Nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp ở nông thôn để xóa đói giảm nghèo bền vững
Thời gian qua, nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương và đáp ứng nhu cầu của thị trường, các HTX Nông nghiệp tại Vĩnh Long đã nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hữu cơ an toàn, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Vĩnh Long đang đặt mục tiêu đến hết năm 2025, phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên còn khả năng lao động trong độ tuổi lao động có việc làm; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số, mỗi năm giảm 2%. Đặc biệt, hỗ trợ 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.
Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường Vĩnh Long đã lồng ghép bố trí kinh phí từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh cho HTX; thực hiện các hoạt động hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP cho các HTX.
Đồng thời, xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ rau màu và mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái. Trong đó đã tổ chức 7 chuyến nghiên cứu, học tập trao đổi kinh nghiệm tại các mô hình HTX tiêu biểu tại các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh...

Nhiều HTX nông nghiệp hoạt động ổn định, có hiệu quả, tăng thu nhập cho thành viên
Thông qua công tác hỗ trợ xây dựng mô hình HTX, các HTX nông nghiệp của tỉnh được trang bị kỹ năng, kiến thức, áp dụng những phương pháp hiệu quả vào sản xuất. Nhất là có thêm cơ hội kết nối, giao lưu và ký kết các hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh.
Theo ngành chức năng, bên cạnh phát triển về số lượng và quy mô hoạt động, kinh tế tập thể đã có bước phát triển theo chiều sâu. Hiện nay các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm ưu thế và có hoạt động ổn định. Theo đó, các HTX nông nghiệp đã từng bước củng cố về tổ chức quản lý, hoạt động của các HTX nông nghiệp cũng được đổi mới gắn với lợi ích của thành viên và HTX.
Điển hình tại huyện Trà Ôn có 19 HTX nông nghiệp và thủy sản với gần 800ha đất sản xuất, 443 thành viên, vốn trên 8,7 tỷ đồng. Huyện có 3 HTX nông nghiệp được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên, 7 HTX được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nhìn chung, các HTX nông hoạt động có nề nếp, ổn định và có hiệu quả.
Hay như tại huyện Long Hồ có HTX nông nghiệp Hậu Thành (xã Long An, huyện Long Hồ), bà Nguyễn Thị Minh Yến, Giám đốc HTX cho biết: HTX có 46 thành viên với diện tích sản xuất gần 75ha. Khi mới thành lập, hoạt động còn nhiều khó khăn, thành viên ít, nông dân và thành viên HTX chưa tin tưởng. Để HTX hoạt động đúng hướng, mang lại lợi ích cho thành viên, HTX liên kết với các doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra, đầu vào và ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật từ khâu chọn giống đến quá trình sản xuất mang lại lợi nhuận cao cho thành viên và nông dân.
“HTX luôn nỗ lực vượt khó nắm bắt nhu cầu thị trường cũng như những tiềm năng, lợi thế của địa phương để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên. Qua đó góp phần quan trọng trong việc cung ứng các dịch vụ nông nghiệp giúp bà con yên tâm sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế”- bà Nguyễn Thị Minh Yến cho biết thêm.
Hay như tại HTX MekongGreen (TX Bình Minh) hiện có hơn 10 thành viên trồng dưa lưới theo công nghệ thủy canh trong nhà lưới, với diện tích khoảng 6.000m2. Mỗi năm, doanh thu của HTX đạt 1,5 tỷ đồng, thu nhập mỗi thành viên đạt 30-50 triệu đồng/năm. Sản phẩm được canh tác theo quy trình sản xuất VietGAP, ứng dụng khoa học trong hệ thống nhà kín và hệ thống tưới thông minh qua đó giúp tiết kiệm chi phí vật tư phân thuốc, tiết kiệm nguồn nước phun tưới.
HTX giảm nghèo hiệu quả
Tỉnh Vĩnh Long phấn đấu năm 2025 tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 50%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.

Các HTX nông nghiệp đã từng bước củng cố về tổ chức quản lý, đổi mới hoạt động gắn với lợi ích của thành viên và HTX
Tỉnh Vĩnh Long đánh giá cao vai trò to lớn của khu vực Kinh tế tập thể (KTTT), HTX góp phần trong thành công xóa đói giảm nghèo của nhiều địa phương gần đây. Điển hình là HTX tiểu thủ công mỹ nghệ Ngãi Tứ (huyện Tam Bình) bắt đầu hoạt động năm 2011, chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ được làm từ nguyên liệu lục bình, sản phẩm chủ yếu là các dạng đan khung, mặt hàng này tương đối phong phú và đa dạng về kiểu dáng, kích cỡ. Điển hình một số sản phẩm như: chậu, thùng đựng đồ, giỏ xách, đĩa đựng trái cây… Các sản phẩm chủ yếu cung cấp cho Công ty CP Xuất Nhập Khẩu Vĩnh Long và các công ty ở Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu.
Hiện HTX có hàng chục thành viên, trong thời gian qua HTX đã giải quyết được 1.500 lao động nhàn rỗi góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, trung bình mỗi người có thể thu nhập được 4-5 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, đa phần các thành viên và người lao động của HTX đều là phụ nữ và được HTX dạy nghề cơ bản. Tuy nhiên, đến nay hầu hết đều có tay nghề vững, thu nhập ngày càng nâng cao.
Vốn làm ruộng quanh năm nhưng từ khi tham gia sản xuất cho HTX, chị Thúy Vân (ấp Bình Quý, xã Ngãi Tứ) chia sẻ từng gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ vào đan thảm lục bình, giờ đây thu nhập ổn định, thoát khỏi hộ nghèo trong xã.
Đến nay chị Vân đã trở thành thợ có tay nghề chắc của HTX, thu nhập của chị được 7 – 8 triệu/tháng. “Nghề làm rẫy của gia đình vốn bấp bênh vì thời tiết thất thường, thu nhập thấp, thậm chí nhiều vụ mùa không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình 5 người. Từ ngày tham gia HTX, kinh tế gia đình ngày một ổn định”, chị Vân nói.
Nâng cao năng lực HTX
Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Kế hoạch số 13 nhằm củng cố, nâng cao chất lượng HTX hiện có; xử lý dứt điểm các HTX yếu kém, ngưng hoạt động. Yêu cầu của Kế hoạch phát triển KTTT, HTX năm 2025 phải đặt trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phù hợp với Chiến lược Phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2025, Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu trong năm 2025, thành lập mới 10 HTX, 10 THT, 1 Liên hiệp HTX. Có thêm ít nhất 3 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nông sản. Có khoảng 10 HTX nông nghiệp có liên kết sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp.
Đặc biệt, doanh thu bình quân của HTX tăng tối thiểu 16,4%. Riêng đối với các Quỹ Tín dụng nhân dân tăng 6%. Thu nhập bình quân của người lao động trong HTX tăng khoảng 15%.
Để nâng cao năng lực và chất lượng HTX trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long cho biết thời gian tới khuyến khích phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng các mô hình HTX kiểu mới; từng bước hình thành các cụm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến để tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị các sản phẩm dựa trên liên kết doanh nghiệp, công ty với HTX. Song song đó, hỗ trợ phát triển liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở các địa phương.
Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng cho biết thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể cả chiều rộng và chiều sâu; xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và sản phẩm chủ lực của địa phương.
Hỗ trợ phát triển các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX; xây dựng môi trường hoạt động, sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên.