ĐHĐCĐ 2025 PVMachino (PVM): Chốt cổ tức 6% sau 'đấu tranh' của cổ đông; Loạt vấn đề mảng gạo, BĐS, nợ xấu bị chất vấn

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của CTCP Máy Thiết bị Dầu khí (PVMachino - mã chứng khoán: PVM - UPCoM) diễn ra ngày 24/4 đã chứng kiến một buổi thảo luận kéo dài và sôi nổi khi nhiều cổ đông thẳng thắn chất vấn Ban lãnh đạo về các vấn đề tài chính, chiến lược đầu tư và nợ xấu. Sau tranh luận, tỷ lệ chia cổ tức năm 2024 đã được nâng từ mức đề xuất ban đầu lên 6%.

Kết thúc năm tài chính 2024, PVM ghi nhận vốn chủ sở hữu đạt 386 tỷ đồng. Công ty có tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm là 147 tỷ đồng. HĐQT trình Đại hội phương án chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, tương ứng chi khoảng 19,3 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại 123 tỷ đồng.

Với lượng lợi nhuận giữ lại lớn, nhiều cổ đông tại Đại hội đã đề nghị HĐQT xem xét nâng tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2024 lên 10%. Tuy nhiên, Ban chủ tọa từ chối và cho biết đã thống nhất mức 5% với cổ đông lớn, lý do là Công ty đang trong giai đoạn cần vốn cho đầu tư. Sự từ chối này đã vấp phải sự phản đối và "đấu tranh quyết liệt" từ một bộ phận cổ đông nhỏ, những người tiếp tục bảo vệ quan điểm về việc tăng cổ tức.

Kết quả, sau phần biểu quyết, Đại hội đã đi đến thống nhất và thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%, cao hơn 1% so với đề xuất ban đầu của HĐQT, cho thấy sự ảnh hưởng nhất định của cổ đông tại cuộc họp.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, Đại hội đã thông qua mục tiêu với doanh thu đạt 2.049 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 41 tỷ đồng.

Song song với các chỉ tiêu tài chính, nhiều cổ đông bày tỏ băn khoăn và chất vấn Ban lãnh đạo về các hoạt động kinh doanh hiện tại và định hướng đầu tư mới.

Các lĩnh vực kinh doanh và vấn đề được chất vấn:

Ngoài ngành nghề cốt lõi là kinh doanh thương mại kim loại màu (kẽm, tôn zam, nhôm) và đấu thầu cung cấp vật tư thiết bị cho ngành dầu khí, năng lượng, hai lĩnh vực mới mà PVM tham gia đã nhận được sự quan tâm đặc biệt:

Kinh doanh gạo và nông sản: PVM tham gia cung cấp gạo trong nước và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu (đặc biệt sang Trung Quốc). Cổ đông đã chất vấn Ban lãnh đạo về rủi ro của lĩnh vực này, dẫn chứng từ trường hợp hoạt động không hiệu quả của nhiều công ty gạo lâu năm như Vinafood 2, và yêu cầu làm rõ biên lợi nhuận kỳ vọng. Tuy nhiên, Ban chủ tọa đã không trả lời câu hỏi về biên lợi nhuận.

Đầu tư bất động sản: PVM đang triển khai 5 dự án BĐS, bao gồm cả nhà ở xã hội và khu dân cư thương mại tại nhiều địa phương như Đông Anh (Hà Nội), An Phú, Phú Xuân (Thái Bình) và Đông Kinh (Lạng Sơn). Cổ đông thắc mắc về việc PVM tập trung vào các dự án tại Thái Bình và nhà ở xã hội – phân khúc có lợi nhuận định mức (10%) và rủi ro nếu thiếu kinh nghiệm. Tổng Giám đốc Phạm Văn Hiệp đã giải thích về tiềm năng thị trường Thái Bình dựa trên quy mô dân số và tình hình các dự án trước đây. Về dự án nhà ở xã hội Đông Anh, ông cho biết có lợi thế về pháp lý do được triển khai trên khu đất PVM đang thuê lâu năm. Tuy nhiên, cổ đông tiếp tục chất vấn về áp lực khi làm nhà ở xã hội và lợi nhuận kỳ vọng, nhưng Ban chủ tọa cũng không trả lời.

Nợ xấu và khả năng thu hồi:

Báo cáo tài chính PVM ghi nhận khoản nợ xấu đáng kể lên tới 188 tỷ đồng. Trong đó, các khoản lớn nhất đến từ Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Tân Hồng (96 tỷ đồng), Công ty cổ phần Tập đoàn Vina Megastar (33,6 tỷ đồng) và Công ty TNHH Máy Thiết bị Dầu khí Sài Gòn (28 tỷ đồng). PVM đã khởi kiện Ngân hàng Seabank (bên bảo lãnh thanh toán cho Megastar) tại Tòa án quận Hoàn Kiếm liên quan đến khoản nợ này. Cổ đông đã đề nghị Ban chủ tọa cập nhật về khả năng thu hồi các khoản nợ xấu, nhưng Lãnh đạo PVM đã không trả lời.

Kế hoạch kinh doanh và nguồn vốn thoái vốn:

Một cổ đông khác cũng nêu vấn đề về kế hoạch kinh doanh năm 2025 được cho là "giảm dần đều" trong 2 năm gần đây, trong khi PVM đã thu về khoản lợi nhuận lớn (300 tỷ đồng) từ việc thoái vốn tại hai liên doanh vào năm 2022. Cổ đông này đề nghị Ban điều hành xem xét lại kế hoạch kinh doanh, ngụ ý rằng Công ty có nguồn lực để đặt mục tiêu cao hơn. Vấn đề này không được Ban lãnh đạo trả lời cụ thể trong phần thảo luận.

Ban lãnh đạo mới với dấu ấn SHB

Đại hội cũng đã tiến hành bầu cử HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2025-2030. Đáng chú ý, cơ cấu nhân sự mới có sự tham gia của nhiều cá nhân có liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Cụ thể, ông Đặng Văn Thân, Giám đốc SHB chi nhánh Hàn Thuyên, được bầu làm Chủ tịch HĐQT PVM. Ông Vương Hoàng Thăng (từng là Phó giám đốc Ban Đầu tư & Xây dựng cơ bản SHB) và bà Nguyễn Thị Hoài Thanh (Phó giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp SHB) tham gia HĐQT (bà Thanh là Thành viên HĐQT độc lập). Bà Nguyễn Lệ Thùy (từng công tác tại Phòng Kiểm toán nội bộ SHB và hiện làm trợ lý Phó Tổng Giám đốc SHB) tham gia Ban Kiểm soát.

Khánh Ly

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/dhdcd-2025-pvmachino-pvm-chot-co-tuc-6-sau-dau-tranh-cua-co-dong-loat-van-de-mang-gao-bds-no-xau-bi-chat-van-82529.html
Zalo