50 năm thống nhất đất nước: Xã anh hùng Mỹ Lộc tiên phong phát triển cánh đồng mẫu lớn
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, xã Mỹ Lộc (nay là xã Mỹ Lộc và xã Phú Lộc), thuộc vùng đất Cái Ngang, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long là nơi nhân dân sớm có truyền thống yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm kiên cường.

Văn bia căn cứ cách mạng Cái Ngang, nơi lưu giữ truyền thống đấu tranh anh hùng của quân và dân tỉnh Vĩnh Long nói chung và xã Mỹ Lộc nói riêng.
Tại xã Mỹ Lộc, các cơ quan của Huyện ủy, Tỉnh ủy được sự yêu thương, đùm bọc, che chở an toàn của nhân dân, đã đưa nhiều quyết sách quan trọng đưa phong trào cách mạng phát triển, lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đấu tranh, cùng với cả nước làm nên nhiều chiến công vang dội như giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 và tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975.
Đất nước thống nhất, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng cách mạng xã Mỹ Lộc đã và đang vươn mình đổi mới. Nửa thế kỷ đi qua, vùng đất từng nhiều lần bị bom đạn tàn phá, giờ đây đã khoác lên mình diện mạo mới khang trang, đời sống nhân dân ngày càng phát triển.
Xứng danh xã anh hùng
Theo sách Lịch sử xã Mỹ Lộc anh hùng, nơi đây đã sớm thành lập được chi bộ Đảng vào cuối năm 1930 và là một trong 6 chi bộ của quận Tam Bình lúc bấy giờ. Từ khi ra đời, Chi bộ Mỹ Lộc đã lãnh đạo nhân dân cùng cả nước chống thực dân Pháp xâm lược, giành được những thắng lợi nổi bật như Nam Kỳ khởi nghĩa (giành chính quyền được 17 giờ trong năm 1940), giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám và xây dựng vùng giải phóng Mỹ Lộc trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)...
Từ năm 1954 - 1975, Chi bộ Mỹ Lộc lãnh đạo nhân dân cùng miền Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vùng đất này được địch xây dựng là yếu khu Cái Ngang để tiến đánh, bình định các địa phương lân cận. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Mỹ Lộc kiên trì bám trụ Cái Ngang để xây dựng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân. Trên vùng đất này, Huyện ủy Tam bình, Tỉnh ủy Vĩnh Long nhiều thời kỳ đã chọn làm căn cứ để chỉ đạo cuộc kháng chiến. Trong số nhiều điểm được lựa chọn làm căn cứ kháng chiến Cái Ngang, căn cứ Tỉnh ủy đặt tại ấp 4 xã Mỹ Lộc (nay là ấp 4, xã Phú Lộc) có vị trí quan trọng.

Khu Di tích Lịch sử cách mạng Cái Ngang tại xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long trở thành địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và lý tưởng cách mạng.
Từ năm 1966, dưới sự chở che của nhân dân, căn cứ cách mạng Cái Ngang được bảo vệ vững chắc. Từ căn cứ này, Tỉnh ủy Vĩnh Long lãnh đạo quân và dân toàn tỉnh giành nhiều thắng lợi to lớn. Trong đó, quân và dân Mỹ Lộc đã đóng góp nhiều máu xương và hy sinh để cùng làm nên những chiến công oanh liệt như năm 1960, xã Mỹ Lộc được chọn làm điểm chỉ đạo và thực hiện thắng lợi phong trào đồng khởi “diệt ác, phá kiềm, bao vây đồn bót, giải phóng nông thôn”.
Từ năm 1960 đến 1964, Chi bộ Mỹ Lộc lãnh đạo nhân dân đấu tranh kiên cường trước sự càn quét, phá tan âm mưu lập ấp chiến lược của địch. Năm 1968, quân và dân Mỹ Lộc cùng tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân. Sau năm 1970, phong trào cách mạng ở Mỹ Lộc chuyển sang giai đoạn mới, quân và dân Mỹ Lộc đã kiên trì tiến công. Chi bộ và nhân dân Mỹ Lộc đã đóng góp trong tổng tiến công và nổi dậy trong chiến dịch mùa khô (1974 - 1975) và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng xã theo khẩu hiệu “tỉnh giải phóng tỉnh - huyện giải phóng huyện - xã giải phóng xã”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Hai cuộc kháng chiến đi qua, Mỹ Lộc tự hào là cái nôi cách mạng. Hàng trăm con người yêu nước đã không tiếc thân mình, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Năm 1996, xã Mỹ Lộc được công nhận “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” của huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Lật giở từng trang ký ức, ông Nguyễn Thành Vương (Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Lộc), từng trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ “vùng ruột” huyện Tam Bình, bảo vệ căn cứ cách mạng Cái Ngang cho biết, là địa bàn chiến lược quan trọng - nơi đặt căn cứ của Tỉnh ủy và đóng quân của các lực lượng, nên Mỹ Lộc luôn chịu sự càn quét của địch. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, truyền thống đấu tranh yêu nước và sự chỉ đạo sáng tạo, linh hoạt của Huyện ủy, Tỉnh ủy, Chi bộ cùng nhân dân xã Mỹ Lộc đã từng bước củng cố lực lượng, xây dựng thế lực mới, xây dựng vùng giải phóng, phát triển lực lượng và kiên cường đấu tranh, chiến đấu, làm thất bại từng chiến lược của địch và tiến tới ngày giải phóng.
Ông Nguyễn Thành Vương chia sẻ: “Hồi đó, cán bộ, du kích bám chặt vào dân, lấy dân làm gốc. Bà con Mỹ Lộc rất yêu nước, yêu cách mạng nên dù gian khổ, nguy hiểm nhưng nhân dân vẫn bảo toàn cho cách mạng. Bà con vận động lực lượng hùng mạnh, ra sức bảo vệ du kích, địa phương quân. Ai cũng có tinh thần, có trách nhiệm, bảo vệ căn cứ kháng chiến, nhờ đó căn cứ cách mạng Cái Ngang vẫn bình yên trong sự che chở của nhân dân cho tới ngày đại thắng”.
Tiên phong phát triển cánh đồng mẫu lớn

Nghề đan thảm lục bình tạo việc làm và mang thu nhập cho người dân trong thời gian nông nhàn. Ảnh:
Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người dân Mỹ Lộc bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, "gieo mầm" cho cuộc sống mới. Viết tiếp truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, nhân dân chung sức chung lòng, kiến tạo quê hương, xây dựng cuộc sống mới trong hòa bình và độc lập.
Theo sách Lịch sử xã Mỹ Lộc anh hùng, sau 30/4/1975, xã Mỹ Lộc đã phải đương đầu với những khó khăn mới khi ruộng vườn bị hoang hóa, bom đạn tàn phá nặng nề. Từ trong gian khó, Chi bộ Mỹ Lộc tiếp tục lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy thế mạnh nông nghiệp kết hợp với áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất và sản lượng lúa ngày càng tăng, từ 7.420 tấn/năm vào năm 1976 đã tăng lên 31.945 tấn/năm vào năm 1994; kinh tế vườn phát triển, sau 10 năm đã tăng lên 245 ha. Giáo dục được quan tâm, xã đầu tư mỗi ấp một điểm trường, đến 1994 đã có 54 phòng học kiên cố và bán kiên cố, học sinh không còn học 3-4 ca như trước…
Năm 1994, thực hiện Nghị định của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính của xã trong huyện Tam Bình, xã Mỹ Lộc chia thành xã Mỹ Lộc và xã Phú Lộc. Kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước, Đảng bộ xã Mỹ Lộc và xã Phú Lộc qua các thời kỳ đã lãnh đạo nhân dân phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Tại xã Mỹ Lộc, Đảng bộ và nhân dân đã đẩy mạnh sản xuất, năng cao năng suất, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, quan tâm công tác y tế và giảm nghèo. Với tinh thần nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo và phát huy truyền thống đoàn kết, xã Mỹ Lộc là xã đầu tiên của huyện Tam Bình được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào 8/2014, đến năm 2020 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và năm 2023, Mỹ Lộc tiếp tục được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc Nguyễn Văn Năm cho biết: “Sau quá trình tập trung chỉ đạo, tuyên truyền người dân chung tay phát triển kinh tế và đời sống, bộ mặt nông thôn của xã phát triển rõ nét. Hạ tầng giao thông được đầu tư khang trang, việc vận chuyển hàng hóa và giao thương mua bán ngày càng phát triển. Trước đây, sản xuất nông nghiệp làm thủ công là chính, đến nay đã dần chuyển đổi sang cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đặc biệt, người dân chí thú làm ăn, tăng gia sản xuất, chung tay đưa Mỹ Lộc trở thành địa phương tiên phong trong phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ và nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho nông dân”.
Tại xã Phú Lộc, với tinh thần nỗ lực vươn lên, xã đã vượt qua những khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại. Đến nay, diện mạo nông thôn ngày càng phát triển. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư hoàn chỉnh. Địa phương vận động người dân cùng chung sức, chung lòng đưa xã Phú Lộc đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.

Diện mạo nông thôn xã Phú Lộc ngày càng đổi mới.
Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Trần Minh Dưỡng cho biết, trước đây, hệ thống giao thông chưa phát triển, tỷ lệ đường đá đạt khoảng 60-65%, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Qua quá trình tập trung nguồn lực đầu tư, đến nay 100% các tuyến đường trong xã đảm bảo lưu thông phục vụ tốt cho phát triển kinh tế, đi lại của người dân. Xã cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát, giúp người dân an cư lập nghiệp. Cùng với phát triển thế mạnh nông nghiệp, xã phát triển thêm nhiều mô hình tổ hợp tác dịch vụ, thủ công mỹ nghệ tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 64 triệu đồng/người/năm, toàn xã còn 6 hộ nghèo, 38 hộ cận nghèo.
Ông Trần Minh Dưỡng cho biết: "Thời gian qua, xã Phú Lộc phát huy tối đa về nội lực của địa phương, trong đó chú trọng khơi sức dân trong xây dựng nông thôn mới. Qua tuyên truyền, nhân dân đồng thuận cùng hiến đất, hoa màu và xây dựng các tuyến đường hoa kiểu mẫu để phát triển bộ mặt nông thôn. Song song đó, các hộ dân lao động sản xuất, nâng cao thu nhập. Người dân tích cực đóng góp thêm kinh phí và ngày công để cùng hoàn thành các căn nhà, giúp địa phương sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát".
Nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, vùng đất Mỹ Lộc trước đây từng chịu nhiều hy sinh, gian khổ đã vươn mình đổi mới. Để ghi nhớ và lưu giữ lại ký ức một thời hào hùng với nhiều chiến công oanh liệt, năm 2002, tỉnh Vĩnh Long đã phục dựng công trình Khu căn cứ cách mạng Cái Ngang tại ấp 4 của xã Phú Lộc và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Hiện nay, Khu Di tích Lịch sử cách mạng Cái Ngang thường xuyên được chọn là nơi tổ chức về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng, vun bồi lý tưởng cao đẹp cho thế hệ trẻ hôm nay.

Khu Di tích Lịch sử cách mạng Cái Ngang tại xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long trở thành địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và lý tưởng cách mạng.
Em Nguyễn Thị Kim Ngân (Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, thành phố Vĩnh Long) chia sẻ: "Em và các bạn tự hào khi được kết nạp Đoàn tại Khu Di tích Lịch sử cách mạng Cái Ngang. Chúng em đã được tìm hiểu về những giá trị lịch sử và câu chuyện chiến đấu ở nơi này. Qua từng trang lịch sử, hiện vật và hầm hào, công sự tại Khu di tích, em hiểu biết thêm về sự hy sinh của các thế hệ đi trước, cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của hòa bình, độc lập và càng yêu hơn lịch sử của nước nhà.
Khoác lên mình màu áo xanh tuổi trẻ, em hứa sẽ ra sức tu dưỡng rèn luyện đạo đức và lý tưởng, nỗ lực học tập, phấn đấu để xứng đáng với sự hy sinh gian khổ của thế hệ đi trước".
Về khu căn cứ cách mạng Cái Ngang trong những ngày tháng Tư lịch sử, thế hệ hôm nay vừa trân trọng quá khứ hào hùng với nhiều chiến công oanh liệt của quân và dân tỉnh Vĩnh Long, vừa phấn khởi trước sự vươn lên đổi mới của vùng đất cách mạng anh hùng.
Tự hào về lịch sử, người dân xã Mỹ Lộc và xã Phú Lộc đã và đang viết tiếp câu chuyện về vùng đất anh hùng, không chỉ kiên trì, anh dũng trong kháng chiến mà còn chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất, chung lòng đưa quê hương phát triển lên cùng đất nước.