Nhìn từ những xáo trộn ở Mỹ Latinh

Từ khi chưa nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa khu vực Mỹ Latinh bằng thuế quan và thậm chí là sáp nhập lãnh thổ, cho thấy Mỹ Latinh sẽ là trọng tâm được ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông.

Ông Trump và đội ngũ cố vấn tập trung vào nhiều mối quan ngại ở Mỹ Latinh như vấn đề di cư, ảnh hưởng của Trung Quốc và buôn bán ma túy, fentanyl. Trong khi chính quyền cựu Tổng thống Biden thường cố gắng giải quyết các vấn đề này theo cách đa phương, thì ông Trump lại công khai đe dọa đối với từng quốc gia riêng lẻ.

Tranh giành ảnh hưởng

Sau khi ông Trump đe dọa áp thuế 25% lên hàng hóa của Mexico nếu nước này không có hành động mạnh mẽ hơn về vấn đề di cư và kiểm soát ma túy, lập tức Mexico đã thực hiện vụ bắt giữ fentanyl lớn nhất từ trước đến nay. Nước này cũng đã triển khai hàng loạt vụ bắt giữ người di cư hướng lên phía Bắc và cho biết sẵn sàng tiếp nhận công dân Mexico nếu Mỹ thực hiện trục xuất hàng loạt.

Ecuador đang nỗ lực trấn áp các băng đảng tội phạm.

Ecuador đang nỗ lực trấn áp các băng đảng tội phạm.

Đe dọa về việc sáp nhập lãnh thổ đối với kênh đào Panama khiến các nhà lãnh đạo khu vực lo ngại. Panama là đối tác thân cận của Mỹ và thường hợp tác với các mục tiêu chính sách đối ngoại của Washington. Gần đây nhất, Panama phối hợp với Mỹ để tăng cường thực thi các biện pháp kiểm soát di cư. Chính phủ Panama lập tức phản bác ông Trump đối với tuyên bố về sáp nhập. Trong một tuyên bố công khai, Tổng thống José Raul Mulino khẳng định rằng “chủ quyền và độc lập của đất nước chúng tôi là không thể thương lượng” và bác bỏ cáo buộc về việc Trung Quốc kiểm soát kênh đào như lời ông Trump đưa ra trước đó.

Trong khi căng thẳng giữa Panama và Mexico với ông Trump diễn ra trên phương diện song phương, tiến triển của thỏa thuận thương mại Mercosur - Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 12/2024 vừa qua có thể được coi là một phản ứng tập thể của Nam Mỹ trước nguy cơ quan hệ không thuận lợi với Mỹ trong nay mai. Những hành động đa phương khác có thể diễn ra thông qua các diễn đàn khác, chẳng hạn như Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) hoặc nhóm họp theo Tuyên bố Los Angeles về di cư và bảo vệ.

Một số lãnh đạo khác lại hy vọng hưởng lợi từ việc ông Trump tập trung vào khu vực này. Tổng thống Argentina Javier Milei là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên nói chuyện với ông Trump sau khi ông đắc cử. Hiện ông Milei đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về chương trình vay mới (Mỹ là cổ đông lớn nhất của IMF). Năm 2018, với mối quan hệ của người đứng đầu với ông Trump, IMF đã cấp cho Argentina khoản vay lớn nhất trong lịch sử của quỹ. Giờ đây, ngay cả đối với các nhà lãnh đạo quốc gia không hoàn toàn ủng hộ ông Trump như ông Milei, chính quyền Mỹ vẫn có thể mang đến cơ hội mới. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào cách Nhà Trắng thực hiện chiến lược kinh tế của mình.

Mauricio Claver-Carone, người được ông Trump chỉ định làm đặc phái viên về Mỹ Latinh, đã lập luận trong bài viết trên Tạp chí Americas Quarterly vào tháng 7/2024 rằng cần có các bước đi mạnh mẽ để khuyến khích đầu tư mới từ Mỹ vào khu vực Mỹ Latinh. Các biện pháp này bao gồm việc Chính phủ Mỹ tài trợ cho cơ sở hạ tầng khu vực và một lộ trình rõ ràng hơn để tham gia các thỏa thuận thương mại tự do như Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA). Tuy nhiên, không rõ liệu Quốc hội Mỹ có chấp thuận những kế hoạch này hay không.

Ông Trump và các cố vấn hàng đầu của mình thường xuyên nhấn mạnh mong muốn chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ Latinh, nhưng nhiệm kỳ đầu của ông cũng cho thấy các biện pháp quá cứng rắn, như áp thuế, có thể phản tác dụng. Nhiều quốc gia đã chọn cách tăng cường quan hệ với Trung Quốc như một biện pháp cân bằng.

Cơ hội về khí hậu

Vấn đề khí hậu, vốn không được chú trọng một cách nghiêm túc trong đời sống chính trị Mỹ Latinh, tuy nhiên, trong năm 2025, một số lãnh đạo tự nhận là nhà bảo vệ môi trường sẽ có cơ hội quan trọng để chứng minh điều đó. Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2025 (COP30) sẽ được tổ chức tại Belém, Brazil vào tháng 11. Sau khi chỉ đạt được một thỏa thuận mơ hồ về mục tiêu chính là tài chính khí hậu tại hội nghị ở Azerbaijan năm 2024, các nhà đàm phán tại Brazil lần này sẽ có cơ hội để dẫn dắt một thỏa thuận tham vọng hơn. Năm 2025 cũng sẽ cho thấy liệu các cam kết của Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum về việc mở rộng cơ sở hạ tầng điện xanh của nước này có thực sự hiệu quả hay không.

Trong một động thái có tác động toàn khu vực, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD và Great Wall Motor dự kiến bắt đầu lắp ráp ô tô tại Brazil trong năm 2025 - mặc dù nhà máy của BYD gần đây bị tạm dừng để điều tra về lao động cưỡng bức. Việc tăng sản lượng có thể kéo giá xe điện giảm xuống trên khắp Mỹ Latinh. Theo Bloomberg NEF, doanh số bán xe điện chở khách trong khu vực đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2023-2024, nhưng vẫn chiếm chưa đến 7% tổng số xe chở khách được bán ra.

Hợp tác an ninh

Khi tội phạm có tổ chức hoành hành tại Mỹ Latinh, các cơ quan thực thi pháp luật từ nhiều quốc gia cam kết chia sẻ thêm thông tin với nhau và triển khai các chiến lược mới thông qua quan hệ đối tác, được khởi động vào tháng 12/2024, với nhóm gồm Ngân hàng Phát triển Mỹ (IDB), Ngân hàng Thế giới (WB), Cộng đồng Caribe (CARICOM) và Interpol. 18 quốc gia đã tham gia, nhưng Mexico và Colombia không nằm trong số đó.

IDB cho biết sẽ dành 1 tỷ USD trong năm 2025 cho các chiến lược an ninh dựa trên bằng chứng. Nathalie Alvarado, lãnh đạo cấp cao của IDB, nói rằng họ ủng hộ việc chuyển từ “các chính sách phản ứng và đàn áp, vốn là tiêu chuẩn, sang các chính sách mang tính chủ động và phòng ngừa hơn”.

Quan hệ đối tác này cung cấp nguồn lực tổ chức và tài chính để theo dõi và tư vấn về các chính sách an ninh một cách đa phương - điều hiếm gặp ở khu vực này trước đây. Một trong những dự án đầu tiên loại này đang được thực hiện tại Ecuador, để chống lại tình trạng gia tăng mạnh mẽ của tội phạm ở quốc gia này.

Huy Thông

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nhin-tu-nhung-xao-tron-o-my-latinh-i758643/
Zalo