Nhiều địa phương chỉ đạo 'nóng' về dạy thêm, học thêm
Sau ngày Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, hàng loạt tỉnh, thành đồng loạt dừng dạy thêm trong trường, cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định.
UBND tỉnh Phú Thọ vừa ban hành văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tổ chức phổ biến tuyên truyền, quán triệt đầy đủ nội dung của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT tới cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Việc dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh, học viên có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
Nội dung dạy thêm, học thêm không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội. Không cắt giảm nội dung dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm... Thời lượng, thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức dạy thêm, học thêm phải phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi, bảo đảm sức khỏe của học sinh... Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Tăng cường công tác quản lý các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định...
![Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_94_51483069/2c3559ff6ab183efdaa0.jpg)
Ảnh minh họa.
Ông Đinh Văn Khâm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố; các trường THPT và các trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh triển khai tuyên truyền sâu rộng nội dung Thông tư số 29 đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch giáo dục đảm bảo khoa học, phù hợp với tình hình mới, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và kinh phí của nhà trường, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh lớp cuối cấp.
Tăng cường quản lý chuyên môn, nâng cao chất lượng giờ học chính khóa, khuyên khích cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trên tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, tăng thời lượng dạy học ngoài giờ chính khóa không thu tiền để bổ trợ kiến thức, ôn tập cho các đối tượng học sinh được quy định tại khoản 1, Điều 5, Thông tư số 29...
Đối với việc dạy thêm ngoài nhà trường, Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học tăng cường quản lý việc dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên đúng quy định. Đồng thời, yêu cầu giáo viên dành thời gian cho công tác tự học, tự bồi dưỡng, tham gia tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được nhà trường giao. "Chúng tôi yêu cầu các trường phải lập danh sách giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bao gồm: họ tên giáo viên, môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm, báo cáo về cơ quan quản lí giáo dục cấp trên theo 2 đợt, đợt 1 là trước ngày 25/2 và đợt 2 là trước ngày 31/5".
Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh những quy định về dạy thêm, học thêm theo đúng quy định.
Tại TP.HCM, đại diện Sở GD&ĐT cho hay, Thông tư 29 đã quy định rất rõ vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị, cơ quan ban ngành. UBND TP.HCM cũng đã có văn bản chỉ đạo các quận, huyện và TP.Thủ Đức để triển khai các nội dung hướng dẫn. Sở GD&ĐT TP.HCM đang lấy ý kiến các sở, ban, ngành về việc quản lý dạy thêm trên địa bàn.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_94_51483069/c00dbac7898960d73998.jpg)
Tại Hà Tĩnh, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Sở đã có văn bản yêu cầu các đơn vị phổ biến thông tin tới giáo viên, phụ huynh. "Hiện nay Sở đã tham mưu UBND tỉnh để ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Đơn vị đã có dự thảo về các quy định dạy thêm, học thêm và sẽ trình Sở tư pháp thẩm định, trình UBND tỉnh để ban hành. Sau đó, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để hướng dẫn các địa phương thực hiện". Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, đơn vị đã quán triệt các trường thực hiện nghiêm túc theo quy định của thông tư.
Tỉnh Nam Định cho biết sẽ xử lý nghiêm và công khai các trường hợp sai phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Ngoài ra, tỉnh này cam kết sẽ tăng cường công tác thông tin, thường xuyên rà soát, nắm bắt, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế tuyển sinh THCS, THPT và quy định về dạy, học thêm.
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, về việc triển khai thực hiện theo Thông tư số 29, Sở đã hoàn thiện dự thảo, xin ý kiến các sở ngành có liên quan và trình UBND tỉnh để ban hành quyết định về việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn. "Sau khi có quyết định của UBND tỉnh, Sở sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết gửi các cơ sở giáo dục trên địa bàn để triển khai, thực hiện".
Tại TP. Cần Thơ, Sở GD&ĐT thành phố đã làm văn bản xin ý kiến góp ý dự thảo Quyết định của UBND thành phố; Các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện; Các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở; Phòng GD&ĐT quận, huyện; Trung tâm GDNN-GDTX quận, huyện về việc ban hành Quyết định của UBND thành phố quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố. Từ đó, tổng hợp các phương án trình UBND TP. Cần Thơ chỉ đạo. Trước mắt, Sở GD&ĐT Cần Thơ kiên quyết thực hiện đúng theo Thông tư 29, không du di hay thông cảm, bởi đây là một quy định có lợi cho học sinh, góp phần chấm dứt tình trạng ép học sinh đi học thêm.
Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết đang tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định về quản lý việc dạy thêm, học thêm cũng như tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. "Quy định mới giải được bài toán 'công bằng', hạn chế dư luận xấu khi không còn tình trạng nâng điểm, 'ép học sinh' đi học thêm như thời gian trước. Do đó, ngành giáo dục sẽ phối hợp với chính quyền địa phương nhằm kiểm tra, hướng dẫn, quản lý để việc dạy thêm được thực hiện đúng", lãnh đạo Sở GD&ĐT Gia Lai thông tin.
Tương tự, tỉnh Đắk Lắk cũng đưa ra yêu cầu 100% giáo viên ký cam kết thực hiện nghiêm quy định. Các trường phải rà soát, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy nhằm đảm bảo phù hợp với tinh thần của Thông tư 29. Nhà trường, tổ chức, cá nhân không được dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc dạy thêm, học thêm. Lãnh đạo tỉnh này cho hay nếu thực hiện đúng theo quy định sẽ đảm bảo môi trường học tập lành mạnh, khuyến khích học sinh tự học.
Thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, tới đây, sau khi được UBND tỉnh ký ban hành chính thức về các quy định dạy thêm học thêm, Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể đến các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trực thuộc. Quan điểm của Sở là làm đúng theo thông tư của Bộ GD&ĐT. Ngành GD&ĐT sẽ phối hợp với các ngành có liên quan, chính quyền địa phương sẽ kiểm tra, hướng dẫn, quản lý... để việc dạy thêm học thêm được thực hiện đúng.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, đơn vị đã thực hiện các bước xây dựng dự thảo ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh thay thế Quyết định số 23 của UBND tỉnh. "Hiện tại, dự thảo đã gửi Sở Tư pháp thẩm định và sẽ tiếp thu, hoàn thiện trình UBND tỉnh ký ban hành. Sau khi UBND tỉnh ký ban hành Quy định, Sở GD&ĐT sẽ ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được quy định".