Điểm chung gây giật mình ở Mangione, Borgwardt và Kobayashi

Luigi Mangione, Ryan Borgwardt và Hannah Kobayashi có hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng đột ngột cắt đứt liên hệ với gia đình và chạy trốn, phản ánh áp lực nhiều người đang chịu đựng.

Ngày 4/12, CEO UnitedHealthcare, Brian Thompson, bị phục kích và bắn chết trên đường phố New York. Nghi phạm trong vụ án chấn động nước Mỹ là Luigi Mangione (26 tuổi) - người đã cắt đứt liên lạc với gia đình từ tháng 7.

Tuần trước, Ryan Borgwardt (45 tuổi) bị buộc tội sau khi dàn dựng một vụ tai nạn chèo thuyền kayak và giả chết trước rồi đi đến Đông Âu, bỏ lại vợ và 3 đứa con.

Tháng này, Hannah Kobayashi (30 tuổi) được tuyên bố là người mất tích tự nguyện sau khi cảnh sát Los Angeles cho biết cô đã đi đến biên giới Mỹ - Mexico và một mình vượt biên vào Mexico. Gia đình trình báo cô đã được "tìm thấy an toàn" nhưng chưa về Mỹ.

Một sinh viên tốt nghiệp Ivy League danh giá đến từ Maryland, một người đàn ông của gia đình đến từ Wisconsin, một nghệ sĩ nhiệt huyết đến từ Hawaii - nhìn bề ngoài, Mangione, Borgwardt và Kobayashi có cuộc sống riêng biệt và xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau.

Tuy nhiên, 3 người này đều đi theo con đường bất ngờ khi đột ngột biến mất khỏi công việc, thói quen, bạn bè và gia đình.

Họ là một phần trong nhóm lớn hơn của hàng nghìn người trưởng thành ở Mỹ chọn cắt đứt mọi thứ và bỏ đi, đôi khi là để trốn tránh áp lực của thực tại.

Mặc dù cực đoan, những câu chuyện gần đây này nói lên "mức độ choáng ngợp khổng lồ mà mọi người đang cảm thấy", Lauren Cook, nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về chứng lo âu và có trụ sở tại Los Angeles, nói với CNN.

"Họ không phải lúc nào cũng biết giải pháp dễ dàng cho các vấn đề của mình, và vì vậy họ muốn chạy trốn và thoát khỏi tất cả", Cook giải thích.

Những người trưởng thành chạy trốn

Theo dữ liệu từ Cục Điều tra Liên bang (FBI), mỗi năm có hàng trăm nghìn người lớn được báo cáo mất tích tại Mỹ. Một số người cố tình bỏ trốn, theo cựu Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe.

"Khi trưởng thành, người ta có thể bỗng dưng muốn rời bỏ cuộc sống hiện tại và bắt đầu ở nơi khác, hoặc đi tìm kiếm điều gì đó, bất kể đó là gì", McCabe chia sẻ với CNN.

Có nhiều lý do khiến một người muốn chạy trốn: áp lực công việc, khó khăn tài chính, vấn đề sức khỏe, khủng hoảng mối quan hệ tình cảm hoặc mạng xã hội.

Những biến số đó dẫn tới lo lắng và căng thẳng. Theo các chuyên gia, một số người có thể cảm thấy sẽ dễ dàng hơn nếu từ bỏ mọi thứ ở hiện tại, bao gồm rắc rối, để bắt đầu một đời sống mới hoàn toàn.

 Ryan Borgwardt dàn dựng vụ tai nạn để bỏ trốn khỏi vợ con. Ảnh: AOL.

Ryan Borgwardt dàn dựng vụ tai nạn để bỏ trốn khỏi vợ con. Ảnh: AOL.

McCabe cho biết thông thường, cơ quan thực thi pháp luật sẽ liệt kê những cá nhân này là người mất tích tự nguyện.

Hannah Kobayashi đã được "tìm thấy an toàn" theo thông báo của gia đình cô trong tuần này nhưng vẫn chưa trở về Mỹ. Gia đình không nêu rõ Kobayashi ở đâu hoặc cách họ xác định cô an toàn như thế nào.

Gia đình Kobayashi vẫn đang đau buồn vì cái chết của cha cô - người đã tự tử vài ngày trước Lễ Tạ ơn sau khi ông đến Los Angeles để tìm kiếm con gái.

Khi các vụ việc người Mỹ mất tích tiếp tục thu hút sự chú ý của công chúng thì theo Lauren Cook, nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về chứng lo âu tại Los Angeles, các sự kiện này không hẳn là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Cook cho biết việc một người trưởng thành có cuộc sống không trọn vẹn bỗng dưng có suy nghĩ từ bỏ mọi thứ là không hiếm.

Theo Sở Cảnh sát Los Angeles, trước khi rời Hawaii, Kobayashi đã bày tỏ mong muốn ngắt kết nối với công nghệ hiện đại.

Liên quan đến vụ dàn dựng tai nạn của Ryan Borgwardt, trong 7 tuần, văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Green Lake đã tìm kiếm thi thể của ông nhưng không tìm thấy. Cuối cùng, các viên chức phát hiện ra bằng chứng Borgwardt đã trốn sang châu Âu qua Canada.

Các điều tra viên Wisconsin cho biết Borgwardt đã giả chết vì "một số lý do" và vẫn giữ im lặng về nơi chính xác mà ông ta đã ở trong khi chính quyền đã dành nhiều tuần để tìm kiếm.

Borgwardt vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về hành động của mình, và gia đình ông ta cũng vậy. Borgwardt, người dường như không có luật sư, đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNN.

Gánh nặng tâm lý phía sau

Các chuyên gia cho biết bỏ nhà đi là câu chuyện thường gặp ở trẻ nhỏ khi chúng tức giận hoặc cảm thấy bị hiểu lầm.

Khi lớn lên, chúng ta học cách điều chỉnh cảm xúc của mình. Nhưng không phải người lớn nào cũng làm được điều đó, và nếu không có đủ kỹ năng, những thay đổi trong cuộc sống và sự lo lắng có thể trở nên quá sức chịu đựng của một người.

"Khi một người không biết cách tự điều chỉnh, thật không may, họ có thể đưa ra lựa chọn thực sự tồi tệ", Cook nói, giải thích thêm rằng nhiều người không được dạy cách tự điều chỉnh cảm xúc khi trưởng thành, và đó không phải lỗi của họ.

Vào năm 2023, Trung tâm thông tin tội phạm quốc gia Mỹ đã ghi nhận hơn 563.000 báo cáo về người mất tích, dựa trên một cơ sở dữ liệu do FBI quản lý, bao gồm các trường hợp người mất tích là trẻ vị thành niên và người lớn.

 Hannah Kobayashi, nghệ sĩ đến từ Hawaii, bất ngờ rời khỏi Mỹ.

Hannah Kobayashi, nghệ sĩ đến từ Hawaii, bất ngờ rời khỏi Mỹ.

Theo báo cáo của NCIC, đối với khoảng một nửa số trường hợp, các tiêu chí tùy chọn đã được sử dụng để giúp phân loại sự mất tích của một người là bị bắt cóc hay tự nguyện. Trong đó, dữ liệu cho thấy khoảng 95% được dán nhãn là bỏ trốn tự nguyện.

Cook nói thêm rằng một số người bỏ nhà đi có thể đang phản ứng với quá nhiều kích thích.

Khi một người bị quá tải về mặt thần kinh ngày này qua ngày khác, cuối cùng họ sẽ không có cùng khả năng nhận thức để đưa ra quyết định như một người được nghỉ ngơi đầy đủ, có khả năng quản lý những gì đang diễn ra trong cuộc sống của họ.

Một người bị quá tải có thể bắt đầu tách khỏi cuộc sống của họ và cuối cùng mất đi khả năng đồng cảm với người khác.

Cook nói thêm rằng những người mất tích tự nguyện hoặc trong "tình huống trốn chạy cực độ" có nhiều khả năng đưa ra những quyết định liều lĩnh, không chỉ gây hại cho chính họ mà còn cho những người thân yêu.

Theo McCabe, các cơ quan thực thi pháp luật địa phương trên khắp đất nước có trách nhiệm điều tra các trường hợp người mất tích. Khi nói đến những người mất tích dưới 21 tuổi, theo luật, các nhà chức trách phải báo cáo mọi trường hợp cho Trung tâm thông tin tội phạm quốc gia, ngay cả khi họ tự nguyện rời đi.

Tuy nhiên, nếu một người lớn tự nguyện rời đi, cơ quan thực thi pháp luật địa phương hoặc FBI thường không thể làm được gì nhiều.

"Trừ khi có lý do nào đó để tin rằng có thể đã có một tội ác liên quan, nếu không (chính quyền) không đủ khả năng dành thời gian và công sức để làm sáng tỏ toàn bộ động cơ và hành trình của người đó", McCabe cho biết.

Ông nhấn mạnh các cuộc điều tra về người mất tích thường liên quan đến phân tích pháp y, thu thập dữ liệu điện thoại di động và yêu cầu lệnh khám xét.

"Điều đó rất tốn kém", McCabe nói. Theo ông, các cuộc điều tra về người mất tích đòi hỏi rất nhiều nhân lực, lấy đi thời gian quý báu của các nguồn lực công cộng như cảnh sát, chuyên gia phân tích pháp y và thẩm phán. Nếu một người mất tích vì họ muốn như vậy, những nguồn lực đó không được sử dụng một cách công bằng.

Đó là thực tế khó khăn mà cả các điều tra viên và gia đình của những người trưởng thành mất tích phải đối mặt. McCabe lưu ý rằng không có gì là tội phạm khi tự nguyện bỏ đi, trừ khi bạn phạm tội trong quá trình này.

Chia sẻ là giải pháp

Trong vụ án chấn động gần đây, Luigi Mangione, người đang phải đối mặt với cáo buộc giết người cấp độ hai trong cái chết của CEO UnitedHealthcare Brian Thompson, đã được mẹ anh báo mất tích vào tháng trước.

Mẹ của Mangione nói với cảnh sát tại San Francisco rằng đã không nói chuyện với con trai mình kể từ tháng 7.

Điện thoại của anh liên tục chuyển sang hộp thư thoại, rồi cũng đầy. Có vẻ Mangione cũng đã biến mất khỏi mạng xã hội trong năm nay. Vào tháng 7, một người dùng đã tweet cho Mangione: "Tôi đã không nghe tin tức gì từ anh trong nhiều tháng".

Theo báo cáo tình báo của sở cảnh sát New York, nghi phạm 26 tuổi dường như tức giận với ngành bảo hiểm y tế, họ coi vụ giết người có chủ đích này là hành động thách thức trực tiếp đến "lòng tham của doanh nghiệp".

 Mangione cắt đứt liên lạc với gia đình một thời gian trước khi gây án. Ảnh: Fox TV.

Mangione cắt đứt liên lạc với gia đình một thời gian trước khi gây án. Ảnh: Fox TV.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ người lớn ở Mỹ báo cáo các triệu chứng lo âu và trầm cảm đã gia tăng đáng kể, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.

Trong năm 2022, cứ 5 người từ 18 tuổi trở lên thì có khoảng một người gặp phải triệu chứng lo âu (18,2%) hoặc triệu chứng trầm cảm (21,4%) trong khoảng thời gian hai tuần.

Jeffrey Jensen Arnett, nhà tâm lý học phát triển và là học giả nghiên cứu cao cấp về tâm lý học tại Đại học Clark, cho biết lo lắng và căng thẳng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và có thể thúc đẩy người ta làm những việc mà bình thường họ không làm.

"Trầm cảm thì khác. Trầm cảm thường đi kèm với sự mệt mỏi nhất định. Bạn không muốn làm bất cứ điều gì. Nhưng lo lắng và căng thẳng thì ngược lại, và chúng khiến người ta muốn làm điều gì đó để giải tỏa tình trạng đó", Arnett nói.

Các chuyên gia lưu ý rằng lo lắng và căng thẳng có thể được kiểm soát thông qua giao tiếp, liệu pháp hoặc thuốc.

Theo Arnett, mức độ lo lắng hiện tại đặc biệt cao đối với những người từ 18 đến 29 tuổi, và đại dịch Covid-19 đã tác động đến sức khỏe tâm thần. Cook đồng ý với nhận định này, lưu ý thêm sự chênh lệch tài chính giữa thế hệ Millennials (sinh năm 1980-1996) và thế hệ Baby Boomers (sinh năm 1946-1964) có tác động quan trọng.

"Những người trẻ tuổi ngày nay không đủ khả năng mua nhà, họ hầu như chỉ sống bằng tiền lương hàng tháng. Họ quá choáng ngợp trước tất cả những thứ mà cha mẹ mình đã làm được một cách dễ dàng, dẫn đến cảm giác thất bại tăng dần theo thời gian", Cook nói.

Cùng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe kém, chi phí sinh hoạt tăng cao và tình trạng bạo lực súng đạn tràn lan ở Mỹ, tình hình chính trị hiện tại đang thúc đẩy một số người cân nhắc rời khỏi đất nước.

Khi một người quá căng thẳng, họ thấy mình như một "ấm trà sắp sôi", Cook và Arnett cho rằng những người này nên ưu tiên giao tiếp, đôi khi đơn giản là gọi điện cho một người bạn.

"Nếu sự đau khổ lớn đến mức bạn cảm thấy nó đang can thiệp vào hoạt động hàng ngày và các mối quan hệ, thấy mình thực sự đang trên bờ vực làm điều gì đó cực đoan, thì đã đến lúc cần được giúp đỡ. Đã đến lúc nói chuyện với người khác về điều đó, đặc biệt là những ai thân thiết nhất với bạn", Arnett nói.

Việc xa lánh gia đình, bạn bè và mạng xã hội có thể là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn.

Cook cho biết bất kỳ ai muốn thay đổi cuộc sống một cách triệt để nên cố gắng chia sẻ cùng người thân xung quanh để họ không phải lo lắng không cần thiết.

"Bộ não con người sẽ đi đến những suy nghĩ tồi tệ nhất. Sẽ trở nên có vấn đề khi mọi người không truyền đạt kế hoạch từ bỏ".

Cook cũng khuyên bạn nên gặp chuyên gia trị liệu để giúp giảm căng thẳng. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), thở, tập thể dục và viết nhật ký là một số trong nhiều phương pháp mà một người có thể thực hiện hoặc giải tỏa liên tục.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/diem-chung-gay-giat-minh-o-mangione-borgwardt-va-kobayashi-post1518420.html
Zalo