Nhiều doanh nghiệp tiếp tục chậm trả trái phiếu, dù đã được gia hạn
Dù đã đàm phán, gia hạn thêm thời gian thanh toán gốc và lãi trái phiếu nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng tiếp tục chậm trả.
Những ngày đầu tháng 4, tiếp tục nhiều doanh nghiệp công bố về tình trạng chậm thanh toán nợ trái phiếu.
Chẳng hạn như Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) vừa công bố chậm thanh toán 210 tỷ đồng gốc và lãi lô trái phiếu AGMH2223001.
Trước đó, Anginmex đã đàm phán gia hạn thành công thời hạn thanh toán lô trái phiếu này thêm 1 năm, tức là ngày 14/9/2024, tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thể thu xếp tài chính để trả gốc và lãi cho trái chủ.
Đáng nói, Agimex cũng cho biết, tài khoản ngân hàng của công ty này tại 3 ngân hàng BIDV, Vietcombank và VietinBank đã bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Doanh nghiệp này cho biết, thời gian qua đã tích cực bán tài sản, thoái vốn tại các công ty liên kết để giải quyết các khoản nợ, bao gồm cả nợ trái phiếu.
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng vừa công bố việc chậm thanh toán khoản lãi hơn 118 tỷ đồng của lô trái phiếu HAGLBOND16.26 do chưa thu xếp được nguồn vốn (thời hạn thanh toán là cuối tháng 3/2025). HAGL thông báo sẽ gia hạn khoản lãi này đến thời điểm đáo hạn trái phiếu.
Một doanh nghiệp phố núi khác là Công ty CP Đức Long Gia Lai cũng mới công bố chậm trả hàng loạt lô trái phiếu với tổng số nợ chậm trả lên đến 750 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này có thời hạn thanh toán theo kế hoạch từ năm 2019 đến năm 2022.

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu
Tương tự, Công ty CP In và Bao bì Goldsun chậm thanh toán 2 lô trái phiếu với tổng trị giá số tiền không thanh toán đúng hạn là hơn 66 tỷ đồng.
Công ty CP Đầu tư Năng lượng Hoàng Sơn 2 cũng vừa tiếp tục thông báo chậm trả gốc, lãi gần 400 tỷ đồng cho lô trái phiếu HS2.H.20.23.001 đến hạn thanh toán ngày 25/3.
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) nhận được thông báo của Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) về việc Đầu tư Năng lượng Hoàng Sơn chậm thanh toán lô trái phiếu trên.
Thời điểm mới phát hành, lô trái phiếu có kỳ hạn là năm 2023, nhưng tới giữa năm 2024, doanh nghiệp đã đàm phán với trái chủ để gia hạn lô trái phiếu thêm 2 năm, dời ngày đáo hạn sang năm 2025.
TVSI cho biết, vào ngày 25/3, công ty đã nhận được từ tổ chức phát hành số tiền tương ứng 10% gốc trái phiếu tính theo giá trị phát hành ban đầu, cùng với phần lãi phát sinh trên 10% gốc này.
TVSI cũng đã tiến hành thanh toán số tiền nhận được cho các trái chủ trong cùng ngày. Nhưng trên thực tế, số tiền này được xác định là không đủ so với nghĩa vụ thanh toán theo các nghị quyết của người sở hữu trái phiếu đã được thông qua trước đó.
Do đó, TVSI đã chính thức gửi thông báo về sự kiện vi phạm đến Năng lượng Hoàng Sơn 2, đồng thời yêu cầu các công ty này phải thực hiện mua lại bắt buộc toàn bộ các lô trái phiếu này trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn.
Trước đó, Công ty CP Bông Sen (BongSen) cũng cho biết, không thể thanh toán khoản lãi hơn 1.800 tỷ đồng của lô trái phiếu BSENCH2126003 tại ngày 31.12.2024 do tài khoản bị phong tỏa.
Hay Công ty TNHH Nam Land cũng vẫn chưa thể chi trả đúng hạn 80,5 tỷ đồng tiền lãi và 900 tỷ đồng tiền gốc của lô trái phiếu mã NALCH2124001.
Trước đó, theo tổng hợp của VIS Rating, trong quý I/2025, có 3 đợt chậm trả lãi trái phiếu mới từ 3 tổ chức phát hành lần đầu ghi nhận chậm trả, đến từ Công ty Xi măng Long Thành, Tập đoàn R&H và Công ty Xây dựng Tracodi.
Tính tới cuối quý I/2025, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường là 1,262 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ. Ngân hàng chiếm 41,7% và bất động sản nhà ở chiếm 30,3% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành.
Tỷ lệ chậm trả toàn thị trường ở mức 14,6% vào cuối tháng 3/2025. Trong tháng 4, có 7/22 trái phiếu đáo hạn được đánh giá có hồ sơ tín dụng yếu, trong đó 3 trái phiếu đã chậm trả lãi.
Còn theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 10 tháng cuối năm 2025, ước tính sẽ có khoảng 192.267 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Phần lớn trong số đó là trái phiếu bất động sản, với 107.235 tỷ đồng, tương đương 54%. Việc khó khăn về tài chính khiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản phải đàm phán lùi thời hạn trả nợ trái phiếu.