Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt và ký ức của những năm tháng hào hùng

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt xúc động khi nhớ về giây phút thiêng liêng ngày 30/4/1975.

"Tôi viết để kể về họ..."

Trong căn nhà nhỏ trên phố Phan Bá Vành (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), có một người đàn ông vẫn lặng lẽ sống cùng những ký ức đã trở thành máu thịt. Ông ngồi bên bàn viết mỗi ngày, lần giở từng trang quá khứ của cuộc đời mình - không để kể về bản thân, mà để kể về "họ" - những người đồng đội đã nằm lại mãi mãi trên đường tiến vào lịch sử.

Ông là Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt, người lính từng lái chiếc xe tăng 380, Đại đội xe tăng 4, Lữ đoàn 203, tiến thẳng vào Dinh Độc Lập trong sáng 30/4/1975. Khoảnh khắc cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui độc lập, cũng là lúc trong ông nhoi nhói một nỗi đau - bởi ông biết, niềm vui ấy không dành cho tất cả.

Đại tá - nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt. Ảnh: Thanh Thảo

Đại tá - nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt. Ảnh: Thanh Thảo

"Có người đồng đội của tôi sinh ngay trước lúc xe tăng lăn xích qua cổng Dinh Độc lập. Trong ba lô của anh chỉ có một chiếc võng cũ, vài cuốn sách, một cuốn từ điển tiếng Anh đang đọc dở... và một bức thư chưa kịp gửi về cho mẹ".

Năm tháng qua đi, chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng với người lính lái xe tăng năm nào, từng gương mặt đồng đội, từng kỷ niệm, từng vệt khói chiến trường vẫn hiện về nguyên vẹn như mới hôm qua. Với ông, ký ức không chỉ là để nhớ - mà là để viết. Để sống tiếp cho những người đã nằm xuống, và để thế hệ mai sau hiểu rằng: “Hòa bình hôm nay phải đánh đổi bằng máu, bằng nước mắt, bằng tuổi xuân của biết bao con người”.

"Họ - những người lính trẻ ấy - ra đi khi chiến tranh chỉ còn được đềm bằng giờ, bằng phút. Có người hy sinh ngay trong buồng xe, chỉ vài giây trước khi xe tăng 380 lao qua cổng Dinh Độc Lập. Họ không kịp nhìn thấy lá cờ tung bay trên nóc Dinh, không kịp biết đất nước mình đã thống nhất", Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt nghẹn ngào kể lại.

Hình ảnh xe tăng 380 tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: Thanh Thảo

Hình ảnh xe tăng 380 tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: Thanh Thảo

Người lính ấy tên là Nguyễn Kim Duyệt - một chàng trai Hà Nội gốc, sinh viên năm hai bỏ dở giảng đường để nhập ngũ. Anh hiền lành, ham học, nấu ăn ngon, luôn chăm sóc chu đáo cho đồng đội. Trong buồng xe tăng, lúc nào cạnh sát anh cũng là ba lô nhỏ: một chiếc võng cũ, bộ quần áo bạc màu, cuốn sách, từ điển Anh - Việt và một cây đàn ghita. Anh mang theo âm nhạc, mang theo tri thức, và mang theo cả những ước mơ dở dang của tuổi trẻ để vào trận chiến.

Ký ức đau thương

Trước đó, khi xe trúng một quả pháo, trong không gian chật hẹp nghẹt khói, người lính Nguyễn Kim Duyệt đã nằm xuống - lặng lẽ, âm thầm - ngay trong chính chiếc xe anh từng nâng niu, chăm chút từng viên đạn, từng ổ máy.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt xúc động khi kể lại: "Trong buồng xe chật hẹp, thiếu oxy, anh em chúng tôi nạp từng quả đạn 32kg, có trận mỗi người nạp đến 16 quả, rồi kiệt sức ngất đi. Khói ngập trong xe, hơi thở như cạn kiệt. Vậy nhưng trong trận chiến ác liệt ấy, chúng tôi vẫn cười, vẫn nhường nhau từng ngụm nước, từng nhịp nghỉ, chuẩn bị cho nhau từng ngụm nước ấm. Tôi là lái xe tăng, nên được đồng đội quan tâm, nhường cho chút sữa và nước ấm dẫu ít ỏi, để có sức mà lái ...

Tôi đã trải qua những trận chiến khốc liệt như thế, thế mà bây giờ vẫn còn sống, lại còn được hưởng niềm vui chiến thắng thì đó là một điều hạnh phúc vô biên. Xen lẫn điều đó là vinh dự, tự hào, vì không phải người chiến sĩ nào của Quân đội nhân dân Việt Nam hôm đó có mặt ở Dinh Độc Lập - một địa điểm, một thời khắc vô cùng thiêng liêng, hết sức đặc biệt. Vậy mà tôi lại sống, được có mặt ở đó, cảm thấy vinh dự, tự hào. Đó là cảm xúc đầu tiên khi tôi lao chiếc xe tăng 380 qua cổng Dinh Độc Lập.

 Đại tá - nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt với hình ảnh xe tăng 380 và đồng đội ngày 30/4/1975. Ảnh: Thanh Thảo

Đại tá - nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt với hình ảnh xe tăng 380 và đồng đội ngày 30/4/1975. Ảnh: Thanh Thảo

Nhưng khi lắng lại một chút thì trong tôi lại dâng lên một cảm xúc trái chiều. Bởi khi tôi chui lại vào xe, vì cánh lái xe tăng của chúng tôi không được rời xe, quy định là như vậy: Nên khi pháo thủ chạy vào Dinh thì tôi vẫn phải ngồi lại xe.

Lúc ấy tôi rất lem luốc vì đã 3 ngày chưa tắm, từ hôm 27/4, bụi đỏ rừng cao su mùa khô hất lên mặt, dầu mỡ của xe dính vào, trông lem luốc vô cùng. Ống quần bên trái của tôi lại bị rách, nên trước ống kính của những nhà báo nước ngoài, trước con mắt của bà con Sài Gòn, tôi rất xấu hổ, vì khi ấy tôi còn trẻ lắm.

Khi tôi chui vào trong xe tăng ngồi thì mùi máu của anh Nguyễn Kim Duyệt, anh pháo 2, xộc đến. Ngay lập tức, một cảm giác và trạng thái khác chiếm lĩnh toàn bộ con người tôi. Đó là niềm tiếc thương đối với những người đồng đội của mình, với người đã hy sinh, không may mắn để đến đây chia vui với mình ngày hôm nay. Chính trong buồng xe tăng nơi tôi ngồi, máu của pháo 2 Nguyễn Kim Duyệt vẫn còn vương vất ở đấy, lòng xót xa, quặn thắt. Đó là trạng thái tổng hợp và những cảm xúc trái chiều của tôi trong ngày đại thắng.

 Mô hình xe tăng tại gia đình Đại tá - nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt. Ảnh: Thanh Thảo

Mô hình xe tăng tại gia đình Đại tá - nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt. Ảnh: Thanh Thảo

Vậy là trên xe có 4 người, một người bị mất, một người bị thương nặng, chỉ còn tôi và pháo thủ Trương Đức Thọ, chúng tôi đi sau phân đội đi đầu khoảng vài trăm mét. Nhưng đồng đội tôi, họ không kịp nhìn thấy lá cờ tung bay trên nóc Dinh Độc Lập của thời khắc hạnh phúc ấy, không kịp biết đất nước mình đã thống nhất.

Cho đến giờ đã trải qua 50 năm, nhưng xúc cảm, cảm giác ấy vẫn còn gần như nguyên vẹn mỗi khi dịp 30/4 đến. Tôi còn sống - là một điều may mắn. Nhưng sống không chỉ cho riêng mình. Tôi viết - như một cách để trả món nợ thiêng liêng với những đồng đội đã khuất", ông tâm sự, đôi mắt long lanh dòng nước mắt đã trực trào khi kể lại câu chuyện với phóng viên Báo Công Thương.

Viết là một cách gìn giữ lịch sử

50 năm đã trôi qua kể từ thời khắc lịch sử ấy, người lính năm nào giờ đã bước qua nửa đời người, mái tóc đã điểm bạc theo năm tháng. Nhưng ông vẫn không ngừng "trở lại" - bằng từng dòng viết đầy máu, lệ và lòng biết ơn những câu chuyện của đồng đội, của chiến trường, của những người lính vô danh đã góp phần làm nên khúc khải hoàn của dân tộc. Ông viết không phải để lưu danh, mà để: "họ được hiện diện trở lại, giữa những dòng chữ của tôi".

Đại tá - nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt: "Tôi viết để kể về họ..."

Đại tá - nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt: "Tôi viết để kể về họ..."

Dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Đại tá - nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt đã tái bản và giới thiệu hai tác phẩm giàu giá trị lịch sử:“Bút ký lính tăng - Hành trình đến Dinh Độc Lập”“Xe tăng trong chiến tranh ở Việt Nam - Lịch sử nhìn từ tháp pháo”. Đây không chỉ là những trang viết sống động về ký ức chiến tranh, mà còn là lời tri ân đồng đội, là “tháp pháo ký ức” đưa độc giả trở về thời khắc lịch sử thiêng liêng của dân tộc.

Với ông, viết là một cách gìn giữ lịch sử - không bằng tượng đài, không bằng pháo đài, mà bằng trái tim con người, bằng sự thật của lịch sử bất biến. Làm sao để khi thế hệ mai sau mỗi khi mở ra một trang sách, họ sẽ gặp những gương mặt thật, nghe những tiếng cười thật, và cảm nhận được sự mất mát, hy sinh chưa từng phai nhạt theo năm tháng. "Để có được độc lập hòa bình, khó khăn và đau đớn lắm”.

Đại tá - nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt chia sẻ cùng phóng viên Báo Công Thương

Đại tá - nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt chia sẻ cùng phóng viên Báo Công Thương

50 năm sau chiến thắng 30/4, đại tá - nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt, người lính xe tăng năm ấy vẫn giữ nguyên trong lòng một lời thề: "Tôi sống để viết. Viết để đồng đội được sống lại. Và viết để lịch sử không bao giờ bị lãng quên".

Thanh Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-ta-nguyen-khac-nguyet-va-ky-uc-cua-nhung-nam-thang-hao-hung-384876.html
Zalo