Bài toán nan giải của Hải quân Mỹ và chờ đợi hành động từ Tổng thống Trump

Tổng thống Donald Trump vừa chỉ đạo rà soát những nguồn lãng phí tại Bộ Quốc phòng Mỹ, khiến ngành đóng tàu quân sự, vốn thường xuyên bị chỉ trích, đứng trước yêu cầu cải cách.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa giao một nhiệm vụ mới cho Bộ Hiệu suất Chính phủ (DOGE) do tỉ phú Elon Musk lãnh đạo, đó là giúp phát hiện hàng tỉ USD lãng phí tại Bộ Quốc phòng, bao gồm khoản chi tiêu mà chính quyền ông Trump gọi là “mớ hỗn độn” trong ngành đóng tàu quân sự Mỹ.

Động thái này mở ra cánh cửa cho DOGE tìm cách tinh giản bộ máy quan liêu liên bang giám sát ngành đóng tàu quân sự, một lĩnh vực đang chật vật trong việc thiết kế, mua sắm và chế tạo tàu chiến cho Mỹ.

Tờ Business Insider dẫn nhận định từ nhà phân tích hải quân rằng vấn đề khiến tiến độ đóng tàu bị trì hoãn và chi phí đội lên là sự suy thoái của ngành công nghiệp đóng tàu Mỹ cũng như lực lượng lao động trong ngành ngày càng thu hẹp.

 Tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Những vấn đề đang tồn đọng

Hải quân Mỹ hiện là lực lượng hải quân mạnh nhất và tiên tiến nhất thế giới, nhưng các chương trình trọng điểm và ngành công nghiệp quốc phòng hỗ trợ lực lượng này đang gặp nhiều khó khăn.

Đã có hàng loạt chương trình thất bại, chẳng hạn tàu tác chiến ven bờ (Littoral Combat Ship), một số trong đó hiện bị loại biên sớm hàng chục năm so với dự kiến. Một số tàu khu trục lớp Zumwalt - vốn trong nhiều năm không rõ nhiệm vụ và hệ thống vũ khí sẽ sử dụng cũng bị loại biên. Mỗi tàu khu trục này tiêu tốn khoảng 8 tỉ USD.

Việc phát triển tàu sân bay USS Gerald R. Ford cũng bị cản trở do các yêu cầu thay đổi liên tục và việc tích hợp hàng chục công nghệ mới. Con tàu được bàn giao trễ nhiều năm so với kế hoạch, với tổng chi phí lên đến khoảng 13 tỉ USD.

Ngay cả ở thời điểm hiện tại, nhiều chương trình trọng điểm vẫn đang bị trì hoãn nghiêm trọng. Năm ngoái, một báo cáo của Hải quân Mỹ cho thấy các dự án đóng tàu quân sự quan trọng, bao gồm tàu ngầm mới và tàu mặt nước, đang bị chậm tiến độ nhiều năm và chi phí tiếp tục bị đội lên.

Những dự án bị ảnh hưởng bao gồm tàu ngầm tấn công lớp Virginia Block IV, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Columbia, khinh hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Constellation, và tàu sân bay tiếp theo thuộc lớp Ford – USS Enterprise. Mức độ chậm trễ khác nhau, nhưng hầu hết đều trễ lịch ít nhất một đến hai năm.

Việc thiết kế và đóng mới những tàu chiến này do Bộ Chỉ huy Hệ thống Biển Hải quân giám sát, với lực lượng nhân sự hơn 75.000 người, bao gồm dân sự và quân sự.

 Tàu sân bay USS John F. Kennedy đang được thi công. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Tàu sân bay USS John F. Kennedy đang được thi công. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Nguyên nhân là gì?

Các nhà lập pháp, quan chức, tổ chức giám sát chính phủ và chuyên gia đã chỉ ra những vấn đề trong ngành đóng tàu quân sự của Mỹ, bao gồm sự suy yếu của ngành công nghiệp trong nước, những bất cập về ngân sách và tiến độ, cũng như các thay đổi thiết kế vào phút chót.

Những thách thức khác bao gồm ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng và sự sụt giảm lực lượng lao động.

Các quan chức Hải quân Mỹ, nhà phân tích và chuyên gia trong ngành cho rằng ngân sách quốc phòng không ổn định, yêu cầu và ước tính chi phí của Hải quân liên tục thay đổi, cùng với năng lực sản xuất trong nước suy giảm đã làm xói mòn năng lực đóng tàu quân sự trong nhiều thập niên qua.

Nền công nghiệp quốc phòng đã thu hẹp, khiến Hải quân Mỹ phụ thuộc vào một số ít nhà máy đóng tàu để thiết kế và chế tạo. Chính vấn đề này cũng gây ra hạn chế trong bảo trì và sửa chữa. Năng lực sản xuất trong nước có giới hạn, trong khi các xưởng đóng tàu quốc tế lại không thể tham gia do các quy định hiện hành.

Bà Mackenzie Eaglen - chuyên gia cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ - từng viết rằng Hải quân Mỹ cần phá vỡ cái mà bà gọi là “vòng luẩn quẩn”. Chi phí đóng tàu, bảo trì và sửa chữa không ngừng tăng khi hạm đội ngày càng già cỗi và thu hẹp quy mô. Trong quá trình đó, các vấn đề mới về đóng tàu lại tiếp tục phát sinh. Trong khi Hải quân Mỹ chỉ trích các nhà máy đóng tàu, thì phía nhà máy lại than phiền về chi phí lao động tăng cao, áp lực lạm phát và sự bất ổn của ngân sách.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính rằng theo kế hoạch đóng tàu năm 2025 của Hải quân, tổng chi phí trung bình sẽ lên tới 40 tỉ USD/năm từ năm 2024 trong vòng 30 năm tới, cao hơn khoảng 17% so với ước tính của Hải quân. Điều này diễn ra trong bối cảnh Hải quân Mỹ ưu tiên mở rộng hạm đội với hỏa lực phân tán hơn, đặt mục tiêu đạt 390 tàu chiến vào năm 2054.

CBO nhận định rằng kế hoạch này sẽ gây áp lực lên nền công nghiệp đóng tàu của Mỹ, đồng nghĩa với việc “trong 30 năm tới, các xưởng đóng tàu trong nước sẽ phải sản xuất số lượng tàu chiến lớn hơn đáng kể so với 10 năm qua”. Đặc biệt, tốc độ sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ cần phải tăng đáng kể.

Vì sao vấn đề đóng tàu quân sự quan trọng với Mỹ?

Đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Mỹ là Trung Quốc hiện đang dẫn đầu thế giới về đóng tàu. Theo Business Insider, Bắc Kinh đã mở rộng hải quân bằng cách tận dụng cả xưởng đóng tàu thương mại và quân sự.

Chuyên gia cho rằng Hải quân Mỹ không thể theo kịp về số lượng, nhưng vẫn có lựa chọn khác. Lực lượng này đang tìm cách duy trì tốt hơn các tàu mặt nước và tàu ngầm, kéo dài tuổi thọ của một số khí tài, giải quyết tồn đọng bảo trì và ưu tiên phát triển các hệ thống tự động.

Việc DOGE có nhắm vào ngành đóng tàu khi điều tra Bộ Quốc phòng Mỹ hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Bộ này có rất nhiều khoản chi tiêu lãng phí, và đây cũng là vấn đề được cả hai đảng quan tâm, theo các chuyên gia.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/bai-toan-nan-giai-cua-hai-quan-my-va-cho-doi-hanh-dong-tu-tong-thong-trump-post833952.html
Zalo