Nhiều ca bệnh sởi và sốt phát ban: Bệnh viện thiết lập khu vực cách ly
Trong vòng một tháng rưỡi trở lại đây, ca bệnh sốt phát ban nghi sởi và bệnh sởi diễn biến phức tạp khiến các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế khá vất vả trong chăm sóc, điều trị. Khoa Nhi Tiêu hóa - Tiết niệu - Bệnh nhiệt đới (NTH-TN-BNĐ) phải kê thêm giường bệnh cho trẻ ở khu vực cách ly.

Một bệnh nhân sởi bị cao huyết áp được theo dõi chặt chẽ tại Khoa Bệnh nhiệt đới
Quá tải
Ngay ở phòng bệnh đầu tiên của khu cách ly, tiếng gọi huy động người kích hoạt máy thở và bước chân chạy gấp của các y, bác sĩ khiến mọi người căng thẳng dõi theo. Đó là bệnh nhi (BN) Nguyễn Đoàn M. H. (2 tuổi, ở TX. Hương Thủy) lên cơn khó thở. Anh Nguyễn Quốc V. - ba bé kể, do cơ địa bị xương thủy tinh, bé dễ bị viêm phổi, đau ốm liên tục nên thường xuyên điều trị tại bệnh viện. Sau khi về nhà ăn Tết mấy hôm, H. sốt liên tục, mệt quấy khóc, phát ban nên quay trở lại Trung tâm Nhi. Ca bệnh này vừa trải qua đợt suy hô hấp phải chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu Nhi mấy ngày mới chuyển lên Khoa NTH-TN-BNĐ.
Nằm chung phòng, bé Phan Hiếu V. (9 tháng tuổi, trú ở quận Phú Xuân) có đầy đủ biểu hiện của sởi với mắt đỏ, ban phát ở lưng và mặt, sốt li bì. Bé được chẩn đoán sởi biến chứng viêm phổi nặng kèm theo suy hô hấp nên chuyển đi hồi sức tích cực 4 ngày rồi về lại khoa này. Chị Hoàng Ngọc K.L. mẹ bé lo lắng: “Bé nhà em bị bệnh khá nặng, em tính cho bé tiêm phòng mũi 3 trong 1 (sởi - quai bị - rubella) nên chờ tới 12 tháng tuổi, ai ngờ bé phát bệnh sớm. Nhà còn một đứa nhỏ nữa, em đang cố gắng tăng sức đề kháng cho bé còn lại vì sợ lây nhiễm”.
Chưa được tiêm phòng sởi, bé Nguyễn Hữu P. (7 tháng tuổi ở phường Kim Long, quận Phú Xuân) lây bệnh từ người chị gái trong gia đình. Sau khi sốt mấy ngày, P. ho nhiều, phát ban và kiệt sức nên gia đình đưa vào bệnh viện điều trị. Bé bú sữa và ọc ra liên tục khiến mẹ và bà nội rất lo lắng, liên tục hỏi han bác sĩ.
Khoa NTH-TN-BNĐ hiện điều trị 30 ca sốt phát ban nghi sởi và dương tính với sởi. Một tháng rưỡi đầu năm, khoa tiếp nhận điều trị hơn 200 ca sốt phát ban và sởi; trong khi 2 tháng cuối năm 2024 chỉ ghi nhận 45-50 ca bệnh này. “Đợt bệnh này vừa ra thì có đợt bệnh mới chuyển vào nên khoa trong tình trạng quá tải, có lúc phòng bệnh phải kê thêm giường hoặc nằm chung giường”, một bác sĩ nói.
Sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin. Nếu vắc-xin bao phủ trên 95% sẽ tạo được miễn dịch cộng đồng, góp phần bảo vệ 5% số trẻ còn lại không được tiêm vắc-xin vì nhiều lý do khác nhau. Vì vậy, nên cho trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, 18 tháng. Trường hợp không tiêm đủ 2 mũi, khuyến cáo tiêm bù càng sớm càng tốt.
“Biến chứng thường gặp của sởi thường xảy ra vào ngày thứ 2 và ngày thứ 5 của giai đoạn phát ban như viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm tai giữa, tiêu chảy (thường gặp) viêm não (ít gặp)… Qua khám sàng lọc, chúng tôi chỉ nhận những ca bệnh nặng. Trường hợp sởi không biến chứng vẫn có thể điều trị tại cộng đồng và áp dụng các biện pháp phòng ngừa: Tăng cường sức đề kháng, uống nhiều nước, theo dõi biểu hiện trẻ nếu có nguy cơ. Nếu trẻ sốt cao liên tục, nôn nhiều, thở nhanh có dấu hiệu suy hô hấp mới nên nhập viện”, PGS.TS.BS Nguyễn Hữu Châu Đức - Ban Chủ nhiệm Khoa NTH-TN-BNĐ Trung tâm Nhi, BVTW Huế khuyến cáo.
Người lớn vẫn bị biến chứng
Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Trung ương Huế tuần qua điều trị 11 ca sởi ở thanh niên và người lớn tuổi. Các ca bệnh này nằm cách ly riêng. Theo thống kê, số ca bệnh sởi điều trị nội trú ở khoa năm nay tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Ở người lớn, ngoài phát ban, sởi cũng gây viêm long đường hô hấp, sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ, hắt hơi, sổ mũi…
Anh Ngô V.S. 24 tuổi, nhân viên một khách sạn ở TP. Huế nhập viện trong tình trạng ban nổi đầy lưng, cổ và mặt, sốt cao, khó thở, ho, đau bụng. Anh nói: “Chưa khi nào đau mà tôi thấy kiệt quệ như thế này, nằm trên giường dậy không nổi. Khả năng tôi lây bệnh do tiếp xúc nhiều đối tượng ở các vùng miền khi làm việc. Sau khi chuyển từ tuyến dưới lên đây, được truyền dịch, uống thuốc, tình hình cải thiện hơn trước. Lên nằm viện thấy yên tâm hơn nhiều”.
Nặng nhất trong các ca sởi là BN Trần Văn C., 35 tuổi ở xã Vinh Hưng, Phú Lộc. Anh C. có bệnh nền huyết áp, người suy kiệt, khó thở phải thở ô-xy và được theo dõi sát sao. BSCKII. Nguyễn Xuân Hiền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới thông tin: “Sởi lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Chúng tôi điều trị sởi theo triệu chứng và bệnh nền. Người mang bệnh nền có nguy cơ biến chứng cao nên hết sức cẩn trọng. Trước đợt này, khoa vừa điều trị một trường hợp ngoài 40 tuổi bị biến chứng viêm phổi do sởi. Bệnh nhân này nằm hơn 10 ngày mới được xuất viện”.
5 năm trở lại đây, năm 2019 là năm có ca bệnh sởi gia tăng với 35 ca bệnh dương tính. Các năm 2020-2022 không ghi nhận ca mắc. Năm 2023, 2024 xuất hiện trở lại vài ca bệnh. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố ghi nhận chưa tới 10 ca sởi có kết quả xét nghiệm dương tính. Tình hình dịch sởi tại một số địa phương cùng với thực trạng thiếu nguồn cung vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc, nguy cơ bùng phát dịch sởi luôn hiện hữu.
Trước thực trạng này, Sở Y tế đã chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng chống dịch, chú trọng công tác tiêm chủng mở rộng hàng tháng (tiêm vắc-xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi); tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh này. Chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi, xử lý triệt để ổ dịch đồng thời tổ chức truyền thông rộng rãi trong người dân.