Nhiều người vẫn chưa quay trở lại công việc sau Tết
Dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã kết thúc từ lâu nhưng nhiều người vẫn chưa quay trở lại guồng quay công việc. Quan niệm 'Tháng Giêng là tháng ăn chơi' khiến không ít lao động trì hoãn ngày đi làm, gây ảnh hưởng đến tiến độ công việc và hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
Anh Bình, Giám đốc một Công ty chuyên về xây dựng tại Hà Nội chia sẻ, công ty anh sau ngày mùng 6 âm lịch (ngày họp mặt đầu năm) thì mọi người về lại quê và vẫn chưa gặp lại nhau. Sau buổi họp mặt đầu năm ấy gần như không có ai lên công ty làm việc.
"May là năm nay chưa có công trình nào yêu cầu tiến độ gấp, chứ không thì tôi không biết xoay sở ra sao. Nhớ có năm tôi phải đau đầu vì tiến độ công trình gấp, đối tác liên tục gọi điện giục tiến độ, mà nhân viên thì vẫn rệu rã không muốn đi làm. Đuổi việc thì không đành, vì không phải dễ tuyển người có kinh nghiệm, mà để lại cũng không xong", anh Bình cho hay.
Giống với anh Bình, cửa hàng giày dép online của chị Vân (33 tuổi, TPHCM) vẫn chưa thể quay lại hoạt động sau Tết. Lý do là nhân viên của chị vẫn chưa ai chịu quay lại làm việc.

Nhân viên công ty của anh Bình 10h sáng vẫn chưa ngủ dậy vì tối hôm trước uống nhiều rượu (Ảnh chụp ngày 16/1 âm lịch - sau Rằm tháng Giêng). Ảnh: NVCC.
"Tuy là bán hàng online nhưng tôi không thể vận hành một mình được. Để có một phiên live tôi cần 2-3 người hỗ trợ, sau đó còn phải đóng hàng, gửi hàng... Thời điểm đầu năm lượng khách tất nhiên không thể được như cuối năm nhưng cửa hàng nghỉ lâu quá tôi cũng sốt ruột. Nhất là khi nhiều khách quen muốn mua hàng mà tôi lại chưa bán thì có thể sẽ mất khách", chị Vân thở dài nói.
Nguyên nhân nào khiến nhiều người chưa muốn đi làm lại sau tết?
Lương Khánh (25 tuổi, Lào Cai) chia sẻ, bản thân anh đến hiện tại vẫn chưa quay lại với công việc sau Tết, bởi cuối năm 2024 Khánh đã nộp đơn xin nghỉ việc.
"Công việc không khiến tôi mệt mỏi nhưng lại cảm thấy nhàm chán, khó bứt phá nên tôi không muốn làm nữa. Tôi muốn tìm một công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn, độ khó cao hơn. Với công việc như vậy sẽ giúp tôi phát huy được những sở trường của mình, cũng có thể tôi hơi tự tin về bản thân chăng?", Lương Khánh nói.
Khánh cũng cho hay, thời gian này bản thân Khánh sẽ coi như là thời gian để nạp lại năng lượng, chờ đợi cơ hội và chuẩn bị thêm cho mình những kỹ năng tốt nhất cho những cuộc phỏng vấn vào thời gian tới. "Hy vọng tôi sẽ tìm được một công việc phù hợp hơn khiến tôi yêu thích", Khánh bày tỏ.

Nhiều bạn trẻ vẫn uể oải, chưa thể tập trung cho công việc sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: NVCC.
Ngoài lý do "chờ đợi cơ hội mới" của Lương Khánh, nhiều người cũng đưa ra một số lý do khiến họ chưa trở lại với công việc sau Tết như: Tâm lý nghỉ Tết kéo dài khiến nhiều người vẫn chưa sẵn sàng để quay lại guồng công việc; Lương thưởng đợt cuối năm không như mong đợi khiến nhiều người chán nản muốn bỏ việc...
Nhiều người lao động ở xa quê có thể đã cân nhắc ở lại quê hương thay vì quay lại thành phố làm việc; Khó khăn tài chính sau Tết bởi chi tiêu nhiều trong dịp Tết có thể khiến một số người gặp khó khăn, không đủ chi phí để quay lại làm việc ngay; Không đủ điều kiện về sức khỏe như khi một số người có thể bị ốm hoặc ảnh hưởng bởi việc ăn uống, sinh hoạt không điều độ trong dịp Tết…
"Quan niệm "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" có từ thời xưa, khi người dân có thời gian rảnh rỗi sau mùa vụ để tham gia lễ hội, vui xuân. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, việc kéo dài thời gian vui chơi có thể sẽ gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế, làm giảm năng suất lao động.
Việc nghỉ ngơi sau Tết là cần thiết để tái tạo năng lượng, nhưng người lao động cũng cần sớm lấy lại tinh thần, tránh để ảnh hưởng đến công việc", chị Hạnh (45 tuổi) – chủ một doanh nghiệp kinh doanh về thời trang ở Hà Nội chia sẻ.