Nhiều ý kiến góp ý vào các dự án luật liên quan đến cải cách tư pháp
Chiều 29/4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Huế đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về các dự án luật quan trọng, bao gồm: Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan Điều tra Hình sự (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân, và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Thị Sửu kết luận hội nghị
Đây là dịp để các cơ quan, tổ chức và đại biểu đóng góp ý kiến, hoàn thiện các dự án luật quan trọng, góp phần tạo nên nền tảng pháp lý vững chắc cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân và bảo đảm công lý trong xã hội.
Cải cách tổ chức và tinh gọn bộ máy
Tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Huế Nguyễn Thị Sửu cho biết, các dự án luật này sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Trong đó, trọng tâm thảo luận là việc sửa đổi, bổ sung quy định để tinh gọn bộ máy các cơ quan tiến hành tố tụng, điều tra và xét xử, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự. Đặc biệt, mục tiêu là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời đảm bảo tính công bằng và công khai trong quy trình tố tụng.
Một trong những điểm nổi bật trong dự thảo sửa đổi là việc cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan tố tụng và điều tra. Cụ thể, cơ quan điều tra hình sự dự kiến tổ chức theo mô hình hai cấp: Cấp bộ và cấp tỉnh, bỏ cấp huyện. Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân cũng dự kiến sẽ tổ chức theo mô hình ba cấp: Tối cao, tỉnh, khu vực, bỏ cấp huyện và cấp cao. Điều này phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy nhà nước, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tố tụng.
Một đề xuất đáng chú ý trong dự thảo là việc bổ sung quy định cho phép điều tra và truy tố vắng mặt trong một số trường hợp cần thiết. Ngoài ra, các cơ quan Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư không còn thẩm quyền khởi tố, điều tra, mà chỉ có thể xác minh và chuyển hồ sơ trong 7 ngày khi phát hiện hành vi phạm tội quả tang.
Một trong những kiến nghị đáng chú ý tại hội nghị là đề xuất của Bộ đội Biên phòng TP. Huế về việc bổ sung thẩm quyền điều tra đối với tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" (Điều 255 Bộ luật Hình sự) cho một số chức danh trong lực lượng này.
Theo Điều 23 của dự thảo Luật Tổ chức cơ quan Điều tra Hình sự (sửa đổi), Bộ đội Biên phòng có thẩm quyền điều tra 52 tội danh, trong đó chỉ có Đồn Biên phòng vùng sâu, vùng xa mới được khởi tố và điều tra tội danh tại Điều 255. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tội danh này chủ yếu phát sinh tại các khu vực trung tâm, nhà nghỉ, quán karaoke trong địa bàn biên giới, đặc biệt tại các khu du lịch, nơi không nằm trong phạm vi của các đồn vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là loại tội phạm nguồn, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng.
Do đó, Bộ đội Biên phòng TP. Huế đề xuất bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra tội danh này cho các chức danh: Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm, Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh/thành phố và Đồn trưởng Đồn Biên phòng. Đề xuất này nhằm mở rộng phạm vi đấu tranh với tội phạm ma túy, đặc biệt trong các khu vực biên giới, góp phần bảo vệ an ninh trật tự.

Đại diện Trường Đại học Luật góp ý tại hội nghị
Đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự và các hình phạt
Trong phần góp ý về Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nhiều đại biểu đã đề xuất mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội, đặc biệt là đối với các tội danh nghiêm trọng như mua bán người, sản xuất và tiêu thụ hàng giả, thuốc giả. Việc quy định rõ ràng hành vi chuẩn bị phạm tội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật và tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm.
Đáng chú ý, có đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 8 trong số 18 tội danh hiện hành, thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Đề xuất này nhằm bảo đảm tính răn đe, đồng thời thể hiện sự nhân đạo trong việc xử lý tội phạm. Các đại biểu cũng nhấn mạnh việc bổ sung quy định loại trừ trách nhiệm hình sự trong thử nghiệm công nghệ mới, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Đảng.
Một số tội danh liên quan đến môi trường, ma túy… cũng được đề xuất nâng khung hình phạt, cả về mức phạt tù lẫn tiền, bảo đảm tính răn đe và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sống bền vững.
Đại diện Trường Đại học Luật, ĐH Huế có những góp ý quan trọng đối với dự thảo luật. Cụ thể, đại diện trường này đề nghị mở rộng các quy định về hành vi "chuẩn bị phạm tội" trong một số điều luật. Hiện nay, nhiều quy định chưa mô tả chi tiết hành vi chuẩn bị phạm tội, gây khó khăn trong việc áp dụng và hạn chế hiệu quả của công tác phòng ngừa, tuyên truyền. Đại diện Trường Đại học Luật đề xuất đưa ra một số biểu hiện cụ thể của hành vi này để nâng cao nhận thức pháp lý trong cộng đồng.
Ngoài ra, đại diện Trường Đại học Luật cũng bày tỏ băn khoăn về đề xuất sửa đổi tên gọi hình phạt và kết cấu các điều luật liên quan. Đối với hình phạt tù chung thân, đại diện Trường Đại học Luật đề xuất cần có quy định rõ ràng hơn, tránh áp dụng máy móc và cần thận trọng với đề xuất "tù chung thân không xét giảm án", vì điều này có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền lợi của người phạm tội khi đã cải tạo tốt trong thời gian thụ án. Đồng thời nhấn mạnh, việc bố trí lại các điều luật trong Bộ luật Hình sự cần giữ nguyên số thứ tự điều luật để đảm bảo tính ổn định và thuận tiện trong việc tra cứu, áp dụng pháp luật.
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Thị Sửu ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến của các đơn vị, ngành liên quan. Bà Sửu cho rằng, những ý kiến được đóng góp tại hội nghị hoàn toàn xác đáng, sát với thực tiễn hiện nay. “Chúng tôi sẽ tổng hợp các ý kiến và chuyển đến Quốc hội trong kỳ họp tới”, bà Sửu nói.