Nhân tố con người trong xây dựng bộ máy Nhà nước Việt Nam thời đại mới
Giữa guồng quay đổi mới và khát vọng vươn mình của dân tộc, hệ thống chính trị nói chung và bộ máy Nhà nước Việt Nam nói riêng đang đứng trước yêu cầu cấp bách về sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đảng ta đang quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương này.
Trước hết, cần khẳng định rằng, đây không chỉ là câu chuyện về cơ cấu tổ chức, quy định vận hành, mà cốt lõi của sự chuyển mình này nằm ở chính “tâm và tầm” của những người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị. Họ là “viên gạch” xây dựng nên “thành đồng” vững chắc, hay cũng có thể trở thành “điểm nghẽn” nếu không đáp ứng được những đòi hỏi của thời đại.
Từ “cồng kềnh” đến “linh hoạt”: Bài toán tái cấu trúc và vai trò “nhạc trưởng”
Nhìn lại chặng đường đã qua, không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của bộ máy nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự phát triển vượt bậc của khoa học-công nghệ, những hạn chế cố hữu như bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng, hiệu quả hoạt động chưa cao đã trở thành lực cản không nhỏ.
Nghị quyết của Đảng và Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu về tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng khoa học, hợp lý; nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kế hoạch số 140/KH-BCĐTKNQ18, ngày 5-12-2024 của Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ-TW về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ; Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, ngày 31-12-2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị...

Cán bộ, công chức giải quyết các thủ tục cho người dân tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: DUY THÀNH
Sự cắt giảm, tinh gọn bộ máy không đơn thuần là “cắt giảm” cơ học. Điều này đòi hỏi một cuộc “phẫu thuật” toàn diện, mà ở đó, nhân tố con người đóng vai trò của “nhạc trưởng”. Việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí, từng cơ quan, đơn vị; xây dựng quy trình làm việc khoa học, liên thông; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, khoa học, công nghệ... tất cả đều cần đến sự tham gia chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Họ phải là những người thấu hiểu mục tiêu, nắm vững nghiệp vụ, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nâng cao năng lực và đạo đức công vụ. Một bộ máy nhà nước hiệu lực, hiệu quả không thể được xây dựng trên nền tảng của những cán bộ yếu kém về năng lực hoặc suy thoái về đạo đức, lối sống. Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ năng mềm (tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm...), khả năng thích ứng và học hỏi không ngừng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đồng thời, đạo đức công vụ là “gốc rễ” của sự tin cậy và hiệu quả. Những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí không chỉ làm suy yếu bộ máy nhà nước mà còn xói mòn niềm tin của nhân dân. Do đó, việc xây dựng một đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết là nhiệm vụ then chốt.
“Gieo mầm” và “ươm dưỡng” phát triển nguồn nhân lực. Đây là vấn đề căn cốt, có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến vấn đề hoạch định chiến lược phát triển đất nước theo đúng định hướng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Cán bộ là gốc của công việc. Để có đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần có một chiến lược phát triển nguồn nhân lực bài bản, từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đến đánh giá và sử dụng.
Trong tuyển dụng: Cần đổi mới phương thức tuyển dụng theo hướng cạnh tranh, minh bạch, chú trọng phẩm chất, năng lực thực tế, năng lực chuyên môn và khả năng nhạy bén, linh hoạt đối với yêu cầu công việc. Cần thu hút được những người trẻ có trình độ, nhiệt huyết và khát vọng cống hiến. Trong đó, vai trò của người đứng đầu, người tuyển dụng là hết sức quan trọng, phải thực sự công tâm, khách quan, vì lợi ích chung thì mới tuyển chọn được những cán bộ có đủ tâm, đủ tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Về đào tạo và bồi dưỡng: Không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ hiện có. Chú trọng đào tạo theo vị trí việc làm, gắn lý thuyết với thực tiễn, cập nhật những kiến thức mới về quản lý nhà nước, kinh tế, xã hội và công nghệ. Trong đó, cần hết sức lưu ý việc rèn luyện cán bộ thông qua thực tiễn hoạt động và chỉ có thực tiễn hoạt động mới giúp cho đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm và trưởng thành.
Về công tác đánh giá: Đây là khâu hết sức quan trọng để có thể sàng lọc, sử dụng đúng cán bộ. Vì vậy, phải xây dựng được hệ thống đánh giá cán bộ khách quan, công bằng, dân chủ, công khai dựa trên hiệu quả công việc thực tế và phẩm chất đạo đức. Kết quả đánh giá phải là căn cứ quan trọng để quy hoạch, bố trí, sử dụng và đãi ngộ cán bộ. Tránh tình trạng lồng ghép ý kiến cá nhân, tư tưởng cục bộ địa phương, lợi ích nhóm... trong phân tích, đánh giá cán bộ.
Về sử dụng và đãi ngộ: Đây là yếu tố tác động trực tiếp đến nhận thức, động cơ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Tạo môi trường làm việc thuận lợi, phát huy tối đa năng lực, sở trường của mỗi cán bộ. Thực hiện chính sách đãi ngộ xứng đáng, tạo động lực để cán bộ yên tâm công tác và cống hiến. Chúng ta không thể nói suông, hô hào phải cống hiến trong khi không có sự đãi ngộ xứng đáng. Tuy nhiên, bên cạnh sự đãi ngộ, chúng ta cũng cần có cơ chế ràng buộc, giám sát chặt chẽ từ cơ sở và ngay từ ban đầu để cán bộ không thể tham ô, tham nhũng, làm trái quy định... qua đó tránh được tình trạng cán bộ bị tha hóa, biến chất, làm ảnh hưởng đến hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
“Lực đẩy” từ công nghệ và sức mạnh của sự phối hợp
Trong kỷ nguyên số, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động của bộ máy nhà nước là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, công nghệ dù hiện đại đến đâu cũng chỉ là công cụ. Để công nghệ thực sự trở thành “lực đẩy”, cần có đội ngũ cán bộ có đủ năng lực để vận hành, khai thác và làm chủ công nghệ. Họ phải là những người tiên phong trong việc đổi mới phương thức làm việc, tận dụng các nền tảng số để nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Bên cạnh đó, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành, các đơn vị trong bộ máy nhà nước có vai trò vô cùng quan trọng. Cần xóa bỏ tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, cục bộ, khép kín. Thay vào đó, xây dựng văn hóa phối hợp, chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Điều này đòi hỏi sự chủ động, trách nhiệm và tinh thần vì mục tiêu chung của mỗi cán bộ.

Cán bộ, công chức tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình sử dụng trang, thiết bị hiện đại để làm việc, phục vụ người dân hiệu quả. Ảnh: NAM TRỰC
“Khơi nguồn” sáng tạo và “ươm mầm” đổi mới. Một bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực không thể thiếu vắng tinh thần sáng tạo và đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cần khuyến khích cán bộ mạnh dạn đề xuất các giải pháp mới, cách làm hay để giải quyết những vấn đề thực tiễn. Tạo môi trường làm việc cởi mở, dân chủ, nơi mọi ý kiến đóng góp đều được lắng nghe và trân trọng. Việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu những mô hình quản lý tiên tiến cũng là một yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, cần có sự chọn lọc, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
“Dân là gốc”, hướng tới một nền hành chính phục vụ. Cuối cùng, mục tiêu cao nhất của việc xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, lắng nghe ý kiến, giải quyết kịp thời những bức xúc của nhân dân. Xây dựng một nền hành chính kiến tạo, phục vụ, thân thiện và minh bạch là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức.
Có thể khẳng định: Nhân tố con người là “chìa khóa” để mở cánh cửa xây dựng một bộ máy nhà nước Việt Nam tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn phát triển mới. Đây là một hành trình đầy thách thức, đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và mỗi cá nhân cán bộ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Đảng; với sự đồng lòng, trách nhiệm và khát vọng vươn lên, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xứng tầm, làm cho bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, như “thành đồng” vững chắc, tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đáp ứng được yêu cầu của thời đại và sự kỳ vọng của nhân dân.
NGUYỄN TUẤN (Quân đoàn 12)