Chuyển biến toàn diện ý thức tham gia giao thông

Từ ngày 1/1, khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực và được áp dụng trên thực tế, văn hóa tham gia giao thông của bộ phận không nhỏ người dân đã có sự thay đổi rõ rệt.

Dù đây đó vẫn còn những ý kiến trái chiều, nhưng rõ ràng khi mức xử phạt vi phạm tăng rất nặng đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức người tham gia giao thông.

Thay đổi bất ngờ

Tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168) hàng loạt hành vi vi phạm giao thông phải chịu mức xử phạt hành chính cao gấp nhiều lần, thậm chí hàng chục lần so với trước đây, đặc biệt với nhóm lỗi có tính chất cố ý và là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn.

Cụ thể, đối với người điều khiển ô tô vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông mức phạt tiền 18 - 20 triệu đồng, cao gấp 4 lần quy định cũ. Hành vi: quay đầu xe trên đường cao tốc, đi ngược chiều hoặc lùi xe trên cao tốc, đi mô tô vào đường cao tốc... có mức phạt cao gấp 2 - 3 lần.

Một số hành vi như: vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... có mức phạt cao gấp 3 - 30 lần so với hiện hành. Mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông mức phạt tăng rất mạnh đến 36 - 50 lần.

Người dân chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông tại nút giao Thái Hà - Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Người dân chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông tại nút giao Thái Hà - Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm các quy định về trật tự, ATGT cũng áp dụng mức xử phạt rất nặng như: đi xe lên vỉa hè phạt 6 triệu đồng; vượt đèn đỏ phạt từ 4 - 6 triệu đồng; sử dụng điện thoại khi lái xe phạt từ 800 nghìn - 1 triệu đồng, gây tai nạn còn có thể bị phạt tới 14 triệu đồng.

Các mức phạt vi phạm giao thông mới đã tạo ảnh hưởng rất lớn đến người dân, khiến bất kỳ ai cũng phải chú tâm đến luật giao thông, tự mình chấn chỉnh các hành vi chưa đúng khi tham gia lưu thông. Anh Lê Trung Nguyên (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cho biết: “Với mức phạt đáng sợ như vậy, chắc chắn bất cứ ai cũng phải e dè, không dám vi phạm. Những hành vi vốn trước đây được xem là thói thường, là tập quán như: vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè… bây giờ ít ai còn dám. Phạt một lần sợ đến già”.

Chỉ huy Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội chia sẻ: “Hiệu ứng từ Nghị định 168 có thể nói là rất mạnh mẽ. Chỉ sau 1, 2 ngày ra quân xử phạt theo quy định mới, chúng tôi rất bất ngờ với ý thức của người tham gia giao thông. Không còn cảnh cả trăm phương tiện ào ạt lao lên vượt đèn đỏ, nối đuôi nhau rồng rắn đi ngược chiều nữa”.

Đúng là có nhiều ý kiến bàn tán trên mạng xã hội phản đối mức phạt vi phạm giao thông mới. Tuy nhiên đều không đưa ra được căn cứ nào cụ thể, chính xác. Không ít trong số đó là ý kiến của tài xế xe kinh doanh vận tải, từ lái xe tải, xe khách, taxi cho đến xe ôm công nghệ.

Đây cũng là một trong những nhóm người có nhiều vi phạm giao thông nhất nên nảy sinh tâm lý e sợ, phản đối. Bên cạnh việc duy trì xử phạt nghiêm khắc, cơ quan chức năng cần phối hợp với các DN vận tải, hãng công nghệ kết nối vận chuyển tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông cho các tài xế. Đặc biệt cần có cả mức phạt cao cho DN nếu để tài xế vi phạm luật giao thông.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng

Không chỉ lực lượng chức năng mà ngay chính người dân cũng bất ngờ với hiệu ứng từ Nghị định 168. Những ngày qua khi Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam thi đấu liên tục và giành danh hiệu của khu vực, hàng vạn người đã đổ ra đường “đi bão” thâu đêm, nhưng khi đèn tín hiệu giao thông chuyển đỏ, cả dòng phương tiện vẫn ngay ngắn dừng chờ. Buổi tối, đêm muộn, sáng sớm hay ngày nghỉ, dù lực lượng chức năng thưa vắng, người dân vẫn chấp hành tốt luật lệ giao thông vì sợ phạt nguội.

Ông Nguyễn Văn Lập (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Chỉ mới áp dụng chưa đến chục ngày mà tình hình giao thông êm ả hẳn. Ra đường thấy dễ chịu, an toàn hơn nhiều. Không ít người vẫn kêu ca về mức phạt cao, nhưng tôi thấy hiệu quả rõ rệt. Một thời gian nữa, khi số lượng vi phạm ngày càng ít đi, nề nếp giao thông hình thành, chính những ngươi vi phạm sẽ tự biết xấu hổ mà thay đổi”.

Hài hòa nhưng không buông lỏng

Dù tạo ra những chuyển biến tích cực rõ rệt trong ý thức của người tham gia giao thông nhưng những ngày qua, quy định mới tại Nghị định 168 cũng phải chịu áp lực không nhỏ từ những luồng dư luận trái chiều. Nhiều người cho rằng mức phạt quá cao, gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là nhóm tài xế xe kinh doanh vận tải.

Nhiều hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy có người cắt bỏ bằng lái, võ đoán “phạt nặng để tận thu”… Liên quan đến những nhận định này, thạc sĩ xã hội học Lê Hoàng Lan cho rằng, bất cứ quy định mới nào, nhất là liên quan đến xử phạt đều dễ vấp phải phản ứng trái chiều của một bộ phận người dân.

“Điều đó là bình thường, bởi có nhiều người chưa nhận thức rõ mục đích và hiệu quả của quy định mới. Làm tốt công tác tuyên truyền, duy trì hiệu quả tích cực của luật lâu dài sẽ dần dần xóa tan những định kiến đó” - bà Lê Hoàng Lan nói.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, nhiều ý kiến phản ánh bất cập của người dân về hạ tầng, tổ chức giao thông trong những ngày qua là có cơ sở. Nâng cao mức phạt nhưng ngược lại cơ quan chức năng cũng phải quản lý tốt hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân lưu thông thuận lợi, hài hòa lợi ích các bên.

Sở GTVT cần phối hợp ngay với Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội tổng kiểm tra rà soát các nút giao có đèn tín hiệu, hệ thống sơn kẻ, biển báo tổ chức giao thông, khắc phục ngay những bất cập, trục trặc để bảo đảm quyền lợi cho người dân, giảm thiểu khó khăn trong lưu thông.

Hơn nữa còn phải xử phạt nghiêm vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây cản trở giao thông, nhằm giảm thiểu ùn tắc, nhất là trong khu vực trung tâm TP. Cần thiết phải có một đường dây nóng tiếp nhận tin báo về hư hỏng đèn tín hiệu, hạ tầng đường sá để người dân phản ánh đến cơ quan chức năng nhanh nhất, kịp thời nhất.

Thạc sĩ quản lý đô thị Trần Tuần Anh

Hiện Hà Nội vẫn còn ghi nhận được tại một số nút giao, đèn tín hiệu giao thông trục trặc kỹ thuật, chuyển pha bất ngờ. Có nơi xe ô tô dừng đỗ dưới lòng đường, trên vỉa hè, quán xá bày bán… gây cản trở giao thông khiến người dân đi đúng luật thì ùn ứ, mà sai luật thì chịu phạt nặng. Những hiện tượng này cần được khắc phục nhanh chóng, triệt để nhằm đồng bộ công tác quản lý, điều hành giao thông từ khâu hạ tầng, tổ chức cho đến tuần tra, kiểm soát.

Tuy nhiên, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhấn mạnh: “Cần bảo đảm người dân không bị phạt oan, nhưng cũng không thể nhượng bộ để tái diễn các hành vi vi phạm, nhất là nhóm lỗi có tính chất cố ý. Hài hòa lợi ích các bên nhưng không buông lỏng để nhờn luật, coi thường luật pháp”.

Các chuyên gia cho rằng, về tổng thể tăng mức phạt vi phạm giao thông là phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên có một số điểm vẫn cần nghiên cứu thêm. Ví dụ như việc chi trả tiền cho người báo tin vi phạm có nên thực hiện ngay và chi trả ở mọi cấp độ hay không? Quy định này có thể gây xáo trộn, chia rẽ dư luận xã hội.

Hay như quy định về lái xe kinh doanh vận tải không được làm việc liên tục quá 4 tiếng, có thể nới lỏng với một số loại hình như: taxi, xe tải nhỏ… Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội phân tích: “Với đường đô thị như Hà Nội, một ca làm 4 tiếng có khi không đủ để vận hành một chuyến xe do ùn tắc giao thông. Vì vậy, cần xem xét lại để đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động cũng như tăng cường hiệu quả kinh doanh cho DN”.

Tóm lại, sau 10 ngày áp dụng các quy định tại Nghị định 168, những kết quả tích cực đạt được rất nổi trội, rõ ràng. Hiệu quả quan trọng nhất là người dân đã thực sự quan tâm đến việc chấp hành luật giao thông, tạo nên chuyển biến toàn diện trong ý thức tham gia giao thông. Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới cơ quan chức năng cần tiếp tục theo dõi, giám sát, sẵn sàng điều chỉnh những bất cập nếu có, đồng thời duy trì xử phạt nghiêm để xây dựng nề nếp, văn hóa giao thông.

Cần bổ sung các hình thức xử phạt vi phạm giao thông khác ngoài phạt tiền, đặc biệt là những hình thức phạt có tính giáo dục, tuyên truyền cao.

Ví dụ như với những người đi sai luật mà gây tai nạn, phải bắt buộc lao động công ích, phục vụ, làm việc tại những bệnh viện, trung tâm y tế điều trị cho nạn nhân tai nạn giao thông để họ tận mắt thấy hậu quả và có chuyển biến sâu sắc trong ý thức.

Hay ngoài phạt tiền có thể yêu cầu người vi phạm tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông tại các trường học, khu dân cư… để chính họ nắm chắc, hiểu rõ và thấm nhuần hơn các quy định của luật pháp.

Luật sư Phan Thị Thanh Hiền - Đoàn luật sư TP Hà Nội

Minh Tường

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-bien-toan-dien-y-thuc-tham-gia-giao-thong.html
Zalo