Nhiều hệ lụy pháp lý khiến phụ huynh bức xúc
Sau sự việc Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) bị tạm ngưng hoạt động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học của hàng trăm học sinh thì mới đây, Trường quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star) tại TP.Thủ Đức, TPHCM bị cưỡng chế thi hành án để bàn giao lại khu đất đã làm dấy lên nhiều lo ngại trong dư luận. Đây không chỉ là một câu chuyện pháp lý kéo dài mà còn đặt ra nhiều vấn đề về trách nhiệm của nhà trường trong việc bảo vệ quyền lợi của học sinh và phụ huynh.
Mập mờ thông tin
Những ngày qua, hàng trăm phụ huynh có con em đang học tại Trường quốc tế Ngôi sao Sài Gòn đang rất hoang mang khi thông tin ngôi trường con mình đang học sẽ bị cưỡng chế thi hành án. Theo đó, khu đất số 94, 811 tại phường Thạnh Mỹ Lợi (TP.Thủ Đức) được Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Á Châu (ACBA) cho Công ty Ngôi sao Sài Gòn thuê từ ngày 01/01/2017 - 31/10/2018. Sau thời gian thuê, hai bên ký thêm hợp đồng chuyển nhượng khu đất. Theo đó, Công ty Ngôi sao Sài Gòn có nghĩa vụ phải thanh toán đúng thời hạn để làm thủ tục sang tên quyền sử dụng. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, Công ty Ngôi sao Sài Gòn đã không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thanh toán, dù phía ACBA nhiều lần yêu cầu.
Trước tình hình này, ACBA khởi kiện ra Tòa án nhân dân (TAND) Quận 2 để hủy hợp đồng chuyển nhượng, đồng thời yêu cầu Công ty Ngôi sao Sài Gòn bàn giao lại đất và thanh toán tiền thuê phát sinh trong thời gian chiếm giữ. Xét xử sơ thẩm tháng 01/2020, TAND Q2 đã chấp nhận yêu cầu của ACBA. Công ty Ngôi sao Sài Gòn sau đó đã kháng cáo, nhưng không được TAND TPHCM chấp nhận tại phiên phúc thẩm. Đến tháng 10/2020, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Thủ Đức ban hành quyết định thi hành án, buộc Công ty Ngôi sao Sài Gòn phải giao trả đất và thanh toán tiền thuê.
Sau quyết định thi hành án, Công ty Ngôi sao Sài Gòn đã đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, vào ngày 07/5/2021, TAND cấp cao tại TPHCM giữ nguyên bản án phúc thẩm, khẳng định tính pháp lý của quyết định cưỡng chế. Ngày 03/5/2024, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Thủ Đức ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Đến ngày 29/7/2024, Chi cục tiếp tục yêu cầu nhà trường thông báo công khai việc chấm dứt hoạt động giáo dục tại khu đất này và chuẩn bị bàn giao đất.
Dù nhận được thông báo từ cơ quan chức năng, nhà trường lại chậm trễ trong việc cung cấp thông tin đến phụ huynh và học sinh. Đến cuối tháng 10/2024, khi lực lượng Thi hành án niêm yết quyết định cưỡng chế tại trường, phụ huynh mới biết về tình hình. Việc nhà trường không thông báo sớm về tình hình cưỡng chế đã khiến nhiều phụ huynh và học sinh lâm vào cảnh bất ngờ và bị động. Chị Yến N. - một phụ huynh có con học tại trường, cho biết: "Đây là thông tin rất quan trọng, nhưng chúng tôi không được biết trước. Đến khi thấy thông báo niêm yết cưỡng chế, chúng tôi mới tá hỏa. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch học tập của con tôi".
Theo thông báo, ngày 14/12/2024 sẽ là ngày cuối cùng trường hoạt động tại khu đất hiện tại. Sau đó, học sinh sẽ nghỉ đến ngày 12/02/2025 trước khi chuyển sang cơ sở mới tại số 577 Quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức). Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không tin tưởng vào khả năng trường có thể đón học sinh tại cơ sở mới đúng hạn, vì đây chỉ là cơ sở của một ngôi trường mẫu giáo cũ. Chị T. - một phụ huynh khác, chia sẻ: "Khu đất mới hầu như chưa có gì. Với thời gian gấp rút như vậy, tôi không nghĩ trường có thể chuẩn bị kịp để đảm bảo điều kiện học tập cho các con".
Hệ lụy cho học sinh và trách nhiệm của nhà trường?
Trong bối cảnh nghỉ học kéo dài từ tháng 12/2024 - 02/2025, nhiều phụ huynh lo ngại rằng, con em họ sẽ bị gián đoạn kiến thức, đặc biệt là những học sinh đang chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Với số lượng khoảng 300 học sinh, việc ngừng hoạt động đột ngột không chỉ gây rối loạn trong kế hoạch học tập mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Một số gia đình đã cân nhắc chuyển con sang trường khác, nhưng việc tìm trường phù hợp giữa năm học không phải là điều dễ dàng, đặc biệt với những trường quốc tế có chương trình giảng dạy tương đồng.
Theo nhiều phụ huynh cho biết, ngay tháng 6 và tháng 10/2024, nhà trường vẫn ký văn bản thỏa thuận với với phụ huynh để gửi con em vào học. Số tiền thực đóng trung bình mỗi cháu lên đến hàng tỷ đồng cho 5 năm học (từ năm 2024 - 2029). Sau khi nhận thấy tình hình không khả thi, phụ huynh nhiều lần gửi email tới nhà trường, mong muốn được nhận số tiền còn lại sau khi đã trừ tiền học năm học 2024 - 2025. Tuy nhiên, nhà trường không phản hồi. Tìm gặp Ban lãnh đạo nhà trường và Chủ trường, nhưng không gặp được ai. Cũng theo nhiều phụ huynh, hiện bà Võ Thị Phương Thảo - Chủ trường, người đại diện theo pháp luật và cũng là Tổng Giám đốc đã xuất cảnh, không còn ở trong nước. Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM cũng đã phát thông báo tìm bà Thảo do đã có hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Hiện, bà Thảo đã ủy quyền lại cho em ruột là ông Võ Nhật Minh nắm quyền điều hành nhà trường. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì phụ huynh muốn tìm ông Minh hay người có trách nhiệm của trường để làm rõ quyền lợi cũng không được.
Sự việc đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của Trường quốc tế Ngôi sao Sài Gòn trong việc bảo vệ quyền lợi học sinh. Dù biết trước về tình hình pháp lý, nhà trường đã không thông báo sớm và chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi để giảm thiểu tác động. Điều này khiến phụ huynh cảm thấy nhà trường thiếu minh bạch và không tôn trọng quyền lợi của học sinh. Trong khi chờ đợi các động thái khắc phục từ nhà trường, phụ huynh và học sinh vẫn cần sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chức năng để đảm bảo không một học sinh nào bị thiệt thòi trong hành trình học tập.