Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Singapore

4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam là đối tác thương mại thứ 10 của Singapore với kim ngạch thương mại song phương đạt 13,1 tỷ SGD, tăng 28,2% so với cùng kỳ 2024.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore dẫn nguồn số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore cho biết, tháng 4 năm 2025, tổng kim ngạch ngoại thương của Singapore với thế giới đạt 124,73 tỷ SGD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Xuất khẩu đạt 68,1 tỷ SGD, tăng 22,1%, nhập khẩu đạt 56,58 tỷ SGD, tăng 7%. Giá trị xuất khẩu sản phẩm nội địa đạt 24,25 tỷ SGD, tăng 0,8%, giá trị tạm nhập tái xuất (trung chuyển) đạt 43,90 tỷ SGD, tăng 38,2%.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch ngoại thương của Singapore với thế giới đạt 451,46 tỷ SGD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Xuất khẩu đạt 239,96 tỷ SGD, tăng 8,3%; nhập khẩu đạt 211,50 tỷ SGD, tăng 6,6%. Giá trị xuất khẩu sản phẩm nội địa đạt 95,28 tỷ SGD, giảm 1,2%, giá trị tạm nhập tái xuất (trung chuyển) đạt 144,67 tỷ SGD, tăng 15,5%.

Trong 4 tháng đầu năm 2025, trao đổi thương mại của Singapore với 15 đối tác chính đa số duy trì tăng trưởng dương.

Trong đó, về giá trị trao đổi thì Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục tạm thời giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Singapore với kim ngạch trao đổi song phương đạt 55,6 tỷ SGD, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm 2024. Top 5 đối tác thương mại lớn nhất của Singapore còn có Trung Quốc (trao đổi song phương đạt 49,9 tỷ SGD, giảm 11,7%), Malaysia (48,7 tỷ SGD, tăng 7,6%), Hoa Kỳ (14,8%), và Hồng Kông (Trung Quốc) (27,9 tỷ SGD, tăng 6,6%).

4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu sang Singapore đạt 878,5 triệu SGD

Sau 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam tạm thời giữ vị trí đối tác thương mại thứ 10 của Singapore với kim ngạch trao đổi song phương đạt tổng cộng 13,1 tỷ SGD, tăng 28,2% so với cùng kỳ 2024. Trong đó: Xuất khẩu sang Việt Nam đạt 9,4 tỷ SGD, tăng 23,9%; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 3,7 tỷ SGD, tăng 40,5%.

Riêng trong tháng 4 năm 2025, tổng kim ngạch ngoại thương của Singapore với Việt Nam đạt 3,2 tỷ SGD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó: Xuất khẩu của Singapore sang Việt Nam đạt 2,4 tỷ SGD, tăng 25,3%, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 1,1 tỷ SGD, tăng 43%.

Trong xuất khẩu hàng hóa của Singapore, giá trị xuất khẩu sản phẩm nội địa đến Việt Nam đạt 764,3 triệu SGD, tăng 19,5%, giá trị tạm nhập tái xuất (trung chuyển) sang Việt Nam đạt 1,4 tỷ SGD, tăng 28,8%.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, trong xuất khẩu hàng hóa của Singapore, giá trị xuất khẩu sản phẩm nội địa đến Việt Nam đạt 2,78 tỷ SGD, tăng 18,2%, giá trị tạm nhập tái xuất (trung chuyển) sang Việt Nam đạt 6,6 tỷ SGD, tăng 26,5%.

Nếu chỉ tính theo xuất xứ hàng hóa, 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu sang Singapore đạt 878,5 triệu SGD.

Các nhóm hàng xuất khẩu chính của Singapore tới Việt Nam

Về xuất khẩu, số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore cho thấy, trong 04 tháng đầu năm 2025, hai nhóm hàng là Máy móc và thiết bị điện và bộ phận (HS 85) và Nhiên liệu, dầu mỏ và sản phẩm chưng cất; các chất chứa bi-tum; các loại sáp khoáng chất (HS 27) tiếp tục là hai nhóm hàng hóa xuất khẩu thứ 1 và 2 của Singapore tới Việt Nam.

Tổng giá trị xuất khẩu của hai nhóm này đạt 6,5 tỷ SGD, chiếm đến gần 70% tổng giá trị xuất khẩu của Singapore sang Việt Nam trong 04 tháng đầu năm 2025. Hai nhóm này hiện cũng đang chứng kiến mức tăng trưởng khá, cụ thể là: nhóm Máy móc và thiết bị điện và bộ phận (HS 85) có giá trị xuất khẩu tới Việt Nam đạt 4,8 tỷ SGD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2024; còn nhóm Nhiên liệu, dầu mỏ và sản phẩm chưng cất; các chất chứa bi-tum; các loại sáp khoáng chất (HS 27) đạt 1,7 tỷ SGD, tăng 29,8%.

Tuy cùng chiếm tỷ trọng cao nhưng bản chất xuất khẩu của Singapore đối với hai nhóm này tới Việt Nam có sự khác biệt khá rõ rệt. Nếu như nhóm máy móc và thiết bị điện và bộ phận (HS 85) có tỷ lệ tạm nhập tái xuất từ nước thứ ba đến 97,9% thì nhóm nhiên liệu, dầu mỏ và sản phẩm chưng cất; các chất chứa bi-tum; các loại sáp khoáng chất (HS 27) lại chủ yếu được sản xuất trong nước tại Singapore với tỷ lệ của giá trị nội địa trong xuất khẩu sang Việt Nam chiếm đến 99,4%.

Ngoài hai nhóm nêu trên, trong Top 15 các nhóm hàng xuất khẩu chính của Singapore tới Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025, có một số nhóm hàng khác đáng chú ý với giá trị xuất khẩu khá hoặc tăng trưởng ấn tượng như nhóm: Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và thiết bị cơ khí và bộ phận (HS 84), đạt 652,2 triệu SGD, tăng 62,8%; Nhựa và sản phẩm từ nhựa (HS 39), đạt 386,5 triệu SGD, tăng 15,6%; và dược phẩm (HS 30), đạt 95 triệu SGD, tăng 115,6%.

Các nhóm hàng nhập khẩu chính của Singapore từ Việt Nam

Về xuất khẩu, số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2025, nhóm máy móc và thiết bị điện và bộ phận (HS 85) cũng tiếp tục là nhóm hàng hóa có giá trị nhập khẩu cao nhất mà Singapore nhập khẩu từ Việt Nam, đạt 1,8 tỷ SGD, tăng 78,5% so với cùng kỳ năm 2024 và chiếm đến 48,6% tổng giá trị nhập khẩu của Singapore từ Việt Nam.

Nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang Singapore là máy móc, thiết bị tăng trưởng rất mạnh đạt 1,8 tỷ SGD, tăng 78,5%. Ảnh: Baochinhphu.vn

Nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang Singapore là máy móc, thiết bị tăng trưởng rất mạnh đạt 1,8 tỷ SGD, tăng 78,5%. Ảnh: Baochinhphu.vn

Đứng thứ 2 và 3 về giá trị nhập khẩu của Singapore từ Việt Nam lần lượt là các nhóm: Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và thiết bị cơ khí và bộ phận (HS 84), đạt 871,4 triệu SGD, tăng 102,3%; và thủy tinh và sản phẩm bằng thủy tinh (HS 70), đạt 292.012 triệu SGD, tăng 31,2%.

Ngoài ra, các nhóm còn lại trong top 15 nhóm hàng nhập khẩu chính của Singapore từ Việt Nam hầu hết đều ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2024, duy chỉ có ba nhóm ghi nhận tăng trưởng dương là: Dụng cụ và thiết bị quang học/nhiếp ảnh/điện ảnh/đo lường chính xác/kiểm tra y tế hoặc phẫu thuật và bộ phận/phụ kiện (HS 90), đạt 39,3 triệu SGD, tăng 86,3%; cá và động vật giáp xác/thân mềm/thủy sinh không xương sống khác (HS 03), đạt 39 triệu SGD, tăng 14,8%; và ngọc trai tự nhiên hoặc nuôi cấy, đá quý hoặc đá bán quý, kim loại quý, kim loại được dát phủ kim loại quý và sản phẩm; đồ trang sức làm bằng chất liệu khác; tiền kim loại (HS 71), đạt 22,5 triệu SGD, tăng 238,3%.

Theo ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại tại Singapore, tình hình ngoại thương nói chung của Singapore với thế giới riêng trong tháng 4/2025 tiếp tục ghi nhận được đà tăng trưởng tích cực với tất cả các chỉ tiêu (tổng kim ngạch, xuất khẩu, nhập khẩu) đều tăng trưởng dương.

Tương tự như vậy, tình hình thương mại song phương của Singapore với Việt Nam riêng trong tháng 4/2025 cũng tiếp tục giữ đà tăng trưởng tích cực.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn, thương vụ sẽ tiếp tục cập nhật tình hình, cơ chế, chính sách của địa bàn. Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, trưng bày hàng hóa, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại Singapore.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-la-doi-tac-thuong-mai-lon-thu-10-cua-singapore-389181.html
Zalo