Cơ hội của ngành công nghiệp cơ khí Hưng Yên
Với khoảng 3,6 nghìn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cơ khí đang hoạt động, tạo việc làm cho trên 48 nghìn lao động, ngành công nghiệp cơ khí của tỉnh đã từng bước làm chủ và nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển.Hiện nay, cơ cấu sản phẩm ngành công nghiệp cơ khí của tỉnh ngày càng đa dạng, như: Luyện cán thép (làm nguyên liệu), đúc thép, đúc hợp kim, sản xuất động cơ, đúc chi tiết máy công nghiệp... Trong đó, tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô… Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật…Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ rất lớn nên nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí. Ðiển hình như một số doanh nghiệp: Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam, Công ty TNHH Cơ khí chính xác Ding Hong, Công ty cổ phần Khuôn mẫu TOMOCO Việt Nam… Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam (VAP) là doanh nghiệp cơ khí lớn nhất tại tỉnh, cung cấp phụ tùng cho Tập đoàn Honda giải và quyết việc làm cho trên 1,5 nghìn lao động.

Sản xuất tại Công ty cổ phần Sản xuất thương mại và Ðầu tư Thuận Ðạt (Ân Thi)
Ông Ðoàn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí và Môi trường Metect (Yên Mỹ) cho biết: Trải qua hơn 10 năm đồng hành phát triển cùng giới doanh nghiệp tại Việt Nam, công ty luôn chú trọng áp dụng khoa học công nghệ và hiện đại hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ðến nay, công ty đã đầu tư hệ thống máy móc chất lượng cao như: Máy cắt laser CNC, máy phay CNC, máy plasma CNC, máy tiện vạn năng, máy hàn bán tự động,... để chế tạo, gia công theo yêu cầu các sản phẩm cơ khí thương hiệu “made in Viet Nam” trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, nhiều doanh nghiệp cơ khí chưa làm chủ được nguồn vốn, phải đi vay để đầu tư với lãi suất cao và bị ràng buộc bởi các điều kiện bất lợi của nhà tài trợ hay đối tác tài chính; công nghệ còn đơn giản so với các nước trong cùng khu vực. Cùng với đó là sự thiếu liên kết và tập hợp của các doanh nghiệp cơ khí, dẫn tới khó hình thành các doanh nghiệp cơ khí chuyên sâu, mang lại hiệu quả đầu tư.
Ông Lê Văn Phượng, Giám đốc Công ty TNHH Halo Mold Tech (Yên Mỹ) cho biết: Ða phần doanh nghiệp trong nước có quy mô vừa và nhỏ nên rất khó “đua” với các doanh nghiệp ngoại có quy mô lớn, cũng như khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Chỉ riêng về thuế, nếu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam sẽ được miễn, giảm thuế nhập khẩu công nghệ, dây chuyền sản xuất; lãi suất vay trung hạn dành cho sản xuất cũng ở mức thấp; được hưởng ưu đãi chi phí thuê đất…
Theo định hướng của tỉnh, đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước. Ðến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ sẽ từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.
Ðể thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí, tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu về các thông tin thị trường, giá, nhà sản xuất… để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí; xây dựng những chính sách về vay vốn, thuế… để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cơ khí cũng như các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ cho ngành này. Cùng với đó, tỉnh gia tăng các chương trình, biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, tiếp tục tập trung hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư cho các lĩnh vực cơ khí phục vụ các ngành cơ khí ô tô, xe máy, cơ khí xây dựng, thiết bị vật tư ngành điện...
Với việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), các doanh nghiệp cơ khí của tỉnh đang đứng trước những cơ hội lớn, có ưu thế hơn khi có thể xuất khẩu tới các thị trường, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong một số lĩnh vực trọng yếu, các doanh nghiệp cơ khí của tỉnh có thể làm chủ được công nghệ, sản xuất chế tạo các loại thiết bị cơ khí phục vụ ngành khai khoáng, nhiệt điện, hóa chất, các thiết bị đồng bộ phục vụ chế tạo trong các nhà máy công nghiệp.