Hàng xa xỉ châu Âu lao đao vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang đẩy các thương hiệu xa xỉ và nhà sản xuất rượu của Pháp gặp không ít khó khăn sau khi nhu cầu của Trung Quốc chạm mức thấp nhất trong hai năm qua.

Trang phục của Gucci được giới thiệu tại Tuần lễ thời trang Milan, Italy. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Thuế quan sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump - mức thuế 20% đối với hàng thời trang và hàng da nhập khẩu từ châu Âu - đang trở thành một nguy cơ đối với một ngành cũng đang phải chịu tác động của tranh chấp thương mại ăn miếng trả miếng giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Nhà sản xuất hàng xa xỉ hàng đầu thế giới, LVMH, đã báo cáo doanh số quý đầu tiên giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tuần này, không đạt được hầu hết các dự báo. Được coi là một chỉ báo của ngành, kết quả của LVMH niêm yết tại Paris phản ánh triển vọng ảm đạm, ông Damien Ledda, Giám đốc đầu tư và quản lý danh mục đầu tư tại Galilee Asset Management, cho biết.
Doanh số trong phân khúc thời trang và đồ da của LVMH, mà Ledda cho biết là phân khúc chính mà thị trường xem xét để đánh giá sức khỏe của ngành, đã giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chủ sở hữu của Louis Vuitton và Dior điều hành nhiều loại hình kinh doanh khác nhau, từ các nhà bán lẻ mỹ phẩm đến các vườn nho.
Doanh số bán hàng tại Mỹ, chiếm một phần tư doanh thu của tập đoàn, đã giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, một dấu hiệu xấu ngay cả trước khi thuế quan có hiệu lực.
Trong khi nhu cầu về hàng xa xỉ và cao cấp đã giảm vào năm ngoái, thì người tiêu dùng hiện có nhiều khả năng sẽ kiềm chế chi tiêu hơn khi căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Tuy nhiên, Jelena Sokolova, chuyên gia phân tích vốn chủ sở hữu cấp cao tại Morningstar, cho biết "mối nguy hiểm lớn nhất" hiện nay là tình hình bất ổn hiện nay - chứ không phải thuế quan của Mỹ - có thể ảnh hưởng đến cả những người tiêu dùng giàu nhất.
Để trả đũa việc EU tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc, Trung Quốc đã mở cuộc điều tra về rượu cognac. Do đó, việc bán rượu mạnh Pháp miễn thuế tại các sân bay Trung Quốc đã bị đình chỉ trong khi chờ cuộc điều tra đó. Tháng trước, chính quyền Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu 200% đối với rượu vang và rượu sâm panh từ châu Âu.
Các nhà phân tích lưu ý rằng các công ty tập trung vào lĩnh vực siêu cao cấp sẽ có vị thế tốt nhất để vượt trội trong những điều kiện không chắc chắn này. Ông Ledda chỉ ra Hermes, công ty đã công bố mức tăng 8,5% doanh số trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái.
Hermes - một doanh nghiệp tập trung hơn nhiều so với LVMH và chủ yếu được biết đến với thương hiệu cùng tên - cho biết họ có ý định tăng giá để bù đắp cho bất kỳ mức tăng thuế quan nào của Mỹ. Ông Ledda cho biết: "Khái niệm độc quyền lâu dài giải thích một phần khả năng phục hồi của họ".
Một điểm sáng khác là Nhật Bản, nơi doanh thu của Hermes tăng vọt khoảng 17% so với một năm trước. Bà Carole Dupont-Pietri, Giám đốc hoạt động tài chính của Hermes, đã chỉ ra "lượng khách hàng trung thành" tại Nhật Bản trong buổi thuyết trình kết quả quý đầu tiên của công ty vào thứ năm.
Ông Ledda cho biết, sự trỗi dậy của các thương hiệu mới ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, phù hợp hơn với người tiêu dùng trẻ tuổi ở khu vực phát triển nhanh nhất này có thể là một bước ngoặt có thể đe dọa các công ty nổi tiếng đã thành danh trong tương lai.
Các thương hiệu châu Âu thận trọng với rủi ro này và đang cố gắng thu hút nhiều hơn đối với người châu Á bằng cách phát triển các sản phẩm có liên quan đến văn hóa và thông qua các sự kiện được thiết kế riêng trong khu vực.