Sóng mãi gọi tên anh

Minh họa: Phan Nhân

Minh họa: Phan Nhân

Đà Lạt những ngày cuối thu, heo may xào xạc trải lá vàng. Màn sương mù buổi sớm giăng khắp đó đây. Trong màn sương mờ bảng lảng, một người phụ nữ trẻ chậm rãi bước trên hè phố, tay dắt theo bé gái chừng ba tuổi. Hai mẹ con lặng lẽ hướng về Trường Đại học Sư phạm.

Vừa bước chân vô cổng trường, mấy bạn sinh viên ùa ra, tiếng chào hỏi xen lẫn tiếng cười tíu tít. Sau một hồi chào hỏi, giọng người phụ nữ buồn buồn:

- Bữa nay mình đến trường chào tạm biệt các thầy, cô và các bạn, mình sẽ ra Trường Sa nhận công tác. “Hả! Bạn đi Trường Sa”. “Bạn được nhà trường giữ lại làm giảng viên mà”. “Bạn không ở lại thật sao”... Đôi mắt chớp nhanh như để kìm nén cảm xúc, giọng chùng xuống, người phụ nữ nói tiếp

- Mình quyết định rồi, mình sẽ đi Trường Sa mặc dù rất yêu quý mái trường này. Bốn năm học cùng các bạn, biết bao kỷ niệm đẹp, mình đi sẽ rất nhớ các bạn nhưng… mình phải đi…!

***

Trường Đại học Sư phạm Đà Lạt niên khóa 19xx, ngày khai giảng, sinh viên từ mọi miền Tổ quốc háo hức đổ về nhập trường. Trong đám đông tân sinh viên, nhiều đôi mắt đổ dồn tới một cô gái có cái tên rất dịu dàng: Hoài Thương. Hoài Thương đến từ một vùng quê với những đồi chè miên man thuộc huyện Bảo Lâm, cô sở hữu mái tóc đen bóng, dài tới ngang hông cùng khuôn mặt bầu bĩnh sáng như trăng rằm.

Sau ngày tựu trường, ổn định chỗ ở ký túc xá là sự hối hả của những buổi học tập.

Hai tháng học đầu tiên đi qua, Hoài Thương càng gây chú ý trong toàn trường bởi thành tích học tập nổi bật, đặc biệt cô còn sở hữu giọng hát thiên phú. Mỗi khi trường tổ chức giao lưu văn nghệ nhân một sự kiện gì đó, Hoài Thương lên sân khấu, cất tiếng hát làm mê đắm biết bao trái tim bởi chất giọng truyền cảm như ru của mình.

Hoàng Minh, anh lính hải quân vừa về phép vinh dự được nhà trường mời tham gia buổi giao lưu văn nghệ. Khi Hoài Thương xuất hiện trên sân khấu, anh lính đảo liền bị hớp hồn, đem lòng yêu cô sinh viên năm nhất. Đến tiết mục của Hoàng Minh, anh ngỏ ý muốn hát song ca cùng Hoài Thương, và cô đã đồng ý. Với chất giọng mạnh mẽ của chàng lính hải quân hòa cùng tiếng hát đằm thắm của Hoài Thương, tác phẩm "Gần lắm Trường Sa" kết thúc, tiếng vỗ tay vang dội khuôn viên trường đại học. Phía dưới sân khấu vang lên những tiếng: “Tuyệt quá”, “Hay quá”, “Cặp đôi hoàn hảo”, “Hát lại lần nữa đi”… Trước lời yêu cầu sôi động, chàng lính hải quân nắm tay Hoài Thương trở lại sân khấu cùng cái nhìn đầy tình ý như trao gửi thông điệp tình yêu. Đáp lại sự lãng mạn, mạnh mẽ đầy chất lính, Hoài Thương đã cùng Minh hát tiếp tác phẩm "Nơi đảo xa". Nơi anh đến là đảo xa, nơi anh đến là biển xa… Hai người vừa cất tiếng hát, khuôn viên sân trường như vỡ tung bởi tiếng vỗ tay, reo hò… Bài hát kết thúc, mọi người ào lên sân khấu. Hoàng Minh dang tay đón những bó hoa rực rỡ và trao hết cho Hoài Thương. Đang rạng rỡ nhận những bó hoa, nhanh, dứt khoát như người lính xung trận, Hoàng Minh bất ngờ đăt nụ hôn đầy tình tứ lên má Hoài Thương khiến tất thảy những ai có mặt vô cùng phấn khích. “Yêu nhau đi”, “Hôn nữa đi”, “Họ thật đẹp đôi”… Trước sự mạnh mẽ, đầy chất lính của Hoàng Minh, con tim Hoài Thương như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, khuôn mặt cô đỏ ửng giữa vòng vây của mọi người.

Sau buổi giao lưu, họ hẹn gặp nhau, bốn mắt thẹn thùng. Mất vài phút im nặng, sự mạnh mẽ, chân thành của Minh giúp cả hai cởi mở hơn: “Mình làm bạn nghe. Cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, cùng nâng đỡ nhau trong cuộc sống nghe…”.

Từ cuộc gặp gỡ ấy, cứ vài ngày họ lại gặp nhau, lúc dạo phố, khi cùng nhau ngồi bên tách cà phê nóng ven đường. Trong những buổi gặp gỡ ngắn ngủi, họ trao cho nhau ánh mắt yêu thương cùng những lá thư tay thay cho lời muốn nói. Tình yêu của cô sinh viên và anh lính đảo vừa chớm nở thì Minh trả phép. Họ chia tay bùi ngùi. Từ đó, những lá thư ngoài đảo xa liên tục bay về, những lá thư từ đất liền cũng thường xuyên được chuyển ra đảo. Lần đầu tiên nhận được thư của Minh, Hoài Thương đọc đến thuộc lòng: "Gửi em cô giáo tương lai. Em có biết ngoài đảo xa lộng gió, sóng biển ầm ào như lòng anh da diết nhớ em. Nhớ cao nguyên xa xôi nơi có người con gái anh thương. Em có biết biển khắc nghiệt vô cùng. Ngày nối ngày nắng đốt thịt da. Những cơn bão muốn cuốn phăng tất cả. Nhưng, anh và đồng đội vẫn kiên cường bám trụ, giữ đảo yên bình, giữ từng tấc đất của quê hương. Nhớ chiều Đà Lạt mình cùng dạo phố. Nắng gió đảo xa thèm một lần hít hà cái lạnh ngàn thông, thèm được nghe em thủ thỉ về những tiết học của mình, như tiếp thêm động lực để anh vững vàng trước bão tố phong ba… Ráng học tập và chờ anh em nhé…".

Sáu tháng xa nhau, những bức thư của Minh gửi về ngày một nhiều hơn. Bữa nay, khi xong tiết học cuối cùng, Hoài Thương bất ngờ nhận được tin, Minh về công tác trong đất liền. Thời gian như ngừng trôi khi Hoài Thương đón Minh nơi cầu cảng, họ ôm chặt lấy nhau, nước mắt rưng rưng.

Một tuần về công tác ngắn ngủi, thời gian rảnh, Minh dành trọn cho người yêu, anh đã đưa Hoài Thương về ra mắt bố mẹ. Hai người cũng đã ấn định ngày cưới khi Minh được nghỉ phép năm tới. Thời gian công tác đã hết, những buổi tối bên nhau đầy hạnh phúc cũng kết thúc bởi Minh phải trở ra đảo. Họ chia tay trong bịn rịn nhớ nhung.

Con tàu hải quân kéo hồi còi rời bến, đứng trên boong tàu nhìn bàn tay nhỏ bé của Hoài Thương vẫy mãi, Minh hét át tiếng con tàu: "Hãy tin anh, sớm thôi, anh sẽ về cưới em. Nếu mình có con, dù trai hay gái - Hải Dương là tên con nghe em!".

***

Tròn một tháng chia tay người yêu, nỗi nhớ da diết trong lòng xen lẫn nỗi lo. Vòng chu kỳ của phụ nữ đã quá mấy ngày khiến Hoài Thương càng bối rối. Cảm nhận trong cơ thể có những thay đổi bất thường và ngày càng rõ hơn. Một sinh linh nhỏ bé đang hiện diện trong cô. Vui đó, hạnh phúc đó nhưng sao lo quá! Có nên báo cho Minh? Bố mẹ nữa! Có thai ngoài ý muốn khi còn là sinh viên, bố mẹ sẽ phản ứng ra sao? Giận dữ, oán trách, bắt bỏ cái thai hay yêu thương! Còn thầy cô, bạn bè, phải đối mặt sao đây! Làm sao hoàn thành chương trình học tập…? Sau nhiều ngày trăn trở, Hoài Thương quyết định giấu gia đình nhưng viết thư báo tin vui cho Minh. Mấy lá thư gửi đi không thấy thư hồi âm khiến cô rất lo nhưng cô hoàn toàn tin tưởng ở Minh bởi sự yêu thương, chân thành anh dành cho cô. Chưa nhận được hồi âm của Minh, Hoài Thương vẫn quyết giữ con dù có cực khổ thế nào. Cô bắt đầu lên kế hoạch cho những ngày khó khăn phía trước. Trước mắt, phải gắng học thật tốt, kiếm việc làm thêm, tích lũy tiền bạc để chuẩn bị mọi thứ tốt nhất cho con chào đời.

Kết thúc kỳ học thứ nhất, Hoài Thương rời ký túc xá, thuê phòng trọ rẻ tiền và xin việc làm ở quán Cafe. Ban ngày, Hoài Thương lên lớp, tan học vội chạy đến quán làm thêm tới 23 giờ mới trở về. Tắm rửa, ăn uống qua quýt, Hoài Thương lao vào thêu ren mỹ nghệ, nhiều khi tới 2 giờ sáng mới đi ngủ, 4 giờ 30 đã dậy lo bài vở để tới trường.

Một buổi tối khi đang phục vụ khách, cô cảm thấy chân tay bủn rủn rồi ói thốc tháo. “Em sao vậy?" - chị chủ quán, tay đỡ Hoài Thương, miệng rối rít - "Có cần đi bệnh viện”. “Không sao đâu chị, tại em có thai, nôn chút là hết”. “Trời, có thai! Bạn trai em biết chưa, hay quất ngựa… rồi”. “Anh ấy là lính đảo, em chưa kịp báo”. “Ra vậy! Chị đã làm mẹ nên hiểu, có thai con so nó hành mệt lắm. Bữa nay vắng khách, chị cho người đưa em về nghỉ nghe”. “Cảm ơn chị, em tự về được ạ”. “Vậy em về đi, nghỉ ngơi cho khỏe hãy tới làm, chị không trừ lương đâu”. “Dạ, em biết ơn chị nhiều ạ…”.

Trên đường về, Hoài Thương tiếp tục bị cơn nghén hành hạ, cô ngồi thụp bên vệ đường, ói liên tục. Một anh lính đi cùng chiều, thấy vậy liền ngồi xuống bên cô gặng hỏi: “Cô gái, cô sao vậy, tôi có thể giúp gì cho cô không”. Ngẩng mặt lên nhìn thấy người thanh niên trong bộ đồ lính hải quân, Hoài Thương sững sốt: “Anh là bộ đội hải quân?”. “Vâng, tôi mới từ ngoài đảo trở về. Hình như cô không được khỏe, cô về đâu, tôi đưa về”.

“Dạ em ở khu nhà trọ phía trước kia”. Vậy là mình cùng đường, tôi cũng về khu nhà trọ ấy để gặp một người bạn gái của đồng đội tôi”...

Về tới phòng trọ, Hoài Thương mở cửa: “Anh vô nhà đi… Mời anh uống nước. Mà anh tìm ai ở khu trọ, em có thể giúp”. “Tôi tìm một cô sinh viên. Tôi đến trường đại học, mọi người nói, cô ấy đã chuyển về khu trọ này. Tên cô ấy là Hoài Thương”. “Hả! Hoài Thương… là em nè”. “Là em! Có phải… em là bạn gái của Minh”. “Dạ… Em và Minh quen nhau được mấy tháng khi anh ấy về phép, mới gặp khi anh ấy về công tác tháng trước…”. “Đúng là em rồi - đặt hai tay lên vai Hoài Thương, anh chậm rãi nói: “Tôi là Hoàng, bạn thân cũng là đồng đội của Minh. Minh gửi một lá thư và ít đồ nhờ mang về cho em”. Linh cảm một điều gì đó không bình thường, đón phong thư từ Hoàng, hai tay Hoài Thương run run mở bức thư. Lướt qua những dòng chữ quen thuộc, những hàng chữ như nhảy múa rối loạn trước mắt, cô hét lớn: "Không!", rồi gục xuống, ngất lịm. Mặc dù đã lường trước những gì có thể xảy ra nhưng Hoàng cũng không thể ngờ Hoài Thương lại ngất đi. Bất ngờ, bối rối, Hoàng vội dùng kỹ năng của người lính vội hô hấp với hi vọng Hoài Thương mau chóng tỉnh lại. Chừng mười phút, những cố gắng của Hoàng cũng được đền đáp. Đôi mắt ậc nước, hằn sâu sự đau đớn tột cùng từ từ mở ra, giọng cô tắc nghẹn: “Những điều Minh viết trong thư không phải là sự thật đúng không… không phải… không thể nào là sự thật… đúng không anh…?”.

***

Không thấy Hoài Thương tới trường, sau buổi học, hai người bạn thân vội vã đến phòng trọ. Bước vô phòng, Hoài Thương đang nằm, chiếc khăn ướt phủ trên trán. Chị chủ phòng trọ ngồi bên. “Hoài Thương sao vậy chị?”. Giọng chị chủ phòng trọ nho nhỏ: “Hoài thương vừa thiếp đi, để nó ngủ chút. Tội nghiệp con bé! Minh hy sinh. Đồng đội của cậu ấy về báo tin. Một con tàu lạ xâm nhập hải phận, các chiến sĩ hải quân lập tức tiếp cận ngăn chặn. Cuộc đấu súng nổ ra, chiếc tàu lạ bỏ chạy nhưng Minh bị thương quá nặng, không qua khỏi. Trước khi mất, Minh viết mấy dòng nhờ đồng đội mang về... Đau xót quá! Cậu ấy còn chưa biết mình đã có con!".

Hoài Thương chợt tỉnh lại, cô hét lớn "Minh!", rồi òa khóc nức nở khiến hai người bạn và chị chủ phòng trọ không cầm được nước mắt.

Cô bạn thân nhất ôm chặt Hoài Thương: “Mình biết, nỗi đau này quá lớn, nhưng bạn phải vượt qua, phải sống thật tốt. Vì đứa con và cả anh ấy. Bạn phải nuôi dạy nó trưởng thành, xứng đáng với sự hy sinh của cha nó”. “Đúng đó" - Chị chủ trọ tiếp lời - "Em phải sống thật tốt, phải nuôi con trưởng thành, ở bên kia thế giới Minh sẽ rất vui”.

Nhận được sự động viên, chăm sóc tận tình của hai người bạn và chị chủ phòng trọ, sự chuyển động mạnh mẽ của thai nhi tiếp thêm động lực giúp Hoài Thương vượt qua đau khổ, cô dần lấy lại thăng bằng, trở lại giảng đường và tiếp tục công việc làm thêm của mình.

***

Một ngày đầu thu, heo may xôn xao xuống phố, bé gái kháu khỉnh mang tên Hải Dương chào đời. Hạnh phúc rưng rưng khi thầy cô, bạn bè tới chúc mừng. Những món quà của mọi người đủ để bé Hải Dương dùng cả năm khiến Hoài Thương vô cùng cảm động. Hai người bạn thân luôn có mặt trong thời gian Hoài Thương nghỉ sinh. “Ráng nghe! Hai đứa mình sẽ cắt cử coi bé Hải Dương. Bài vở bọn mình sẽ ghi chép mang về cho cậu học tại nhà. Bé Hải Dương phải lớn lên khỏe mạnh, xinh đẹp để bố Minh không buồn”. Hoài Thương ôm chặt hai người bạn, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đau khổ. Bưng tô canh hầm chân giò bốc khói, bà chủ trọ giục Hoài Thương: “Ráng ăn nghe, em phải ăn nhiều để có sữa cho cháu bé. Hoàn cảnh thật éo le nhưng vẫn quyết giữ đứa trẻ, vừa học vừa làm để nuôi con thật sự quá khó khiến chị rất cảm kích. Chị cũng không giàu có nhưng, chị sẽ tặng hai mẹ con tiền phòng cho đến khi bé Hải Dương đi nhà trẻ. Giúp được em chút gì chị sẽ gắng làm…”.

“Em cảm ơn chị nhiều lắm, em sẽ gắng vượt qua thời gian khó khăn này, khi cháu bé cứng cáp, em sẽ đi làm để trả ơn cho chị".

***

Bé Hải Dương dần lớn lên, cuộc sống của Hoài Thương càng gặp nhiều khó khăn. Rất nhiều thứ phải chi tiêu trong sinh hoạt, học tập nên ba tháng sau sinh, Hoài Thương đều đặn làm thêm nơi quán cà phê, nửa khuya lại cặm cụi thêu ren mĩ nghệ. Cô gắng làm mọi việc chỉ mong đủ tiền chăm lo cho con. Nhưng số phận như thử thách, muốn vắt kiệt sức lực của cô. Bé Hải Dương rất hay đau ốm, tháng nào cũng phải đến viện ít nhất một lần khiến việc học tập và làm thêm của cô thường xuyên bị gián đoạn. Bữa nay bé Hải Dương lại nhập viện do sốt cao. “Bác sĩ ơi, ráng giúp con cháu, nó là tất cả với cháu…”. “Cháu yên tâm, bệnh viện sẽ dành tất cả những gì tốt nhất cho bé. Bé yếu từ trong bụng mẹ. Chắc cháu phải làm việc nhiều, ăn uống lại không đầy đủ dinh dưỡng nên bé yếu lắm…”.

***

Cuộc sống vất vả, khổ cực của hai mẹ con rồi cũng vượt qua khi bốn năm đèn sách đời sinh viên kết thúc. Nhận tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, Hoài Thương được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Nhận vinh dự ấy, thầy cô cùng bạn bè vây quanh chúc mừng nhưng quyết định của Hoài Thương làm bất ngờ tất cả. Trước những lời chúc mừng, giọng Hoài Thương đượm buồn: “Cảm ơn các thầy cô, cảm ơn các bạn đã yêu thương nhưng em quyết định ra Trường Sa giảng dạy. Em đã viết đơn tình nguyện và được các chú lãnh đạo tỉnh chấp thuận...".

***

Con tàu hú còi rời bến. Ngoài những chiến sĩ hải quân còn có mẹ con Hoài Thương. Mấy ngày đêm lênh đênh trên biển, con tàu cũng cập đảo Trường Sa khi bình minh vừa ửng phía xa đường chân trời.

Đón mọi người lên đảo là những vòng tay ôm, những nụ cười rạng rỡ của các chiến sĩ hải quân và Nhân dân trên đảo. Mẹ con Hải Dương nhận được sự quan tâm đặc biệt bởi Hải Dương vừa từ đất liền đến với đảo. Đặc biệt hơn nữa, bé còn là em bé nhỏ tuổi nhất trên đảo khi ấy. Những ngày trước đó, cả đảo đã xôn xao khi hay tin, bé là con của liệt sĩ Minh. Cả đảo đã truyền tai nhau về hai mẹ con và mối tình của mẹ bé cùng Minh. Nhận được sự đón tiếp, yêu thương như ruột thịt của mọi người, Hoài Thương vô cùng xúc động, nỗi nhớ Minh càng day dứt khiến nước mắt cứ trào ra không sao kìm được. Ngay lúc này, cô chỉ muốn đưa con tới phần mộ của Minh. Nhận thấy sự bồn chồn của Hoài Thương, Thượng tá - Đảo trưởng Nhật Tiến cùng mấy chiến sĩ lập tức đưa hai mẹ con tới mộ phần.

Quỳ trước phần mộ của Minh, giọng Hoài Thương tắc nghẹn: “Minh…! Em đã đưa con ra với anh nhưng… anh lại không thể ôm con… dù chỉ một lần. Vì đất nước thân yêu, anh đã cống hiến tuổi trẻ của mình. Ở bên anh, em cảm nhận được sự bình yên. Em và con sẽ sống xứng đáng với sự hi sinh của anh và những người đồng đội của anh, những chiến sĩ đã hi sinh để bảo vệ từng tấc lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc…".

Phía xa đường chân trời, bình minh trải vàng rực rỡ. Lớp lớp những con sóng xanh màu ngọc bích nối nhau xô bờ. Biển hôm nay êm đềm đến lạ. Tiếng sóng vỗ rì rầm như mãi gọi tên anh…

Truyện ngắn: DUY LƯU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202502/song-mai-goi-ten-anh-fe54562/
Zalo