Khí LNG liệu còn 'nóng'?
Mặc dù trong một tuần giao dịch trở lại đây, giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) thế giới đã ghi nhận đợt hạ nhiệt đáng kể. Tuy nhiên, trong thời gian tới, mặt hàng được dự báo sẽ tiếp tục 'nóng hổi' trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Kho LNG Thị Vải (PV GAS). Ảnh: nhandan.vn
Vào ngày 10/3/2025, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright đã có bài phát biểu tại Hội nghị CERAWeek 2025 diễn ra tại Houston (Mỹ). Bài phát biểu này được giới truyền thông quan tâm và phân tích kỹ lưỡng để dự đoán định hướng phát triển ngành năng lượng thời gian tới.
Ngoài mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất dầu khí tại Mỹ đã được dự báo từ trước, một chi tiết khác được chỉ ra trong bài phát biểu của Bộ trưởng Wright khi ông đã nhắc đến khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tới 8 lần trong khi số lần ông nhắc đến xăng dầu chỉ là 2...
Nhu cầu LNG đã leo đỉnh lịch sử và sẽ còn đi lên
Trong báo cáo tổng quan thị trường năng lượng trong năm 2024, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu khí tự nhiên toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong lịch sử, đạt khoảng 115 tỷ mét khối, tăng 2,7% so năm 2023. Còn trong báo cáo về thị trường khí đốt quý I năm nay, IEA cho biết nhu cầu khí tự nhiên tiếp tục đà tăng với động lực chính đến từ châu Âu và Bắc Mỹ.
Đối với Liên minh châu Âu (EU), sau hai năm 2022 và 2023 ghi nhận mức giảm mạnh, nhu cầu khí tự nhiên của khu vực này đã tăng trở lại trong năm 2024. Đi kèm với mức tăng trong quý I/2025 cho thấy nhu cầu khí tự nhiên tại khu vực này vẫn rất cao, mặc cho sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo.
Hiện tại, các nước thành viên EU đều đang phải thực hiện dự trữ khí đốt bắt buộc hướng tới mục tiêu đạt 90% công suất dự trữ trước ngày 1/11, càng củng cố sự ổn định nguồn cầu tại khu vực này.
Quay trở lại bản báo cáo hằng năm của IEA, đà tăng nhu cầu khí tự nhiên toàn cầu trong năm 2024 được thúc đẩy chủ yếu nhờ vào sự gia tăng của khu vực châu Á, cụ thể hơn là Trung Quốc.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cùng với hai nền kinh tế lớn khác của khu vực Đông Á - Hàn Quốc và Nhật Bản, luôn nằm trong danh sách các nước nhập khẩu nhiều khí tự nhiên nhất thế giới. Ngoài ra, nhiều nước châu Á khác cũng đang cho thấy sự gia tăng về nhu cầu nhập khẩu LNG.
Ngày 16/4, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan cho biết nước này sẽ nhập khẩu nhiều khí tự nhiên hóa lỏng hơn từ Mỹ trong vòng 5 năm tới. Trước đó, Thái Lan đã có một thỏa thuận nhập khẩu 1 triệu tấn LNG trị giá 500 triệu USD vào năm tới như một phần của kế hoạch dài hạn 15 năm bắt đầu từ năm 2026. Indonesia cũng đang xem xét động thái tương tự, còn Ấn Độ thì đang cân nhắc đề xuất dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này.
Còn tại Việt Nam, điện khí LNG là phân khúc đầy hứa hẹn trong những năm tới theo Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cho nên, Việt Nam đã lên kế hoạch nhập khẩu LNG từ Mỹ từ tháng 11/2024 và gần đây nhất, vào ngày 14/3, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và Công ty GE Vernova từ Mỹ đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc mua sắm thiết bị và dịch vụ của GE Vernova cho các nhà máy điện khí do PV Power phát triển.
Sự ổn định trong nhu cầu khí đốt tại châu Âu và khả năng gia tăng đáng kể nhu cầu tại châu Á có thể tạo đà tăng trưởng nhu cầu trên toàn cầu trong năm 2025. Và đó là chưa kể đến nhu cầu năng lượng tăng cao theo sự phổ biến của AI và các trung tâm dữ liệu quy mô lớn.
Mặt khác, IEA vẫn giữ sự thận trọng và đưa ra dự báo tăng trưởng nhu cầu khí đốt toàn cầu trong năm 2025 chỉ khoảng 1,5% trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.

Nhưng nguồn cung lại chưa ổn định...
Quay trở lại bài phát biểu của Bộ trưởng Wright, ông cũng công bố việc Tổng thống Trump tuyên bố dỡ bỏ lệnh tạm hoãn xuất khẩu LNG vào năm 2024 và việc chấp thuận đề xuất gia hạn giấy phép xuất khẩu LNG của Công ty Delfin LNG, sau khi chấp thuận đề xuất tương tự từ Golden Pass LNG.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng đã đề nghị Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan tham gia đầu tư một dự án LNG lớn ở bang Alaska; trong khi đó các cơ sở vật chất trong quá trình xuất khẩu LNG cũng đang được đầu tư mạnh tại Mỹ, điển hình là việc nâng cấp kho Plaquemines LNG tại bang Louisiana.

Điều đó cho thấy chính quyền Tổng thống Trump đang đặt mối quan tâm rất lớn lên vị thế của nước Mỹ trên thị trường LNG thế giới với mục tiêu giữ vững vị trí là nhà sản xuất và nhà xuất khẩu khí tự nhiên số 1 toàn cầu.
Tuy nhiên, chặng đường hướng tới mục tiêu này không phải là không có chướng ngại. Theo dữ liệu từ Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số lượng giàn khai thác khí đốt tại Mỹ từ đầu năm cho đến hiện tại chỉ dao động xoay quanh mốc 100 giàn, thấp hơn so cùng kỳ năm ngoái.
Thêm vào đó, nguồn cung từ hai nhà sản xuất LNG hàng đầu thế giới là Nga và Qatar cũng chưa thực sự ổn định. Đối với Nga, nguồn cung khí đốt từ nước này vẫn đang bị ảnh hưởng nhiều bởi những biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu. Còn đối với Qatar, quốc gia vùng vịnh này đang có những tranh cãi với EU liên quan đến các đạo luật về lao động và bảo vệ môi trường. Căng thẳng lên tới đỉnh điểm vào cuối năm 2024 khi Qatar cảnh báo ngừng xuất khẩu LNG sang EU.
Theo ghi nhận của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá khí tự nhiên giao dịch tại sàn NYMEX đã giảm 8/11 phiên giao dịch kể từ ngày 3/4 và tuần giao dịch từ ngày 14-17/4 đã ghi nhận mức giảm lên tới 8%.
Tuy vậy, mức giảm này có sự cộng hưởng từ việc mùa đông ở các nước Bắc bán cầu đã kết thúc và nhu cầu khí đốt trên thế giới sẽ được hồi phục phần nào khi các nước Nam bán cầu bắt đầu bước vào mùa đông. Mức giá thấp nhất trong năm nay của khí tự nhiên là 3,04 USD/MMBtu vào ngày 31/1.