Nhanh chóng ổn định bộ máy, đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương sau sáp nhập
Tại các địa phương thực hiện việc sáp nhập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngay sau khi công bố, các đơn vị đã sớm kiện toàn bộ máy, nhanh chóng ổn định tình hình, đảm bảo ANTT để vận hành bộ máy hệ thống chính trị, đảm bảo mục tiêu không gián đoạn trong hoạt động, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp đến làm việc, giao dịch.
Từ ngày 1/1/2025, thực hiện Nghị quyết số 1283/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025, xã Sơn Long và xã Sơn Trà thuộc huyện Hương Sơn sẽ sáp nhập với nhau dưới tên gọi mới là xã Mỹ Long. Sau khi thành lập, xã Mỹ Long có diện tích tự nhiên là 13,00km2 và quy mô dân số là 5.876 người.
Thiếu tá Bùi Công Thành, nguyên Trưởng Công an xã Sơn Trà được Công an tỉnh Hà Tĩnh điều động, bổ nhiệm giữ chức Trưởng Công an xã Mỹ Long chia sẻ, việc sáp nhập hai đơn vị hành chính thành một đã thay đổi nhiều yếu tố chứ không đơn thuần chỉ là tăng về diện tích, quy mô dân số. Mặc dù vậy, trước thời điểm công bố các quyết định, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng lực lượng Công an, ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương rộng rãi đến toàn thể nhân dân 2 xã, hệ thống chính trị cũng đã sẵn sàng cho việc vận hành bộ máy mới.
Trong đó, lực lượng Công an xã đã công khai số điện thoại đường dây nóng của các đồng chí trưởng, phó trưởng Công an xã và các đồng chí trong đơn vị để toàn thể nhân dân được biết trong giao dịch cũng như quan hệ công tác. Nhờ vậy, sau hơn 10 ngày vận hành hệ thống chính quyền mới, mọi hoạt động, giao dịch tại xã Mỹ Long đã diễn ra bình thường, tình hình ANTT trên địa bàn được giữ vững ổn định.
Trong số các đơn vị hành chính thực hiện việc giải thể, sáp nhập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh lần này, dấu ấn lớn nhất là xóa tên trên bản đồ đơn vị hành chính huyện Lộc Hà sau 17 năm tồn tại. Đại tá Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trước thời điểm Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực, phát huy vai trò "đi trước, mở đường", lực lượng Công an đã tiến hành công bố các quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc giải thể Công an huyện Lộc Hà để sáp nhập vào Công an huyện Thạch Hà; công bố các quyết định về bộ máy tổ chức của đơn vị Công an huyện Thạch Hà mới và các quyết định của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh về việc bố trí, điều động đối với các đồng chí lãnh đạo cấp phòng, Công an cấp huyện tại một số Công an đơn vị, địa phương trong Công an tỉnh Hà Tĩnh theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025.
Đại tá Nguyễn Xuân Thao cho biết thêm, việc sắp xếp lại bộ máy và tổ chức cán bộ lần này là một chủ trương đúng đắn, hiệu quả. Việc được công tác, cống hiến trong đơn vị mới vừa là vinh dự, tự hào nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Công an tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các đồng chí được bố trí, điều động làm việc tại các đơn vị hành chính mới tiếp tục phát huy năng lực, sở trường, nhanh chóng tiếp nhận công việc và phối hợp, đoàn kết cùng cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác được giao, kịp thời giải quyết các phần việc, không để gián đoạn. Nhiệm vụ trước mắt là tập trung thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và triển khai nhiệm vụ bảo đảm ANTT trước thềm đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025, Hà Tĩnh tiến hành sắp xếp ở 4 đơn vị hành chính cấp huyện và 23 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, Hà Tĩnh giảm 1 huyện và 7 xã/phường. Trong số này, từ ngày 1/1/2025 có 11 xã của huyện Thạch Hà và xã Hộ Độ của huyện Lộc Hà sáp nhập về TP Hà Tĩnh và 11 xã, thị trấn của huyện Lộc Hà nhập về huyện Thạch Hà. Sau sắp xếp, huyện Thạch Hà có 22 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 20 xã và 2 thị trấn, có diện tích tự nhiên hơn 325km2, quy mô dân số là 190.335 người.
Sau khi sáp nhập, điều chỉnh đơn vị hành chính, Công an huyện Thạch Hà hoạt động với quy mô mới, nhập với Công an huyện Lộc Hà. Quá trình kiện toàn tổ chức và sắp xếp nhân sự được tiến hành bài bản, khoa học, theo hướng dẫn, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Đặc biệt đã tạo được sự thống nhất đồng thuận và ủng hộ từ toàn bộ cán bộ, chiến sĩ. Trung tá Nguyễn Đức Hoàng, Phó Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Thạch Hà cho biết, mặc dù lúc đầu có những khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng với trách nhiệm của người cán bộ Công an, đơn vị đã nhanh chóng hòa nhập, khắc phục khó khăn tiếp cận địa bàn và sớm tiếp cận công việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Bình, Đội trưởng Đội hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú, cấp và quản lý căn cước, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Hà Tĩnh thông tin thêm, một trong những vấn đề người dân quan tâm sau sáp nhập là CCCD đã cấp liệu có giá trị sử dụng? Vấn đề này, Công an tỉnh Hà Tĩnh khẳng định sau sáp nhập đơn vị hành chính, người dân vẫn có thể sử dụng căn cước và CCCD đã cấp. Người dân đang sinh sống tại các địa phương có thay đổi về đơn vị hành chính không bắt buộc phải làm lại thẻ căn cước. Tuy nhiên, để thuận tiện hơn trong thực hiện các giao dịch dân sự, người dân có thể liên hệ cơ quan Công an yêu cầu cấp đổi thẻ căn cước; trong trường hợp này, người dân không phải nộp phí, lệ phí.
Bên cạnh đó, để thuận tiện cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã kịp thời triển khai khắc con dấu cho đơn vị hành chính mới sau sáp nhập. Trong 10 ngày đầu năm, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã thu hồi và đăng ký lại trên 2.000 con dấu cho các cơ quan, tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Lực lượng Công an các cấp đã bố trí nhân lực, thiết bị để phục vụ quá trình giao nộp con dấu cũ, đổi con dấu mới.
Đến thời điểm hiện tại, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện việc rà soát, chuyển đổi, cập nhật, bổ sung thông tin công dân có liên quan đơn vị hành chính có thay đổi do sáp nhập, sắp xếp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi hoàn thành cập nhật, điều chỉnh thông tin trên hệ thống thì dữ liệu sẽ được đồng bộ về các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin các bộ, ngành, địa phương có kết nối nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và khai thác, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo thông tin cư trú mới của công dân.