Nhà báo Võ Hoàng Triều: Tác nghiệp trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam không chỉ là nhiệm vụ nghề nghiệp, mà còn là một vinh dự lớn lao

Nhà báo Võ Hoàng Triều chia sẻ: 'Là một phóng viên ảnh, tôi đã ghi lại nhiều khoảnh khắc đáng nhớ trong quá trình tác nghiệp, nhưng có lẽ, chưa lần nào khiến tôi xúc động như lần này. Hình ảnh những lá cờ lớn tung bay trên bầu trời thành phố sẽ là điều tôi mang theo mãi. Đó không chỉ là một nhiệm vụ nghề nghiệp, mà là một trải nghiệm thiêng liêng, khắc sâu trong trái tim tôi'.

Là người hoạt động tích cực, có nhiều tin bài, phóng sự ảnh hấp dẫn, được đồng nghiệp và bạn đọc đánh giá cao trong dịp kỷ niệm lần này, báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Võ Hoàng Triều, phóng viên Báo Người Lao Động để hiểu rõ hơn công việc của anh trong đợt tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước đặc biệt lần này.

+Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là sự kiện lớn, được nhiều cơ quan báo chí quan tâm, là phóng viên thời sự, anh đã có sự chuẩn bị như thế nào, quá nhiều sự kiện liên tiếp liệu có làm mình bị rối và quá tải hay không?

-Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là sự kiện lớn hết sức quan trọng của đất nước được tổ chức với quy mô hoành tráng, được nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài nước quan tâm. Là phóng viên ảnh chuyên mảng thời sự, sự chuẩn bị trước sự kiện là vô cùng quan trọng để bản thân tôi không bị “ngợp” trong chuỗi hoạt động dày đặc.

Nhà báo Võ Hoàng Triều ghi lại khoảnh khắc tiêm kích Su-30 chuẩn bị diễn tập, bay lượn trên bầu trời TP.HCM. Ảnh: NVCC

Nhà báo Võ Hoàng Triều ghi lại khoảnh khắc tiêm kích Su-30 chuẩn bị diễn tập, bay lượn trên bầu trời TP.HCM. Ảnh: NVCC

Dưới góc độ một phóng viên ảnh tác nghiệp trực tiếp tại sự kiện, tôi luôn bắt đầu bằng việc nắm rõ lịch trình sự kiện, chuẩn bị kỹ thiết bị và di chuyển đến thật sớm để có vị trí tác nghiệp tốt. Với mảng thời sự, không chỉ cần ảnh đẹp mà còn phải bắt được khoảnh khắc có ý nghĩa, lựa chọn những chi tiết thể hiện được không khí, cảm xúc và thông điệp của sự kiện.

Về áp lực khi tham gia chuỗi sự kiện liên tiếp, thật lòng mà nói, tôi cũng có chút mệt và căng thẳng. Nhất là khi chỉ riêng hai tuần trước lễ chính đã có hàng loạt hoạt động bên lề diễn ra. Việc phải di chuyển liên tục, làm việc nhiều giờ liền ở các địa điểm khác nhau chắc chắn khiến cường độ công việc tăng cao.

Tuy nhiên, với sự chủ động trong lập kế hoạch, biết ưu tiên nội dung quan trọng, phân chia thời gian hợp lý và phối hợp hiệu quả với các đồng nghiệp, tôi vẫn có thể kiểm soát tốt khối lượng công việc và hoàn thành nhiệm vụ.

+ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, có quy mô cấp quốc gia, thu hút sự quan tâm của công chúng. Theo anh, phóng viên tác nghiệp các sự kiện trọng đại, cần "bí kíp" gì để đạt được hiệu quả cao, chất lượng tốt?

- Theo tôi, để mỗi sự kiện tham dự đều đạt hiệu quả cao và chất lượng sản phẩm tốt, phóng viên cần hội đủ 3 yếu tố, đó là “chủ động – nhạy bén – chuyên nghiệp”. Cụ thể các phóng viên khi tham gia các sự kiện phải nắm chắc các thông tin nền, tìm hiểu sâu về sự kiện sắp diễn ra, điều này sẽ giúp chúng ta biết được điểm nhấn cần bám.

Tôi cũng thường đọc kỹ lịch trình, lên kế hoạch phân bổ thời gian rõ ràng cho từng phần. Với mỗi sự kiện, tôi đặt ra mục tiêu cụ thể và thậm chí chuẩn bị trước bố cục từng tin bài để khi tác nghiệp, mọi thứ được triển khai mạch lạc và có định hướng rõ ràng.

Trong lúc tác nghiệp, yếu tố linh hoạt và tuân thủ sự phân công từ ban tổ chức là cực kỳ quan trọng, nhất là với những sự kiện mang tính nghi lễ, có sự hiện diện của lãnh đạo cấp cao. Tôi luôn giữ cho mình trạng thái sẵn sàng, quan sát kỹ và cố gắng tìm một cách nhìn khác, góc nhìn riêng – vì tôi tin rằng, ảnh thời sự không chỉ ghi lại sự kiện, mà còn phải truyền được cảm xúc bên trong sự kiện đó.

Sự xuất hiện của những chiếc trực thăng mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trong những ngày tháng 4 lịch sử sẽ luôn là kỷ niệm đặc biệt với người dân và du khách tại TP HCM. Ảnh: NVCC

Sự xuất hiện của những chiếc trực thăng mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trong những ngày tháng 4 lịch sử sẽ luôn là kỷ niệm đặc biệt với người dân và du khách tại TP HCM. Ảnh: NVCC

Và cuối cùng, tôi rất chú trọng việc chọn lọc gửi ảnh về tòa soạn. Tôi luôn ưu tiên những tấm ảnh rõ ràng về nội dung, thể hiện được không khí, cảm xúc và thông điệp. Tôi tránh việc gửi ảnh tràn lan, vì với tôi, chất lượng luôn quan trọng hơn số lượng.

+ Đi nhiều, viết nhiều, chụp nhiều, anh nhớ nhất, ấn tượng sự kiện nào trong quá trình tác nghiệp dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam?

-Trong rất nhiều hoạt động chuẩn bị cho Đại lễ 30/4 năm nay, khoảnh khắc khiến tôi ấn tượng nhất chính là lần cùng biên đội trực thăng bay từ sân bay Biên Hòa vào trung tâm TP HCM.

Dù đã từng nhiều lần tác nghiệp từ trực thăng, nhưng chuyến bay trong những ngày tháng 4 lịch sử này thật sự là một dấu mốc đặc biệt trong sự nghiệp của tôi.

Lần đầu tiên, tôi có cơ hội đồng hành cùng biên đội trực thăng của Trung đoàn Không quân 917 – bay qua những địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử: Dinh Độc Lập, Bitexco, Landmark 81, cầu Ba Son… Khi đội hình trực thăng kéo cờ Tổ quốc và cờ Đảng bay qua sông Sài Gòn, tiến về trung tâm thành phố, cảm xúc trong tôi vỡ òa. Đó là niềm vinh dự, tự hào và cả sự xúc động khó tả.

Từ trên cao nhìn xuống, TP HCM hiện lên thật rực rỡ, vừa hiện đại, vừa mang đậm chất truyền thống, tạo nên một khung cảnh đầy xúc động và tự hào của thành phố mang tên Bác.

Là một phóng viên ảnh, tôi đã ghi lại nhiều khoảnh khắc đáng nhớ trong quá trình tác nghiệp, nhưng có lẽ, chưa lần nào khiến tôi xúc động như lần này. Hình ảnh những lá cờ lớn tung bay trên bầu trời thành phố sẽ là điều tôi mang theo mãi. Đó không chỉ là một nhiệm vụ nghề nghiệp, mà là một trải nghiệm thiêng liêng, khắc sâu trong trái tim tôi.

+Qua mỗi tác phẩm được gửi về tòa soạn và đăng tải, anh muốn truyền tải thông điệp gì cho công chúng?

-Với tôi, được tác nghiệp trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là một nhiệm vụ nghề nghiệp, mà còn là một vinh dự lớn lao.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, nhà báo Võ Hoàng Triều, phóng viên Báo Người Lao Động đã vinh dự được đồng hành cùng những cánh chim sắt của lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam. Ảnh: NVCC

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, nhà báo Võ Hoàng Triều, phóng viên Báo Người Lao Động đã vinh dự được đồng hành cùng những cánh chim sắt của lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam. Ảnh: NVCC

Mỗi bức ảnh, mỗi bài phóng sự ảnh được đăng tải không chỉ đơn thuần là một khoảnh khắc được ghi lại, mà còn là một câu chuyện, một thông điệp được kể bằng hình ảnh. Tôi luôn cố gắng truyền tải đến công chúng sự chân thực, cảm xúc và chiều sâu của từng sự kiện.

Qua mỗi tác phẩm, tôi muốn người xem không chỉ “thấy” mà còn “cảm” được – cảm được không khí của sự kiện, sự trang trọng, xúc động hay thiêng liêng, tùy vào từng bối cảnh cụ thể. Với những sự kiện chính trị – xã hội lớn như Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, tôi càng đặt nặng yếu tố truyền cảm hứng, khơi gợi lòng tự hào dân tộc, niềm tin và tình yêu đối với đất nước.

+ Trân trọng cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh!

Lê Tâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-bao-vo-hoang-trieu-tac-nghiep-trong-dip-ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-khong-chi-la-nhiem-vu-nghe-nghiep-ma-con-la-mot-vinh-du-lon-lao-10288303.html
Zalo