Nhận định 'tăng trưởng GDP của Việt Nam chủ yếu dựa vào FDI, sức khỏe doanh nghiệp tư nhân yếu ớt' có còn chính xác?
Nhận định về việc 'tăng trưởng GDP của Việt Nam chủ yếu dựa vào FDI, sức khỏe doanh nghiệp tư nhân yếu ớt' đang được tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều.
Vấn đề về tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP ở Việt Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm khi có ý kiến cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào khu vực FDI.
Đối với cơ cấu kinh tế, báo cáo từ Tổng cục Thống kê chỉ nêu: Trong mức tăng GDP 7,09% năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%. Vì vậy, rất khó để xác định tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân vào tăng trưởng GDP.
![Tốc độ tăng GDP và VA các khu vực trong năm 2024. (Nguồn: TCTK).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_365_51473928/3d4c09583816d1488807.jpg)
Tốc độ tăng GDP và VA các khu vực trong năm 2024. (Nguồn: TCTK).
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ trên trang cá nhân, Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh cho hay, tại Niên giám thống kê 1995, cấu trúc GDP theo “hình thức sở hữu” ở Việt Nam rất đơn giản, chỉ bao gồm “quốc doanh” (state) và “ngoài quốc doanh” (non-state). Niên giám thống kê 1996 thậm chí còn không có mục “Tổng sản phẩm trong nước phân theo hình thức sở hữu”.
Đến niêm giám thống kê 1997, sự phân loại về “thành phần kinh tế” đột nhiên trở nên chi tiết, bao gồm 6 “thành phần”, bao gồm: Kinh tế nhà nước (state), kinh tế tập thể (collective), kinh tế tư nhân (private), kinh tế cá thể (household), kinh tế hỗn hợp (mixed), và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Sau này, thành phần kinh tế hỗn hợp bị đưa ra khỏi phân loại, và đến năm 2014, niên giám thống kê đưa thêm chỉ tiêu “thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm”. Gần đây nhất, vào năm 2021, cấu trúc GDP theo “hình thức sở hữu” ở Việt Nam trong niên giám thống kê lại được điều chỉnh một lần nữa. Lần này, ba nhóm “tập thể”, “tư nhân”, và “cá thể” được ghép chung lại thành “kinh tế ngoài nhà nước” chứ không được thống kê riêng như trước nữa.
![Cơ cấu GDP phân loại theo loại hình kinh tế (2006 - 2020). (Nguồn: NGTK).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_365_51473928/f8d1c0c5f18b18d5419a.jpg)
Cơ cấu GDP phân loại theo loại hình kinh tế (2006 - 2020). (Nguồn: NGTK).
Do "kinh tế tư nhân” theo Niên giám thống kế chỉ bao gồm các doanh nghiệp tư nhân được đăng ký chính thức tại Sở Kế hoạch và Đầu tư của các tỉnh – thành phố trực thuộc trung ương nên chưa bao gồm khu vực hộ kinh doanh cá thể.
Vì vậy, trong suốt 15 năm kể từ 2006 khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO đến 2020 (năm gần nhất còn có số liệu), tỷ trọng trung bình của loại hình kinh tế tư nhân chính thức (tức là có đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư) trong GDP chưa đến 9%.
"Năm cao nhất (2009), tỷ lệ này cũng chỉ là 10,5%, năm thấp nhất (2010) là 6,9%, và năm gần nhất có số liệu (2020) là 9,7%. Số liệu mấy năm gần đây cho thấy, tỷ trọng trong GDP của kinh tế tư nhân chính thức chỉ xấp xỉ 1/2 so với khu vực FDI và chỉ bằng khoảng 1/3 so với kinh tế hộ gia đình", chuyên gia cho hay.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy mô hình tăng trưởng truyền thống của Việt Nam vẫn dựa nhiều vào động lực từ bên ngoài bằng việc thu hút vốn đầu tư FDI nhờ lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên.
Hiện có hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nằm ở khu vực doanh nghiệp FDI. Từ 2015, tương quan tỷ trọng giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội trong xuất khẩu là 70/30 nhưng đến năm 2022, tỷ trọng của FDI đã lên 74,4%.
FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đứng đầu trong các lĩnh vực, chiếm 58% tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam, vừa tạo ra các ngành sản xuất công nghệ cao như điện, điện tử - bán dẫn, quang học… Chính vì vậy, đóng góp của khu vực trong nước vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Doanh nghiệp tư nhân đã lớn mạnh hơn nhiều
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, số liệu từ năm 2020 hiện đã khá cũ và lạc hậu so với thực tế khi khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển. Chưa kể, kinh tế tư nhân là khu vực kinh tế ngoài nhà nước bao gồm cả các hộ kinh doanh cá thể (khu vực phi chính thức). Vì vậy, nếu so với doanh nghiệp FDI thì phải gộp hai khu vực trên mới phù hợp.
![Doanh nhân Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT. (Ảnh: NVCC).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_365_51473928/8618bb0c8a42631c3a53.jpg)
Doanh nhân Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT. (Ảnh: NVCC).
Bình luận về sức khỏe của doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân Đỗ Cao Bảo, Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho biết, đầu tiên cần khẳng định rõ theo Tổng cục Thống kê, GDP của khối kinh tế tư nhân là 50,6%, gấp 2,3 lần FDI và gấp 2,3 lần doanh nghiệp nhà nước.
Cụ thể, doanh nghiệp Nhà nước đóng góp vào GDP quốc gia theo giá hiện hành đạt 1,96 triệu tỷ đồng, chiếm 20,54%; doanh nghiệp FDI đạt 1,95 triệu tỷ đồng, chiếm 20,46% và khối tư nhân đạt 4,82 triệu tỷ đồng, chiếm 50,46%.
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê hiện chưa công bố đóng góp của doanh nghiệp tư nhân (những doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh) vào GDP. Dù vậy, có rất nhiều số liệu cho thấy doanh nghiệp tư nhân không hề "yếu ớt".
Trong Niên giám thống kê năm 2023 (vừa được công bố tháng 12/2024), nhiều chỉ tiêu như: Số doanh nghiệp, doanh thu, tổng thu nhập của người lao động, số lao động, đóng góp vào GDP của khu vực doanh nghiệp tư nhân đều vượt trội so với doanh nghiệp FDI.
Cụ thể, trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả kinh doanh hiện khu vực Nhà nước có 1.861 doanh nghiệp, FDI có 22.930 doanh nghiệp và khu vực tư nhân có 735.500 doanh nghiệp.
Với chỉ tiêu về doanh thu, năm 2022, doanh nghiệp Nhà nước đạt 4,31 triệu tỷ đồng, chiếm 11% tổng doanh thu, tăng trưởng 27,5%; doanh nghiệp FDI đạt 10,98 triệu tỷ, chiếm 30,52%, tăng trưởng 16,1; doanh nghiệp tư nhân đạt 20,68 triệu tỷ, chiếm 57,5%, tăng trưởng 17,6%.
Về tổng thu nhập 2022 của người lao động, khu vực Nhà nước đạt 204.340 tỷ đồng, chiếm 9,88%, FDI đạt 790.431 tỷ, đồng chiếm 38,22% và tư nhân đạt 1.073.113 tỷ đồng, chiếm 51,89%.
"Đặc biệt là, chỉ tiêu đóng góp vào GDP quốc gia theo giá hiện hành, trong số 4,82 triệu tỷ đồng, chiếm 50,46% mà khối tư nhân đóng góp, ước tính doanh nghiệp tư nhân chiếm 29,46% và khu vực hộ gia đình đạt 21% (hộ gia đình nông lâm thủy sản khoảng 7%, hộ gia đình công nghiệp, xây dựng và thương mại 14%)", ông Bảo cho hay.
Chưa hết, tăng trưởng doanh thu, hiệu suất sinh lời trên vốn, hiệu suất sử dụng lao động bình quân của doanh nghiệp tư nhân cũng cao hơn doanh nghiệp FDI. Trong các chỉ số cơ bản của doanh nghiệp thì doanh nghiệp FDI chỉ hơn doanh nghiệp tư nhân mỗi chỉ số thu nhập trung bình theo tháng của người lao động.
Cụ thể, thu nhập trung bình của người lao động tại doanh nghiệp FDI là 12,64 triệu tháng, doanh nghiệp tư nhân là 10,2 triệu tháng. Vì vậy, ông Bảo cho rằng nhận định "tăng trưởng GDP của Việt Nam chủ yếu dựa vào FDI, sức khỏe doanh nghiệp tư nhân yếu ớt" là thông tin vừa cũ lại vừa lạc hậu.
Ông Bảo nhấn mạnh, kinh tế tư nhân hiển nhiên là bao gồm doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình. Ở nhiều quốc gia không có hình thức hộ kinh doanh, đã kinh doanh thì đều là hình thức công ty.
"Ranh giới giữa hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân rất mỏng manh. Ví dụ hàng phở, nếu lập công ty thì là doanh nghiệp tư nhân, còn không lập công ty thì là hộ gia đình. Hay một người bán hàng online, một youtuber, streamer đăng ký hộ kinh doanh nhưng doanh số có thể lớn hơn nhiều công ty nhỏ", ông Bảo lấy ví dụ.
Vì vậy, nếu nói doanh nghiệp tư nhân mà thiếu đi hộ kinh doanh thì rất bất hợp lý. Nếu Việt Nam coi hộ gia đình là doanh nghiệp tư nhân thì doanh nghiệp tư nhân chiếm 50,6% GDP. Khi ấy không thể nói doanh nghiệp tư nhân Việt Nam yếu, chỉ chiếm 10% GDP được.
"Ngay khi tách riêng hộ gia đình, chỉ tính doanh nghiệp tư nhân có đăng ký kinh doanh thìdựa vào các số liệu về doanh thu, tổng thu nhập của người lao động, tổng lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân và một số chỉ số khác có thể ước tính doanh nghiệp tư nhân chiếm 29,6%, hộ gia đình 21%, không hề kém cạnh khu vực FDI", vị doanh nhân này nhấn mạnh.