Kỳ vọng về 'công nghiệp nhạc kịch' Việt Nam

Với ưu điểm có thể kết hợp thế mạnh của cả âm nhạc, lời thoại, vũ đạo, diễn xuất, thể loại nhạc kịch đang ngày càng chứng tỏ được sức hút với công chúng hiện đại.

Cảnh trong "Giấc mơ Chí Phèo".

Cảnh trong "Giấc mơ Chí Phèo".

Có thể thấy, chưa bao giờ khán giả Việt Nam lại có cơ hội tiếp cận và thưởng thức nhiều tác phẩm nhạc kịch như hiện nay. Ðáng chú ý, bên cạnh sự xuất hiện của những vở diễn đậm chất cổ điển phương Tây, không ít vở nhạc kịch do người Việt sáng tác, kể câu chuyện về người Việt cũng đang được nhiều đơn vị nghệ thuật "dấn thân" khai thác.

Có thể kể đến một số tác phẩm nhạc kịch thuần Việt đã đón nhận nhiều tình cảm của khán giả thời gian qua như: "Dế Mèn phiêu lưu ký" (Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh); "Tuyết Sài Gòn", "Tấm Cám", "Thủy Tinh - Ðứa con thứ 101" (Nhóm kịch Buffalo); "Tiên Nga" (Sân khấu kịch Idecaf); "Trại hoa vàng", "Sóng", "Viên đá ngũ sắc" (Nhà hát Tuổi trẻ)... Gần đây, còn có các vở nhạc kịch chính luận thành công, tiêu biểu là vở "Người cầm lái" (Nhà hát Công an nhân dân) tái hiện cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay nhạc kịch "Khát vọng đỏ" (Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội phối hợp Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng), thể hiện câu chuyện về lý tưởng của người lính thời hiện đại...

Ðặc biệt, sự xuất hiện của hai vở nhạc kịch thuần Việt tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2024 vừa qua: "Giấc mơ Chí Phèo" (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - Giải xuất sắc) và "Bỉ vỏ - Cũng một kiếp người" - Huy chương bạc, đã khiến nhiều người xem phải ngỡ ngàng vì không ngờ nhạc kịch hay đến thế. Trong số những tác phẩm này, có tác phẩm được cảm tác từ văn học, lịch sử Việt Nam, cũng có tác phẩm được sáng tác hoàn toàn mới, hoặc dựa trên những câu chuyện có thật trong đời sống, với mức độ thành công khác nhau, nhưng tựu trung đều đang góp phần hiện thực hóa giấc mơ về công nghiệp nhạc kịch "made in Vietnam" và khẳng định tiềm năng phát triển của thị trường nhạc kịch nước nhà.

Kể từ khi "Cô Sao" (kịch bản, âm nhạc: Ðỗ Nhuận), vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam công diễn năm 1965, nhạc kịch nước ta đã trải qua gần 60 năm phát triển. Nhưng cần thẳng thắn thừa nhận, nhạc kịch Việt nếu muốn đi xa và khẳng định thương hiệu vẫn phải chuyên nghiệp hóa ở nhiều khâu. So với một số loại hình nghệ thuật khác, nhạc kịch là phân khúc tương đối khó. Theo đạo diễn - Nghệ sĩ Ưu tú Lê Ánh Tuyết thì "nhạc kịch giống như một ngọn núi cao mà trên đỉnh là mặt trời rực rỡ với muôn vàn sắc màu lấp lánh, nhưng muốn chạm tay vào đó, bạn phải có đủ kỹ năng và sự rèn luyện cao độ để chinh phục ngọn núi".

Nhạc kịch đòi hỏi người nghệ sĩ biểu diễn phải thành thạo hai đến ba kỹ năng, từ nhảy múa, ca hát đến diễn kịch. Tuy nhiên, những diễn viên có thể hội đủ các kỹ năng này và ứng dụng thành thạo trên sân khấu ở Việt Nam không nhiều. Hơn nữa, nước ta cũng chưa có cơ sở đào tạo chuyên nghiệp về biểu diễn nhạc kịch. Ðiều này dẫn đến các đơn vị nghệ thuật cũng như nghệ sĩ khi dựng vở phải "vừa đi, vừa dò".

Nhìn vào bức tranh nhạc kịch Việt Nam, không khó để nhận ra sự thiếu cân bằng trong kỹ thuật trình diễn của nghệ sĩ. Theo dõi tác phẩm của những đơn vị thiên về biểu diễn kịch sẽ thấy phần diễn trội hơn hẳn phần hát và vũ đạo. Ngược lại, với vở nhạc kịch của những đơn vị thiên về biểu diễn ca múa nhạc, sẽ thấy năng lực diễn xuất có phần yếu hơn. Với nhạc kịch, phần âm nhạc là yếu tố vô cùng quan trọng nhưng ở một số vở diễn, yếu tố này chưa được quan tâm đầu tư.

Thời gian gần đây, với sự hỗ trợ của các thiết bị trình chiếu, công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại, yếu tố thị giác của các vở nhạc kịch ngày càng được đầu tư, nhưng vẫn còn đó khoảng trống thiếu vắng về đội ngũ tác giả, đạo diễn, biên kịch trong nước thật sự hiểu về nhạc kịch và có khả năng làm nhạc kịch.

Nhìn sang Hàn Quốc, nhạc kịch du nhập vào nước này vào khoảng những năm 60 của thế kỷ 20, tức cũng tương đương thời điểm nhạc kịch xuất hiện ở nước ta. Nhưng đến năm 2000, Hàn Quốc đã có các chương trình giáo dục nhạc kịch chuyên nghiệp và các giảng viên nhạc kịch có trình độ, tạo ra bước phát triển nhanh chóng cho lĩnh vực này. Trong suốt 20 năm, Chính phủ Hàn Quốc liên tục đưa ra các chiến lược để nhạc kịch xứ sở kim chi vươn ra thế giới, thông qua các buổi tư vấn đầu tư trực tiếp, kết nối các nhà sản xuất trong nước với đối tác quốc tế... Và đến nay, Hàn Quốc chính thức trở thành một trong bốn thị trường nhạc kịch lớn nhất thế giới.

Từ kinh nghiệm phát triển của nước bạn, có thể thấy, nhạc kịch Việt Nam muốn có những bước tiến dài và xa, cũng cần có những cơ chế đặc biệt để đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chuyên môn cho nhạc kịch và có sự đầu tư thích đáng để thúc đẩy sáng tạo, tạo ra những tác phẩm nhạc kịch mang bản sắc, thương hiệu Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách để hình thành thị trường cho nhạc kịch, từng bước đưa công nghiệp nhạc kịch phát triển, đóng góp thiết thực vào sự phát triển công nghiệp văn hóa.

ÐẮC LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ky-vong-ve-cong-nghiep-nhac-kich-viet-nam-post853113.html
Zalo