Nhiều máy bay quay đầu khẩn cấp vì chó chạy trên đường băng
Một con chó hoang chạy lạc vào đường băng sân bay quốc tế John F Kennedy tại New York, Mỹ khiến nhiều máy bay phải quay đầu khẩn cấp và chậm giờ khởi hành.
Aviation A2z cho biết, sự việc xảy ra hôm 17/4 nhưng đến ngày 6/5 mới được các hãng hàng không và đại diện sân bay John F Kennedy tiết lộ.
Sự việc bắt đầu khi chuyến bay của JetBlue Airways hành trình Portland - New York đang trong quá trình tiếp cận đường băng sân bay John F Kennedy để hạ cánh. Ngay lập tức, kiểm soát không lưu đã ban hành lệnh khẩn cấp, yêu cầu máy bay hủy hạ cánh và bay vòng lại do có một con chó hoang trên đường băng.
Sau đó, hai chuyến bay khác của JetBlue và một chuyến bay của Endeavor Air cũng được chỉ đạo hủy bỏ việc hạ cánh, bay vòng lại để duy trì khoảng cách an toàn.

Nhiều chuyến bay quay đầu khẩn cấp vì chó hoang chạy lạc trên đường băng sân bay John F Kennedy. Ảnh: Airbus.
Trên mặt đất, chuyến bay của hãng Avianca Costa Rica cũng bị hoãn lại giờ khởi hành, khi các nhân viên kiểm soát điều chỉnh hoạt động đường băng để giải quyết sự xâm nhập của con chó.
Theo TTW, việc con chó xuất hiện trên đường băng tưởng là sự việc nhỏ nhưng đã gây ra hiệu ứng gián đoạn hoạt động của sân bay John F Kennedy - sân bay bận rộn nhất nước Mỹ. Mặc dù vấn đề cuối cùng đã được giải quyết mà không có sự cố nào, nhưng sự việc này đã đặt ra câu hỏi về tình trạng dễ bị ảnh hưởng của các sân bay liên quan đến động vật hoang dã.
Các chuyên gia hàng không đánh giá hành động của các kiểm soát viên không lưu trong sự cố này là rất sáng suốt, ngăn chặn tình hình nghiêm trọng hơn. Sau khi máy bay đầu tiên bay vòng lại, các kiểm soát viên nhanh chóng đưa ra các hướng dẫn tương tự cho những chuyến bay tiếp theo, giữ cho không phận được ổn định và đảm bảo rằng tất cả các máy bay đều tránh xa con chó hoang.

Những rủi ro liên quan đến động vật hoang dã tại sân bay trong các giai đoạn cất - hạ cánh của chuyến bay rất lớn. Ảnh minh họa: Photoshop.
Việc sử dụng thuật ngữ hàng không chính xác, chẳng hạn như lệnh "bay vòng lại, bay quanh", đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu sự nhầm lẫn và đảm bảo rằng các phi công thực hiện hành động thích hợp mà không do dự.
Mặc dù động vật hoang dã xâm nhập sân bay rất hiếm, nhưng những rủi ro liên quan đến chúng, đặc biệt là trong giai đoạn cất - hạ cánh của chuyến bay là rất đáng kể và đòi hỏi các biện pháp chủ động.
Sau sự cố, các chuyên gia cho rằng khi du lịch hàng không ngày càng phát triển thì các sân bay cũng phải đầu tư vào công nghệ tiên tiến phù hợp, để quản lý động vật hoang dã tại sân bay. Những cải tiến này có thể bao gồm tăng cường hàng rào bảo vệ, triển khai các hệ thống phát hiện động vật hoang dã tiên tiến hơn và giám sát chặt chẽ hơn các khu vực sân bay.