yên Quang là xã miền núi của huyện, những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chính sách hỗ trợ các xã khu vực miền núi, diện mạo nông thôn đã có những thay đổi đáng kể, đặc biệt người dân đã chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực từ lợi thế địa phương, tạo ra giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống người dân.
HTX sâm Bochi Cúc Phương nằm trên địa bàn xã Yên Quang chuyên sản xuất các sản phẩm từ cây sâm Bố chính. Với quy trình sản xuất hữu cơ cùng với việc đầu tư máy móc theo dây chuyền khép kín, hiện các sản phẩm của HTX cung cấp ra thị trường ổn định và dần khẳng định thương hiệu trên thị trường. HTX hiện có 2 sản phẩm là Hoàng trà bảo sâm và Bột sâm Tiến Vương được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Ông Quách Văn Kỳ, Giám đốc HTX sâm Bochi Cúc Phương cho biết: Cây sâm Bố chính ở đây đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. Từ bón lót, bón thúc đều dùng phân hữu cơ, công tác phòng trừ sâu bệnh hoàn toàn thủ công, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ được chăm bón tỉ mỉ bằng các phương pháp canh tác hữu cơ, hầu hết sâm Cúc Phương do các thành viên HTX ươm trồng đều có củ to, đảm bảo độ tươi sạch và có hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Trung bình mỗi củ nặng từ 200-300g, có những củ nặng tới 500g.
Đặc biệt thời gian qua, HTX đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và phát triển y học dân tộc chính thức ra mắt sản phẩm mới An tràng Tiến Vương. Trên cơ sở nghiên cứu của các nhà khoa học, nhiều chất có trong sâm Cúc Phương hỗ trợ điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân đại tràng. Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu và phát triển y học dân tộc đã kết hợp với các loại thảo dược khác bào chế ra sản phẩm An tràng Tiến Vương có công dụng ngăn ngừa các bệnh liên quan đến đại tràng, hỗ trợ điều trị các bệnh về đường ruột, tăng cường sức khỏe đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa.
Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, HTX đã liên kết với Công ty cổ phần sản xuất dược phẩm Takarai, thành phố Hà Nội để sản xuất ra sản phẩm mới này. Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn GMP của Bộ Y tế. Sản phẩm này được Viện Nghiên cứu và phát triển y học dân tộc đánh giá thuộc hàng đầu hỗ trợ cho người bị bệnh đại tràng.
Với việc chú trọng xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đã giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi, ký kết được nhiều đơn hàng. Tuy nhiên, để sản phẩm sâm Cúc Phương ngày càng khẳng định thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, HTX mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ để HTX được đăng ký bảo hộ thương hiệu sâm Cúc Phương.
Ông Bùi Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Quang cho biết: Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, thời gian qua, xã đã có nhiều chính sách quan tâm hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm chủ lực đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện xã có 2 sản phẩm của HTX sâm Bochi Cúc Phương được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Thời gian tới, xã đang hướng dẫn cho các cá nhân, tổ chức có sản phẩm đặc thù để xây dựng sản phẩm đạt tiêu chí OCOP và đang hướng dẫn HTX sản xuất và chế biến nông sản Hoàng Long thực hiện các bước để xây dựng hồ sơ, đề nghị công nhận sản phẩm miến khoai lang, miến khoai sọ và HTX sâm Bochi Cúc Phương xây dựng sản phẩm An tràng Tiến Vương đạt sản phẩm OCOP trong thời gian sớm nhất.
Với lợi thế là địa phương có diện tích rừng lớn, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Nhận thấy việc phát triển nhỏ lẻ không cho hiệu quả kinh tế cao, xã Cúc Phương đã thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ mật ong Cúc Phương. Từ chỗ sản xuất thủ công, đến nay HTX đã được đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại với quy trình sản xuất khép kín, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện sản phẩm mật ong Cúc Phương đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Ông Bùi Đức Thuận, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết: Với việc đầu tư xây dựng sản phẩm OCOP đã từng bước khẳng định thương hiệu mật ong Cúc Phương trên thị trường, được nhiều khách hàng biết đến. Hiện sản phẩm mật ong Cúc Phương được cung cấp cho các chuỗi cửa hàng nông sản sạch. Ngoài bán hàng truyền thống, HTX còn đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử cũng như tích cực tham gia các đợt xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chương trình mỗi xã một sản phẩm là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, góp phần mang lại thành công của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để triển khai có hiệu quả chương trình OCOP, huyện Nho Quan đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương khảo sát, lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường. Nhờ đó, nhiều sản phẩm đã được đăng ký chất lượng, nhãn mác với thị trường tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, huyện có 25 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 8 sản phẩm hạng 4 sao, 17 sản phẩm hạng 3 sao (Năm 2020: 4 sản phẩm; năm 2021: 3 sản phẩm; năm 2023: 12 sản phẩm; năm 2024: 1 sản phẩm) và đang chờ tỉnh xét công nhận 2 sản phẩm hạng 4 sao.
Ông Đinh Văn Thanh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Nho Quan cho biết: Phát triển các sản phẩm OCOP được xác định là một trong những tiêu chí phục vụ cho việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, thời gian qua Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, các hộ gia đình đầu tư mua sắm các trang thiết bị, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, từ đó xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP. Năm 2025, huyện phấn đấu có thêm 5-6 sản phẩm OCOP.
Việc triển khai chương trình OCOP đã giúp huyện hình thành những vùng sản xuất tập trung với đa dạng nông sản, các làng nghề, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu mang tính đặc trưng của huyện, qua đó nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Sau khi được công nhận OCOP, việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngày càng thuận lợi hơn, nhất là qua hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch hay trên các sàn thương mại điện tử, do đó doanh thu và lợi nhuận của chủ thể tăng lên.
Để phát huy hiệu quả từ chương trình OCOP, thời gian tới, huyện Nho Quan tiếp tục tăng cường các hoạt động tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện sản phẩm về bao bì, tem, nhãn mác, xây dựng thương hiệu, hồ sơ để phát triển thành sản phẩm OCOP. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho chủ thể về chuyển đổi số, kỹ năng về quản trị, marketing, bán hàng. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, quảng bá sản phẩm OCOP thông qua hội chợ, triển lãm. Từ đó các chủ thể thấy được lợi ích của việc tham gia phát triển các sản phẩm OCOP để từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất, xây dựng các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.