Nhiều người bị đột quỵ khi thời tiết nóng lạnh thất thường
Thời tiết có thể tác động trực tiếp đến nguy cơ bị đột quỵ khi quá lạnh, quá nóng hoặc khí hậu ẩm ướt, chênh lệch nhiệt độ trong ngày cao.
Sau Tết nguyên đán, nhiệt độ ở TP.HCM se lạnh vào ban đêm và buổi sáng, đến trưa bắt đầu nắng nóng, thậm chí oi ả. Có những thời điểm nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm ở TP.HCM lên tới 12 độ C.
Bệnh viện Nhân dân 115 vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân GDC (60 tuổi, TP.HCM) nhập viện do bị đột quỵ. Bệnh nhân kể, vào khoảng 5 giờ sáng khi vừa ngủ dậy, ông pha trà xong thì bỗng nhiên cảm thấy tay chân bủn rủn, không thể đứng vững được. Sau đó, ông được người nhà đưa đến cơ sở y tế gần nhà để cấp cứu và được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115.
Bỗng nhiên yếu liệt tay, chân
Bác sĩ ghi nhận bệnh nhân nhập viện có các triệu chứng liệt nửa người, chân và tay trái mất cảm giác. Với chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não, bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Do may mắn đến kịp giờ vàng nên sau điều trị, sức khỏe bệnh nhân gần như hồi phục.
Theo lời kể của bệnh nhân, trung bình mỗi ngày ông hút khoảng một gói thuốc lá, cạnh đó ông còn bị tăng huyết áp nhưng cho đến khi nhập viện mới biết. Đây chính là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
Mới đây, một bệnh viện tại TP.HCM tiếp nhận điều trị bệnh nhân LTN (47 tuổi, ngụ Cà Mau) bị đột quỵ não, xuất huyết não nguy kịch.

Bệnh nhân bị đột quỵ não, xuất huyết não nguy kịch được cứu sống. Ảnh: BVCC
Khai thác bệnh sử, trước nhập viện, bệnh nhân N bỗng nhiên đau đầu, chóng mặt và được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đột ngột đau đầu dữ dội, nôn ói. Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp bị đột quỵ não.
Bệnh nhân được chụp CT mạch máu não ghi nhận xuất huyết khoang dưới nhện bể trước cầu não, xuất huyết não thất hai bên do vỡ túi phình động mạch cảnh trong đoạn thông sau bên trái. Đây là bệnh cảnh nguy hiểm, cần can thiệp phẫu thuật để cầm máu, ngăn ngừa nguy cơ tái xuất huyết.
Bệnh nhân được phẫu thuật vi phẫu kẹp cổ túi phình mạch máu não. Quá trình phẫu thuật, ê-kíp đã đặt dẫn lưu não thất ra ngoài để dẫn lưu bớt dịch não tủy, kèm sử dụng thuốc chống phù não nhằm giảm tình trạng phù não.
Sau 2 giờ phẫu thuật, túi phình động mạch não được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi tuần hoàn mạch máu não, giải phóng chèn ép thần kinh vận nhãn của người bệnh. Hậu phẫu, bệnh nhân tỉnh, không yếu liệt, không dấu thần kinh sọ, vết thương khô lành tốt, không sốt.
Trời lạnh làm tăng nguy cơ bị đột quỵ
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não (Bệnh viện Nhân dân 115), cho biết tại Bệnh viện Nhân dân 115, trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến đầu năm sau, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện do xuất huyết não liên quan đến tăng huyết áp tăng rõ rệt.
Những bệnh nhân bị đột quỵ nhập viện chủ yếu là nam giới, có chung tình trạng huyết áp cao nhưng không dùng thuốc, thường xuyên uống rượu bia. Những người này bị xuất huyết não, một dạng đột quỵ rất nặng với tỉ lệ tử vong lên đến 50%.
Các nghiên cứu y học cho thấy thời tiết có thể tác động trực tiếp đến nguy cơ bị đột quỵ. Các yếu tố như thời tiết quá lạnh, quá nóng hoặc khí hậu ẩm ướt đều có thể kích hoạt đột quỵ.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não (Bệnh viện Nhân dân 115). Ảnh: NVCC
Theo bác sĩ Thắng, khi thời tiết lạnh chúng ta thường không uống đủ nước, dẫn đến cơ thể thiếu nước, làm gia tăng khả năng hình thành huyết khối. Thêm vào đó, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh có thể gây co dãn quá mức các mạch máu, làm tăng huyết áp và tăng hoạt động của tim.
Ở những người lớn tuổi hoặc có bệnh nền như tăng huyết áp, tình trạng này càng trở nên nguy hiểm hơn nếu không được kiểm soát tốt.
“Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mỗi khi thời tiết thay đổi, cơ thể chưa kịp thích nghi sẽ gây dao động huyết áp, đặc biệt vào thời điểm chuyển mùa. Đây là nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao, nhất là ở bệnh nhân cao huyết áp lớn tuổi, người không uống thuốc huyết áp đều đặn. Thủ phạm của 90% bệnh nhân xuất huyết não là do huyết áp tăng cao” - bác sĩ Thắng thông tin.
Do đó, người bệnh cần kiểm soát chặt chẽ các bệnh nền, đặc biệt là tăng huyết áp, vì huyết áp có thể tăng cao đột ngột khi thời tiết chuyển mùa. Người lớn tuổi, béo phì và có nhiều bệnh nền là những đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ.
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết tắm đêm không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đột quỵ. Tuy nhiên khi tắm đêm bằng nước lạnh có thể khiến nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột, các lỗ chân lông và mạch máu co lại ảnh hưởng đến tuần hoàn, nhịp tim, huyết áp dẫn đến tăng nguy cơ bị đột quỵ.
"Dù là mùa nắng nóng thì mọi người vẫn nên duy trì nhiệt độ nước tắm khoảng 25-30 độ C, tắm trước khi đi ngủ ít nhất 2 giờ và tắm theo trình tự từ dưới lên để cơ thể thích nghi với nhiệt độ" - bác sĩ Nghĩa lưu ý.
Cần chiến lược phòng ngừa đột quỵ
Theo bác sĩ Thắng, hiện điều trị đột quỵ tại nước ta đã có nhiều tiến bộ, biết được 90% nguyên nhân gây đột quỵ, người bệnh dễ dàng tiếp cận thuốc điều trị hơn, nhưng đáng nói tỉ lệ mắc đột quỵ không giảm mà lại tăng.
“Có thể khẳng định phòng ngừa đột quỵ rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện chúng ta chỉ tập trung vào những nhóm bệnh nhân nguy cơ cao mà chưa tập trung vào những nhóm nguy cơ thấp. Nếu làm được một kỹ thuật mới, giỏi lắm chỉ cứu được khoảng 1.000 người. Nhưng một chiến lược phòng ngừa tốt có thể cứu được hàng triệu người” - bác sĩ Thắng nhận định.
Cạnh đó, do thiếu những nghiên cứu về mặt dịch tễ học nên hiện nước ta chưa có con số thống kê chính xác tỉ lệ % người bị cao huyết áp, tiểu đường, tăng cholestorol máu, béo phì, hút thuốc lá... Đây là các nguy cơ thực chất của đột quỵ đang hiện hữu trong cộng đồng.
Một trong những giải pháp là ứng dụng kỹ thuật số để tiếp cận gần gũi với dịch tễ học mà lại ít tốn kém nhất. Cần có một bức tranh toàn cảnh về dịch tễ học mới có thể có những cách tiếp cận phù hợp hơn trong việc phòng ngừa bị đột quỵ.
Ngoài ra, phải hướng đến tầm soát trong cộng đồng, chú ý những nhóm bệnh nhân được đánh giá là nguy cơ thấp nhưng không hẳn là thấp.
Quy tắc vàng BEFAST nhận biết sớm đột quỵ
B – Balance (thăng bằng): Người bệnh có thể bị mất thăng bằng hoặc gặp khó khăn trong việc phối hợp vận động. Nếu thấy dấu hiệu này, cần lưu ý ngay.
E – Eyes (mắt): Nếu người bệnh đột ngột gặp vấn đề về thị lực, chẳng hạn như mờ mắt hoặc mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt, đó là dấu hiệu cảnh báo quan trọng.
F – Face (khuôn mặt): Quan sát khuôn mặt của người bệnh xem có bị xệ một bên hoặc lệch khi cười hay không.
A – Arm (tay): Yêu cầu người bệnh giơ cả hai tay lên. Nếu một tay yếu hoặc không thể nhấc lên, đó có thể là triệu chứng của đột quỵ.
S – Speech (lời nói): Kiểm tra khả năng nói của người bệnh. Nếu họ nói lắp bắp hoặc không nói được rõ ràng, đó là dấu hiệu cần chú ý.
T – Time (thời gian): Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số trên, cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Thời gian xử lý càng nhanh, khả năng hồi phục càng cao.