Nhiều công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo để ứng phó thuế quan của Mỹ
Công ty phần mềm máy tính Salesforce đã phát triển một tác nhân AI chuyên về thuế quan có thể xử lý ngay lập tức những thay đổi đối với toàn bộ 20.000 danh mục sản phẩm trong hệ thống hải quan Mỹ.
Các kỹ sư của Saleforce đã sử dụng Biểu thuế quan hài hòa, một tài liệu dài 4.400 trang về thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, để cung cấp thông tin cho các câu trả lời do tác nhân trí tuệ nhân tạo (AI) đưa ra.
Một tác nhân AI là một hệ thống tự động được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ, đưa ra quyết định và thích ứng dựa trên dữ liệu và phản hồi của người dùng. Nó hoạt động độc lập, tự động hóa các quy trình trong nhiều lĩnh vực như phát triển phần mềm và bảo mật.
Nhiều doanh nghiệp đang chuyển sang sử dụng những công cụ AI để giúp họ ứng phó sự bất ổn thương mại toàn cầu. Một số doanh nghiệp công nghệ đang triển khai công nghệ mới này để hình dung chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp, từ các vật liệu được sử dụng để tạo thành sản phẩm, đến địa điểm hàng hóa đó được vận chuyển đến, và hiểu cách chúng bị ảnh hưởng bởi thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump.

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI). Ảnh minh họa
Ông Eric Loeb, Phó chủ tịch điều hành phụ trách các vấn đề chính phủ tại Salesforce, cho biết tốc độ và tính phức tạp của những thay đổi về thuế quan toàn cầu khiến hầu hết các doanh nghiệp gần như không thể theo kịp với tốc độ tính toán thủ công. Các công ty cho biết những hệ thống AI cho phép họ đưa ra quyết định điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu nhanh hơn nhiều.
Danh sách hàng chục nước là đối tượng chịu thuế quan của Mỹ đã buộc các công ty phải xem xét lại chuỗi cung ứng và giá cả của họ, với những "ông lớn" như Walmart và Nike đã tăng giá một số sản phẩm. Theo số liệu thống kê, Mỹ đã nhập khẩu khoảng 3.300 tỷ USD hàng hóa trong năm 2024.
Trong khi đó, ông Nagendra Bandaru, người phụ trách dịch vụ công nghệ toàn cầu của tập đoàn công nghệ thông tin Wipro (Ấn Độ), cho biết khách hàng đang sử dụng những giải pháp tác nhân AI của công ty này nhằm điều chỉnh những chiến lược của nhà cung cấp, điều chỉnh các tuyến vận tải thương mại và quản lý rủi ro thuế khi chính sách thay đổi. Wipro cho biết trong số những công ty sử dụng sản phẩm AI của doanh nghiệp này để phân tích chính sách thuế quan của Mỹ có một nhà sản xuất thiết bị điện tử có tên trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ (Fortune 500) và một nhà cung cấp phụ tùng ô tô xuất khẩu sang châu Âu và Bắc Mỹ.
Theo ông Zack Kass, cựu lãnh đạo của công ty công nghệ OpenAI, sự không chắc chắn từ các biện pháp thuế quan của Mỹ "là thời điểm AI tỏa sáng". Tuy vậy, ông Bandaru cho rằng AI là một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ nhưng không phải là "thuốc tiên". AI không thay thế chiến lược chính sách thương mại, mà chỉ giúp doanh nghiệp chuyển từ một thách thức bị động thành một lợi thế chủ động, dựa trên dữ liệu phân tích. AI đã trở thành ưu tiên đầu tư chính của nhiều doanh nghiệp trên thế giới trước thông báo áp thuế quan của Tổng thống Trump vào tháng 4/2025. Theo báo cáo của công ty dịch vụ kỹ thuật số Capgemini được công bố vào tháng 1/2025, gần 75% số nhà lãnh đạo doanh nghiệp coi AI và AI tạo sinh nằm trong nhóm ba công nghệ hàng đầu để đầu tư vào năm 2025.