Nhớ ơi là tết - Dư âm ngọt ngào

Những ngày cuối năm, những dòng văn êm dịu của Thái Hương Liên dẫn ta về miền ký ức. Nơi ấy có tết và những dư âm ngọt ngào nhất đúng với tinh thần, tết là nguồn cội, là quê hương, là nơi lưu giữ những điều tuyệt vời nhất với bất cứ ai là người Việt.

Đó là hàng rào hàng giậu của một miền quê với chức năng là hàng lũy xanh thân thiện giúp con người ta sống gần với nhau hơn. Đó là ngõ nhỏ với những con người luôn sống giản dị, ít màu mè, khoa trương, không đòi hỏi gì cho mình mà luôn sẵn lòng chia sẻ với mọi người. “Mỗi khi chiều xuống, khói lam dâng ngập không gian thứ mùi vị thân thuộc của cuộc sống thường ngày”. Đó là cuộc sống thanh bình trong ngõ nhỏ tưởng đơn sơ mà giàu có vô cùng.

Đó còn là một miền ký ức gắn với con người cụ thể, đó là bà lão trong truyện: “Vườn cây trong ngõ”, sống nhân hậu, chết cũng thật nhẹ nhàng. Ở trong tâm hồn bà lão ẩn sâu là những điều khó nói nên lời, là vùng ký ức với người lính đã hy sinh. Mãi mãi bà lão sống với miền ký ức ấy. “Tiếng thở dài khe khẽ” của vòm cây, hay lòng người, câu văn nhẹ nhàng như một chiếc lá rơi mà xao động lạ.

“Giống như bao trẻ quê khác, tôi mơ ước tết. Tết đồng nghĩa với niềm vui, no đủ, được ăn những món ngon, được nhận tiền mừng tuổi, được đi chơi thoải mái”. Tết là được nhận lộc nước từ giếng làng. Tác giả có những câu văn thật ngây thơ, sáng trong thế này: “Tôi hoài nhớ cái giếng làng chị em tôi thường gánh nước. Lòng giếng có những cành dương xỉ xòa xanh bên mấy phiến đá ong rêu phong cổ kính. Dưới đáy nước trong vắt, đúng vào giữa trưa, khi mặt trời đứng bóng tôi vẫn đếm đủ bảy chú cá rô bơi lội tung tăng. Chẳng biết ai đã thả chúng và thả từ bao giờ?”.

Thái Hương Liên là nhà văn của một miền ký ức, mà ai đó đọc cũng thấy mình trong đó. Trong một đoản văn có một cái tên rất thơ như là: “dấu xưa rêu đã phủ đầy”, tưởng chừng như không thể thơ hơn khi tác giả nói về chuyện nuôi lợn.

Nhiều năm tháng đã qua đi. Đàn lợn lớn lên, vui buồn cùng tuổi thơ tôi. Những chú lợn cùng chúng tôi đi qua đường dài gian khó. Đôi khi những điều đó vẫn còn trở lại trong giấc mơ của nhân vật tôi và khi qua trở lại ngôi nhà cũ, nhân vật tôi vẫn hay nhìn vào góc năm nào từng cái chuồng nhỏ và thấy lòng mình chùng xuống.

Có lẽ là những người từng đi qua năm tháng ấy, thấy gắn bó yêu thương với từng đồ vật, cảnh vật, và từng vật nuôi bé nhỏ, mới thấu hiểu cái cảm giác thi vị ấy. Văn cũng là người, Thái Hương Liên mang sẵn trong mình một tâm hồn thật bé thơ, dẫu năm tháng gió sương có đi qua nhọc nhằn đến cỡ nào.

Giờ này, những cơn gió cuối của mùa đông đang đến, đọc những câu văn này của Thái Hương Liên mới thấy đậm đà hồn Việt.

“Ờ mà cũng nên sắm sanh chút đỉnh cho mình, quanh năm vất vả rồi, chiếc áo đã sờn vai, chiếc quần đã bạc màu, đôi dép cũng mòn vẹt. Tết nhất phải cho xôm chứ lị. Cứ thế, câu chuyện râm ran khắp những chân ruộng mùa đông, mặc cho gió bắc lồng lộng thổi dưới bầu trời xám xịt và tay chân tê buốt, đỏ lựng”.

Đúng là nếu có mệt nhoài với phố phường, hãy thả lỏng cơ thể về quê để cùng đắm chìm trong không khí mộc mạc ấy. Về cùng đồng ruộng, bạn sẽ nghe lòng mình rạo rực nhưng bình yên và thêm vững vàng trước cuộc sống còn nhiều bộn bề.

Văn hóa là hồn cốt, là gương mặt của dân tộc. Tác giả Thái Hương Liên đã gọi tên nét văn hóa thôn quê tại những phiên chợ quê ngày tết. Mang sẵn tâm hồn nồng hậu, tác giả đã chỉ ra nét đặc biệt và rất đáng yêu của “người nhà quê”, đó là người nông dân một nắng hai sương, chắt chiu, tằn tiện trong từng phiên mua bán. Dạo bước những lều lá dẫu có liêu xiêu mà thêm yêu thêm nhớ tình người ở những thôn quê chân chất mộc mạc. Mộc mạc trong tính cách Việt đó là sự chắt chiu, tần tảo, chịu thương, chịu khó.

Tôi đã từng thích thú và hạnh phúc khi những năm tết xưa được mẹ cho một đôi dép mới. Và tôi như được quay ngược lại năm tháng ấy, qua một đoạn văn nhỏ của tác giả Thái Hương Liên về “đôi dép nhựa”. Đúng là cảm giác trong thiếu thốn, khó khăn nhưng luôn được sự yêu thương của cả gia đình nó mới hạnh phúc làm sao. Mùa xuân, đi chơi trong đôi dép mới đó mãi là niềm hạnh phúc trong trẻo đầu đời của những cô bé cậu bé mới lớn.

Vậy nên, các bạn ạ, tết là vậy đó. Người trẻ yêu tết vì đó là niềm ríu rít hạnh phúc. Người già nhớ tết vì đó mãi là miền ký ức ngọt ngào. Chúng ta hãy trao cho nhau những điều tốt đẹp ấy trong những ngày Tết cổ truyền. Tết là phải vui, là đầm ấm và tròn đầy bởi mùa xuân luôn là một mùa đẹp, khởi đầu một năm mới mà.

Văn của Thái Hương Liên đẹp như một dải lụa. Tôi luôn có cảm giác tâm hồn của tác giả luôn tròn đầy và trong sáng. Ngẫm mà xem bạn nhé: “Mùa nối mùa đi qua và trả vào lòng người yêu nó những hoa thơm quả ngọt nghĩa tình”!.

Nguyễn Hường (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nho-oi-la-tet-nbsp-du-am-ngot-ngao-35237.htm
Zalo