Cái giá cho câu nói đùa không đúng lúc của Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản

Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Taku Eto đã từ chức hôm 21-5 sau khi có phát biểu gây phẫn nộ, rằng ông 'không bao giờ phải mua gạo' vì toàn được người ủng hộ… tặng. Bình luận này được coi là hoàn toàn không phù hợp với thực tế của những người dân đang phải vật lộn để kiếm sống và chỉ đủ tiền mua gạo ăn. Đó là một phần lý do ông phải từ chức và người kế nhiệm là cựu Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi - người đã tham gia cải cách nhóm vận động hành lang nông nghiệp hùng mạnh của Nhật Bản.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Taku Eto từ chức do “vạ miệng” mà mình gây ra

Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Taku Eto từ chức do “vạ miệng” mà mình gây ra

Sự bất thường của thị trường gạo

Gạo là yếu tố thiết yếu đối với văn hóa, truyền thống và chính trị Nhật Bản. Đây vẫn là lương thực chính của người Nhật dù tổng lượng tiêu thụ đã giảm trong nhiều thập kỷ. Nhưng kể từ mùa hè năm ngoái, giá gạo đã tăng vọt vì nguồn cung không đáp ứng đủ cầu. Mặt hàng này bắt đầu biến mất khỏi các kệ siêu thị và giá tăng gấp đôi bình thường khi cảnh báo về một “trận động đất lớn” khiến người dân hốt hoảng mua về tích trữ. Thương hiệu gạo hàng đầu Koshihikari hiện được bán với giá gần 5.000 yên (35 USD) cho 5kg. Lượng gạo dự trữ tại các hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản và các cơ sở thương mại khác so với năm ngoái thấp hơn 400.000 tấn - mức thấp kỷ lục.

Nhưng tại sao Nhật Bản lại thiếu gạo? Thủ tướng Shigeru Ishiba đã cam kết sẽ giảm giá gạo trung bình xuống còn khoảng 3.000 yên (20 USD) cho 5kg. Ông thừa nhận các biện pháp hiện tại không hiệu quả và đổ lỗi cho “các vấn đề về cấu trúc” trong chính sách gạo của chính phủ. Các chuyên gia cho biết, ngoài tình trạng mua hàng hoảng loạn vào mùa hè năm ngoái, sự gia tăng mạnh mẽ của ngành du lịch và ăn uống đã làm tăng nhu cầu về gạo. Một số người bắt đầu ăn nhiều gạo hơn sau khi giá bánh mì và mì tăng do xung đột Nga - Ukraine đẩy giá lúa mì lên cao hơn. Bên cạnh đó, vụ thu hoạch năm 2023 tương đối kém do thời tiết nóng và sâu bệnh. Ngoài ra, chuỗi cung ứng gạo của Nhật Bản rất phức tạp. Hầu hết nông dân vẫn bán gạo của họ theo hệ thống truyền thống do Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Bản (JA) điều hành. Đây là một nhóm lợi ích hùng mạnh có mối quan hệ chặt chẽ với đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. Nhưng một phần khiến gạo ngày càng tăng là do được bán thông qua các doanh nghiệp khác và bán trực tuyến, khiến việc theo dõi nguồn cung và giá cả trở nên khó khăn.

Chính phủ Nhật Bản từ lâu đã trả tiền cho nông dân để họ cắt giảm diện tích trồng lúa và chuyển sang các loại cây trồng khác để giữ giá gạo ở mức tương đối cao. Để đối phó với tình trạng thiếu hụt trong năm nay, chính phủ đã giải phóng gạo dự trữ, nhưng trên thị trường thì gạo vẫn chậm được đưa lên kệ siêu thị. Cho đến nay, chỉ có 10% lượng gạo được giải phóng đã đến được thị trường, làm dấy lên nghi ngờ về những gì đang xảy ra.

Yếu tố chính trị và hài hước

Sai lầm của Bộ trưởng Nông nghiệp Taku Eto khiến người ta phải suy ngẫm về mối quan hệ tế nhị giữa chính trị và sự hài hước, hay chính xác hơn là giữa các chính trị gia với mong muốn thể hiện sự đồng cảm với người dân. Tuyên bố ngẫu hứng của ông Eto rằng “chưa bao giờ mua gạo” đã gây ra sự phẫn nộ ngay lập tức. Đầu tiên, ông cố gắng xoa dịu những người chỉ trích bằng cách nói rằng mình “chỉ cố gắng để trở nên hài hước”. Tuy nhiên, sau khi bị Thủ tướng Shigeru Ishiba khiển trách gay gắt, vị Bộ trưởng đã đưa ra một quan điểm khác. Phát biểu tại Quốc hội vào ngày 20-5, ông Eto thừa nhận: “Đây không phải là chuyện đùa”.

Nhiều người cho rằng, để có được tiếng cười từ công chúng đòi hỏi kỹ năng, thời điểm và sự nhạy cảm. Làm như vậy mà không xúc phạm bất kỳ ai là một nghệ thuật. Vậy tại sao các chính trị gia lại mạo hiểm với sự hài hước bất chấp những cạm bẫy tiềm ẩn? Một lý do có thể là mong muốn tỏ ra ấm áp và dễ gần để gây ấn tượng về bản thân và giành được sự ủng hộ của cử tri. Một lời giải thích khác, có lẽ đơn giản hơn, là việc được cười khiến người ta thấy dễ chịu hơn.

Nhưng ở đây, câu chuyện cười đã vượt quá giới hạn. Vào thời điểm giá gạo vẫn ở mức cao mà vị Bộ trưởng Nông nghiệp vẫn có giọng điệu hời hợt, xa rời thực tế. Việc ông cố gắng gây cười không chỉ là không đúng lúc, mà còn nhấn mạnh đến một sai sót nghiêm trọng hơn trong phán đoán, đó là phản ứng của người dân đang bức xúc. Bởi thế, trong những năm gần đây xảy ra không ít trường hợp “vạ miệng” như ông Eto. Đó là sự hài hước vô tình đã phản tác dụng một cách ngoạn mục, gây phẫn nộ trong công chúng khiến chính trị gia mất luôn sự nghiệp.

Yến Chi

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cai-gia-cho-cau-noi-dua-khong-dung-luc-cua-bo-truong-nong-nghiep-nhat-ban-post612677.antd
Zalo