Bất định 'tìm đường' tới châu Phi

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và bất định, tình trạng thiếu hụt tài trợ nước ngoài đang trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với sự phát triển của châu Phi.

Tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế châu Phi đang trở nên mờ nhạt trước sự gia tăng nhanh chóng của dân số. (Nguồn: abmagazine)

Tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế châu Phi đang trở nên mờ nhạt trước sự gia tăng nhanh chóng của dân số. (Nguồn: abmagazine)

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố tình trạng thiếu hụt tài trợ cho châu Phi, khu vực đang ngập trong những khoản nợ cũ và bối cảnh địa chính trị bất lợi. Trong đó, tình trạng thiếu hụt tài trợ không chỉ là vấn đề tài chính, mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với ổn định xã hội và tương lai phát triển của lục địa.

Thiếu hụt tài trợ lan rộng

Châu Phi - vốn phụ thuộc nhiều vào các khoản viện trợ quốc tế để duy trì các chương trình y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng - đang phải đối mặt với một “khoảng trống tài chính” ngày càng lớn, trong khi nhu cầu vẫn gia tăng hàng ngày.

Một trong những diễn biến đáng lo ngại nhất là việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 1/2025 “đóng băng” toàn bộ các khoản viện trợ phát triển nước ngoài để rà soát lại tính phù hợp với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”. Theo bản ghi nhớ do Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ký, tất cả các khoản viện trợ – trừ hỗ trợ lương thực khẩn cấp và viện trợ quân sự cho Israel và Ai Cập – đều bị tạm ngưng cho đến khi có thông báo mới. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia châu Phi, vốn là nhóm nhận nhiều viện trợ từ Mỹ trong những thập kỷ qua.

Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Mỹ là nhà tài trợ viện trợ phát triển lớn nhất thế giới, với hơn 64 tỷ USD trong năm 2023, chiếm 30% tổng số 224 tỷ USD viện trợ toàn cầu từ các nước phát triển. Châu Phi, đặc biệt là khu vực cận Sahara, phụ thuộc lớn vào các khoản hỗ trợ như vậy. Việc nguồn tài trợ bị dừng đột ngột khiến hàng loạt chương trình phát triển lâm vào tình trạng thiếu kinh phí nghiêm trọng.

Chẳng hạn về y tế, tại Eswatini, các chương trình điều trị HIV/AIDS do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ đã phải đóng cửa nhiều cơ sở, ảnh hưởng đến hàng nghìn bệnh nhân đang điều trị dài hạn, theo tờ The Washington Post.

Không chỉ nguồn viện trợ từ Mỹ bị ảnh hưởng, các khoản vay từ Trung Quốc - nhà tài trợ lớn thứ hai cho châu Phi - cũng đang giảm mạnh. Sau giai đoạn đỉnh cao vào năm 2016, ở mức 28,8 tỷ USD, sau đó giảm dần qua từng năm, chỉ đạt 1 tỷ USD vào năm 2022, theo Cơ sở dữ liệu Trung Quốc-châu Phi thuộc Đại học Boston. Tình trạng này càng khoét sâu thêm khoảng trống tài chính mà các nước châu Phi đang đối mặt.

Trong khi nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục tiếp tục tăng, các chính phủ châu Phi hiện đang phải dành ngày càng nhiều ngân sách để trả nợ. Theo IMF, kể từ năm 2022, ngân sách chi trả nợ tại nhiều nước châu Phi đã vượt chi tiêu cho y tế. Có tới 13 quốc gia châu Phi dùng hơn 20% thu ngân sách để trả nợ, trong khi tỷ lệ trung bình toàn khu vực là 14%.

Nỗ lực thay đổi cục diện - chưa thành công?

Ethiopia từng được xem là hình mẫu hiếm hoi tại châu Phi trong việc thu hút vốn quốc tế. Nhờ mối quan hệ chặt chẽ với cả phương Tây, Trung Quốc và các cường quốc mới nổi, quốc gia này nhận hàng chục tỷ USD viện trợ và đầu tư kể từ năm 2000.

Trong bài phân tích của tạp chí Le Nouvel Économiste (Pháp), Ethiopia nổi lên là quốc gia châu Phi nhận được nhiều khoản vay từ Trung Quốc nhất, chỉ sau Angola. Nước này còn được các chủ nợ phương Tây xóa hơn ba tỷ USD nợ vào năm 2004 và phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên năm 2014. Gần đây, Ethiopia cũng thu hút hàng tỷ USD từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cho thấy khả năng duy trì hấp dẫn đầu tư của Addis Ababa dù từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nội chiến Tigray.

Tuy nhiên, Ethiopia là trường hợp ngoại lệ trong một bức tranh toàn cảnh nhiều gam tối. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ethiopia, ông Mamo Mihretu cảnh báo - các nước châu Phi đang ngày càng đối mặt với tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa khoản vay và khả năng trả nợ. Đây là dấu hiệu cho thấy rõ, các quốc gia châu Phi ngày càng khó khăn hơn trong việc thu hút những khoản đầu tư mới cần thiết.

Mới đây, người ta còn cho rằng, thế kỷ XXI dường như là một thời kỳ thuận lợi cho châu Phi, với nhu cầu toàn cầu hóa sẽ khuyến khích các nhà đầu tư hướng tới vùng đất này. Nhưng nay, sự thiếu hụt tài trợ quốc tế đang ngày càng rõ nét. Sau thời kỳ được xóa nợ trong thập niên 2000, nhiều nước châu Phi đã vay nợ ồ ạt, dẫn đến tình trạng tỷ lệ nợ trên GDP của khu vực cận Sahara tăng gấp đôi trong 15 năm qua. Hiện nay, chi phí trả nợ đang lấn át các khoản đầu tư công thiết yếu.

Đối với hầu hết quốc gia châu Phi, việc tìm kiếm tài trợ cũng khó khăn hơn trước. Trong bối cảnh thế giới không còn thuận lợi, bất ổn nổi lên ở nhiều nơi, châu Phi rơi vào thế khó khi phải xoay xở giữa sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các thế lực... Khu vực cận Sahara hiện có quan hệ thương mại gần như cân bằng với ba trung tâm kinh tế lớn: Mỹ, EU và Trung Quốc. Theo một báo cáo năm 2024 của IMF, bất kỳ sự phân cực nào về thương mại giữa các khối đều có thể khiến GDP của một quốc gia châu Phi trung bình giảm 4%.

Không chỉ thiếu nguồn tài trợ hay các khoản vay, những nguồn vốn khác cũng suy giảm rõ rệt. Theo cơ sở dữ liệu của Đại học Boston, các khoản vay từ Trung Quốc cho châu Phi giảm mạnh từ đỉnh 28,8 tỷ USD năm 2016 xuống chỉ còn trung bình 2,5 tỷ USD mỗi năm trong thập niên 2020. Trong khi đó, FDI vào châu Phi chỉ đạt 53 tỷ USD năm 2023, chiếm vỏn vẹn 4% dòng vốn toàn cầu - thấp hơn cả mức năm 2013.

Theo báo cáo của IMF, gần một nửa số quốc gia châu Phi đang ở tình trạng “mất cân bằng vĩ mô” ở các mức độ khác nhau. Sự thiếu hụt đầu tư trầm trọng vào các lĩnh vực then chốt, như giáo dục, cơ sở hạ tầng hay nghiên cứu và phát triển, có nghĩa là lục địa này có nguy cơ chậm lại hơn nữa. Theo những xu hướng hiện tại, dường như rất khó để châu Phi thu hút được những khoản đầu tư cần thiết để thay đổi cục diện.

Tại Hội nghị thượng đỉnh hợp tác Trung Quốc- châu Phi 2024, Trung Quốc cam kết khoản hỗ trợ 50 tỷ USD trong ba năm tới. Các nước vùng Vịnh, đặc biệt là UAE và các cường quốc tầm trung như Thổ Nhĩ Kỳ đang lấp một phần khoảng trống đầu tư cần thiết.

Các nhà lãnh đạo châu Phi cũng đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp mới. Họ mong muốn vay được nhiều tiền hơn từ các định chế tài chính truyền thống. Tuy nhiên, trong năm 2024, với kêu gọi tăng tài trợ cho Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) - phương tiện của WB dành cho các nước nghèo lên 120 tỷ USD – con số thực tế cam kết chỉ đạt 100 tỷ USD.

Giới chuyên gia cho rằng, để thay đổi cục diện, châu Phi cần tranh thủ những cơ hội dù nhỏ nhất, như tài trợ khí hậu, cải cách thương mại toàn cầu, mở rộng quyền tiếp cận thị trường... Nhưng trong một thế giới ngày càng bảo hộ và đầy bất ổn, chờ đợi từ bên ngoài có thể sẽ rất lâu. Châu Phi cần tìm cách tự đứng vững, một giải pháp kịp thời, để không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng phát triển kéo dài.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bat-dinh-tim-duong-toi-chau-phi-315194.html
Zalo